Chủ động tạm lui
Ông Vũ Trần Dương, Phó tổng giám đốc điều hành DDS cho biết, do chưa có nguồn tài chính mới, nên DDS ngừng cung cấp dịch vụ môi giới và chọn cách hợp tác với Kim Eng.
Đi kèm với môi giới bao giờ cũng là dịch vụ tài chính. Trước đây, các ngân hàng liên kết có thể cho DDS hạn mức vay vài trăm tỷ đồng, nhưng nay, họ cũng gặp phải rào cản về tỷ lệ cho vay phi sản xuất, nên không thể hỗ trợ nhà đầu tư.
Mặt khác, ai cũng biết là với tình hình TTCK hiện nay, các CTCK đều lỗ lớn nhất ở nghiệp vụ môi giới do chi phí lớn, từ mặt bằng, đường truyền, nhân viên…, trong khi các nghiệp vụ khác cũng không mang lại nguồn thu đáng kể gì. Tính sơ sơ, khi rút nghiệp vụ môi giới, DDS có thể tiết kiệm được chi phí mặt bằng thuê ở Nguyễn Công Trứ, quận 1, TP. HCM khoảng 300 đến 400 triệu đồng/tháng, cộng với chi phí đường truyền, nhân viên…, nên mỗi tháng tiết kiệm được 700 triệu đến 1 tỷ đồng.
"Quan trọng là giữ được chữ tín với khách hàng. Khi không thể cung cấp dịch vụ tốt nhất thì chúng tôi tạm ngưng, chứ không làm quá sức dẫn đến mất thanh khoản gây thiệt hại cho khách hàng. Còn niềm tin, khi thị trường tốt, DDS sẽ cung cấp lại dịch vụ này và hy vọng khách hàng sẽ quay về với chúng tôi", ông Dương nói.
Sự kiện DDS ngừng nghiệp vụ môi giới được ghi nhận là dấu hiệu tích cực của thị trường khi mà khối CTCK đang phải chịu sự sàng lọc khắc nghiệt nhất từ trước đến nay.
Nhiều ý kiến cho rằng, số CTCK hoạt động đủ các nghiệp vụ chính là môi giới, tư vấn, bảo lãnh phát hành cần giảm đi 70% so với hiện nay mới phù hợp với quy mô của thị trường. "Đông Dương không vi phạm bất cứ quy định nào, nên họ không bị buộc phải dừng môi giới. Họ tôn trọng khách hàng của mình và đưa ra thông điệp về việc chuyển giao khách hàng cho Kim Eng, nơi có thể phục vụ tốt hơn", ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Chứng khoán SJC bình luận. Chứng khoán SJC cũng vừa đóng cửa phòng giao dịch Hà Nội, nhằm tiết giảm chi phí.
Theo ông Tuấn, tái cấu trúc CTCK nhằm mục đích bảo vệ nhà đầu tư và không để đổ vỡ hệ thống. Nếu một công ty thấy lực mình không kham nổi thì dừng lại là giải pháp tốt nhất lúc này.
Trao đổi với ĐTCK, ít nhất 3 CTCK cho biết, họ đang xém xét việc dừng cung cấp dịch vụ môi giới, khi thu thì ít, chi thì nhiều. Qua UBCK, ĐTCK được biết, có ít nhất 2 CTCK đã có đơn xin rút nghiệp vụ môi giới.
DDS là CTCK rút lui khỏi nghiệp vụ môi giới bằng việc chuyển toàn bộ khách hàng cho Kim Eng - Ảnh: Lê Toàn
Không phải CTCK nào cũng rút lui êm thấm
DDS hiện có khoảng 5.000 tài khoản, một nửa vẫn giao dịch. DDS sẽ phải mở hẳn một cuộc hội thảo để hướng dẫn khách hàng làm thủ tục chuyển tài khoản sang Kim Eng hay CTCK khác. Nhưng lý do căn bản nhất khiến quá trình ngưng cung cấp dịch vụ môi giới của DDS thực hiện gọn gàng, không dây dưa, theo ông Dương, là do Công ty tách bạch tiền gửi của Công ty và của khách hàng, nên không có tranh chấp nào về quyền lợi. Sau khi được UBCK cho phép, khách hàng đồng thuận và Công ty thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ với khách hàng, DDS sẽ dừng nghiệp vụ môi giới.
Cũng trong thời điểm này, trên thị trường có thông tin về sự chuyển giao tài khoản NĐT từ CTCK SME (đang bị tạm ngừng môi giới do mất thanh khoản) sang CTCK Golden Bridge, nhưng bước đầu chỉ chuyển được chứng khoán, chứ chưa rút được tiền.
"Chỉ cần vài tài khoản có tranh chấp thì quá trình chuyển giao sẽ phải kéo dài, các vụ kiện tụng giữa CTCK và khách hàng có thể kéo dài vài năm", giám đốc một CTCK nhận định. Trong những trường hợp không vướng mắc tiền bạc với khách hàng như DDS thì cũng phát sinh vấn đề với những tài khoản chứng khoán tạm thời không tìm được chủ sở hữu, vì nhiều lý do khác nhau, như số dư tiền hay chứng khoán quá nhỏ. DDS sẽ phải làm thủ tục chuyển các tài khoản này sang Kim Eng mà không có sự tham gia của chủ tài khoản.
Ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán An Phát - Công ty đầu tiên thực hiện việc tiếp nhận tài khoản NĐT chuyển giao từ CTCK Gia Anh trước đây chia sẻ, kinh nghiệm của Công ty ông là sự chuyển giao cần có sự giám sát của UBCK. Ba bên là Gia Anh, An Phát và UBCK đều phải lưu dữ liệu lịch sử giao dịch tài khoản, để nếu nhà đầu tư khiếu nại sẽ biết CTCK nào phải chịu trách nhiệm. Với những tài khoản không có chủ, dù chỉ còn một đồng, công ty cũng phải lưu giữ.
Hành động của người ở lại
Kim Eng đang được đón nhận lượng lớn khách hàng của DDS khi DDS rút lui khỏi nghiệp vụ môi giới. Nhìn tổng thể khi có nhiều CTCK rời bỏ thị trường hoặc chỉ tham gia ở mức độ nhỏ thì những công ty còn trụ lại được sẽ có thêm lợi thế. Tuy nhiên, trước khi nghĩ đến lợi, CTCK phải lượng sức mình để nằm gai nếm mật cùng thị trường vì như Chủ tịch CTCK An Phát thì vấn đề của CTCK lúc này là phải sống sót, không để dính điều tiếng hay mất thanh khoản với khách hàng.
Hy vọng sang năm thị trường sẽ đỡ khó hơn, nhưng CTCK An Phát vẫn chuẩn bị để đối phó nếu thị trường còn khó khăn kéo dài trong 2 năm nữa. Hiện nay, mỗi tháng An Phát chi khoảng 1 tỷ đồng trong khi thu chỉ 700 triệu đồng.
Tổng giám đốc CTCK Âu Việt, ông Nguyễn Hoàng Long cho biết, vì Âu Việt đã niêm yết nên muốn quyết định gì phải thông qua đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên, theo ông Việt, Công ty ông có thể sống khỏe trong 2 năm nữa, vì tình hình tài chính tốt với hơn 100 tỷ đồng tiền mặt. Âu Việt đã cắt giảm mạnh chi phí trong thời gian qua và sẽ tiếp tục cắt giảm để thích nghi với tình hình thị trường.
Nhìn vào nhóm công ty chứng khoán lớn, theo thông tin của ĐTCK, một công ty đang tính đến giải pháp giảm vốn xử lý khoản lỗ đầu tư và nợ xấu, đưa tài chính về mức an toàn để tiếp tục cuộc chơi. Chứng khoán Thăng Long vừa trải qua một cuộc tái cơ cấu nhân sự lãnh đạo với sự "đổ bộ" của nhiều lãnh đạo cao cấp ngân hàng mẹ (MB). Tiếp sau động thái này dự kiến sẽ là tái cơ cấu nhân sự, tái cơ cấu các nghiệp vụ để hướng đến những hoạt động hiệu quả hơn.
Dù đề án tái cơ cấu TTCK, tái cơ cấu CTCK đang được UBCK xây dựng, nhưng các chủ thể trong lòng thị trường đã bắt đầu thực hiện quá trình này vì sự tồn vong của chính mình và sự an toàn của cả hệ thống.