Để sống sót sau ngày 1/4, các CTCK đang chạy nước rút với việc chấp nhận “uống thuốc đắng”.
Để sống sót sau ngày 1/4, các CTCK đang chạy nước rút với việc chấp nhận “uống thuốc đắng”.
Hơn một tháng nữa là đến 1/4, thời điểm các CTCK sẽ phải đối mặt với nhiều biện pháp xử lý mạnh lần đầu tiên áp dụng, trong đó có đình chỉ hoạt động, được quy định tại Thông tư 226/2010/TT-BTC.
Thu hẹp tối đa
Sau ngày 1/4/2011, thời điểm Thông tư 226/2010/TT-BTC (Thông tư 226) có hiệu lực không lâu, thông tin đóng cửa chi nhánh, phòng giao dịch được các CTCK công bố dày đặc qua website của các Sở GDCK. Ngay cả những “đại gia” như CTCK Sài Gòn, CTCK Thăng Long, CTCK Sacombank cũng đã phải đóng cửa hàng loạt chi nhánh, phòng giao dịch…
Cách làm này không chỉ để ứng phó với sự suy giảm của TTCK, mà quan trọng hơn là giúp nhanh chóng giảm thiểu chi phí hoạt động, qua đó hỗ trợ sức khỏe tài chính của các CTCK.
Một giải pháp “đau” hơn, lần đầu tiên một số CTCK đã phải “nghiến răng” áp dụng, đó là tự nguyện đề xuất rút nghiệp vụ môi giới, thôi tư cách thành viên tại 2 Sở GDCK như: CTCK Trường Sơn, CTCK Đông Dương, CTCK Hà Nội.
Nhiều CTCK thua lỗ lớn trong năm 2011 trong khi triển vọng thị trường chưa có dấu hiệu sáng sủa rõ nét, xem ra, không lâu nữa sẽ có thêm các CTCK phải “uống liều thuốc đắng”. Trường hợp CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VICS) vừa công bố xin ý kiến cổ đông rút bớt nghiệp vụ kinh doanh là một ví dụ.
Lãnh đạo một CTCK có trụ sở tại Hà Nội chia sẻ, áp công thức tính chỉ tiêu an toàn tài chính (ATTC) của Thông tư 226 thì đơn vị này đang rơi vào trạng thái bị “kiểm soát” do tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro vào khoảng 140% trong tất cả các kỳ báo cáo của 3 tháng liên tiếp.
Trước tháng 11/2011, Công ty dự kiến thực hiện cắt giảm khoảng 50% tổng chi phí hoạt động bằng cách chuyển trụ sở đến vị trí có tiền thuê rẻ hơn, cắt giảm tiếp bộ máy nhân sự để hy vọng đạt chỉ tiêu ATTC. Nhưng như vậy vẫn chưa ổn, Công ty đang cắt giảm thêm 25% chi phí hoạt động để mong thoát khỏi nguy cơ bị “kiểm soát”. Để đạt mục tiêu này, Công ty phải tái cơ cấu mạnh tài sản rủi ro, nhất là cắt giảm danh mục tự doanh và margin.
Còn tổng giám đốc một CTCK đang niêm yết không giấu giếm: dù tình hình tài chính hiện tại của Công ty ở mức an toàn, nhưng để vượt qua cuộc sát hạch bắt đầu từ 1/4, từ cuối năm 2011 đến nay, Công ty gần như “đứng im”, không dám triển khai các hoạt động đầu tư lớn. Thậm chí, Công ty còn chịu đau cắt lỗ danh mục tự doanh, để đưa sức khỏe tài chính về ngưỡng an toàn ngay cả khi thị trường diễn biến xấu thêm trong thời gian tới.
Bao nhiêu CTCK “chết”?
Trước áp lực của Thông tư 226, cũng như các giải pháp tái cơ cấu CTCK mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) sẽ triển khai, đang diễn ra cuộc “đại phẫu” tại các CTCK với hy vọng được “sống”. Nói như lãnh đạo UBCK thì sẽ có CTCK phải nói lời chia tay thị trường do không đáp ứng được luật chơi.
Bao nhiêu CTCK sẽ phải xóa tên khỏi danh sách 105 CTCK đang hoạt động trong năm 2012, một năm mà Bộ Tài chính, UBCK đặt quyết tâm mạnh tay xử lý các CTCK thuộc nhóm 3 (nhóm kiểm soát đặc biệt) gồm các CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng dưới 120% và có lỗ lũy kế từ trên 50% vốn điều lệ?
Tuy khẳng định sẽ có CTCK phải chia tay cuộc chơi trong năm 2012, nhưng lãnh đạo UBCK cho biết, việc đưa ra một con số cụ thể lúc này là quá sớm và không có cơ sở thuyết phục. Lý do là điều này hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực tái cơ cấu của các CTCK. Hiện tại, có CTCK không đáp ứng được chỉ tiêu ATTC, nhưng nếu họ tái cơ cấu thành công thì sẽ đưa sức khỏe tài chính về ngưỡng an toàn.
Nói như vậy để thấy, việc “sống” hay “chết” là do tự thân các CTCK quyết định theo nguyên tắc thị trường, chứ cơ quan quản lý không thể áp ý chí chủ quan để CTCK này “sống”, buộc CTCK kia “chết”.
Một câu hỏi khác đặt ra là theo quy định của Thông tư 226, trình tự, thủ tục đình chỉ hoạt động của CTCK sẽ thực hiện theo hướng dẫn của UBCK, nhưng đến nay nội dung này vẫn chưa được công bố. Theo lãnh đạo UBCK, vấn đề này đã được đề cập trong dự thảo sửa đổi Quyết định 27/2007/QĐ-BTC về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động CTCK.
Sau khi lấy ý kiến các thành viên thị trường, dự thảo văn bản đang được hoàn tất và dự kiến sẽ ban hành ngay sau khi Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán được ban hành.
Hữu Đạo
Theo Dau tu chung khoan