Những tranh luận xung quanh đoạn kết truyện cổ tích Tấm Cám vẫn... kéo dài không dứt.
Những tranh luận xung quanh đoạn kết truyện cổ tích Tấm Cám vẫn... kéo dài không dứt.
Xôn xao với đoạn kết mới
Nhiều ngày gần đây, xoay quanh câu chuyện học đường về sự thay đổi của kết truyện Tấm Cám đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Truyện Tấm Cám được trình bày trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10, từ trang 65 đến trang 72 với đoạn kết cải biên như sau: “Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu dội nước sôi vào hố. Cám chết. Mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết.”
Ảnh chụp lại từ sách giáo khoa
Như vậy so với cốt truyện cũ, cô Tấm không muối mắm Cám và gửi về cho dì ghẻ ăn nữa. Việc trả thù dừng lại ở việc Tấm lừa Cám dùng nước sôi để làm đẹp, Cám chết vì ngu dốt và sự trả thù của Tấm đã được giản lược đi về mức độ độc ác. Kết thúc được cho là nhẹ nhàng và không gây cảm giác man rợ như trước.
Trong một khảo sát của cô Lê Thị Thu Hà, giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn trên 185 giáo viên THPT và 1537 học sinh ở một số trường THPT miền Trung Tây Nguyên, đã có khoảng hơn 70% học sinh và giáo viên đồng tình với cái kết mới. Tuy nhiên, theo ý kiến độc giả của một số tờ báo điện tử chỉ 18% bạn đọc ủng hộ sửa đoạn kết, 30,4% không đồng tình với kết mới, vì cho rằng cô Tấm vẫn quá ác và hơn 51% nghĩ không cần phải sửa.
Trên thực tế, rất nhiều ý kiến phản đối việc sửa lại đoạn kết như trong sách giáo khoa, muốn giữ nguyên cái kết cũ: "Tấm, dù có xinh đẹp, phúc hậu, vị tha đến đâu, cuối cùng vẫn là một con người. Hành động của Tấm là một hành động rất bản năng. Xét cho cùng, Tấm không phải là Tiên, Phật mà là đại diện cho nhân dân, một con người như chúng ta. Tuy nhiên, không phải lúc này, phần "con" trong Tấm đã thắng phần "người". Cả hai luôn song hành với nhau, đó mới là "con người".
Trên facebook, một thành viên chia sẻ: Cách giải quyết câu chuyện tốt hay xấu chỉ là một cách nhìn của chúng ta mà thôi. Bài học mà câu chuyện mang lại mới thật sự quan trọng. Đừng nghĩ rằng hành động của Tấm là độc ác.
Một đại diện của thế hệ 8X - Bùi Thị Minh viết: Chúng ta chấp nhận được đoạn kết của câu truyện tại sao thế hệ sau không thể chấp nhận? Tôi là một đại diện của thế hệ 8X. Truyện Tấm Cám tôi đã được đọc từ thủa bé. Ngày đó cũng đưa ra bình luận về nội dung câu chuyện. Tại sao chúng ta lại phải sợ cái kết đó. Thời chúng ta tiếp cận, đưa ra được cái nhìn đúng đắn thì tại sao chúng ta lại phải sợ thế hệ kế tiếp chúng ta có những suy nghĩ lệch lạc... Với riêng tôi, NXB nên để nguyên câu chuyện như vậy và có phần phụ lục bình luận về nội dung của nó thì sẽ hay hơn!
Ngay sau khi thông tin về việc sửa lại đoạn kết được công bố, trên facebook nhiều thành viên cũng rất quan tâm và bày tỏ ý kiến của mình: “Tại sao lại sửa nhỉ? Dù cho nó dã man, nhưng đã là truyện dân gian, đã được truyền qua hết từ đời này sang đời khác, có nghĩa là nó có mang 1 ý nghĩa, 1 thông điệp nào đó từ đời trước muốn truyền tải đến lớp người sau, ví dụ như nếu làm điều ác như mẹ con Cám thì sẽ gặp quả báo. Sửa như thế thì còn gì là truyện, chỉ thương cho các em học sinh bây giờ".
Rộn ràng sửa lại kết truyện
Nhiều ngày nay cộng đồng mạng Việt Nam còn sáng tạo ra những đoạn kết khác cho câu chuyện Tấm Cám. Nhiều ý kiến cho rằng nên viết lại để cái chết của truyện Tấm Cám được nhẹ nhàng hơn bằng sự trừng phạt của trời đất như sét đánh, giông bão làm nhà sập thì hay hơn là sự cố ý trả thù. Cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng nên bỏ hẳn câu chuyện Tấm Cám ra khỏi chương trình học.
Trên trang Yahoo, thành viên Hoàng đề nghị sửa như sau: “Tấm tuy nhiều lần bị mẹ con Cám hãm hại, nhưng nàng vẫn mở tấm lòng tha thứ cho họ. Mẹ con Cám cảm phục trước Tấm và ăn năn hối cải”.
Tại diễn đàn webtretho, nhiều thành viên đóng góp phần kết mới: "Mẹ con Cám phải chết vì lòng tham lam, ghen ghét và ích kỷ, chết vì ngu và tự giết nhau thì đúng hơn. Ví dụ: Vì muốn được đẹp như Tấm, Cám bắt chước trèo lên cây cau rồi để mẹ ở dưới chặt cau cho Cám chết đuối, sau đó dì ghẻ đem đi làm mắm để mong Cám mau hóa kiếp, nhưng hỡi ôi! Chỉ thấy cái đầu lâu! Mụ dì ghẻ khiếp quá, lăn đùng ra chết".
Thành viên Binh Minh lại “quân sư”: "Khi Cám nhìn thấy Tấm sống lại từ quả Thị thì sợ quá, cuống cuồng chạy đi và đập đầu vào hòn đá chết. Mẹ Cám thấy vậy cũng chết theo con”. Như vậy, cô Tấm nhà ta không còn mang tiếng giết người nữa".
Một ý kiến khác như sau: "Cá nhân, mình vẫn thích cái kết "bỏ đi biệt xứ hơn”. Vì dù có thế nào đi chăng nữa, việc "đổ nước sôi", rồi "làm mắm" nghe vẫn mang màu tàn nhẫn. Không phù hợp với lứa tuổi học sinh cho lắm. Lúc trước, học bài này đến đoạn kết, lớp mình cũng xôn xao bàn tán lắm. Đa số là không đồng tình. Như thế làm mất đi hình tượng cô Tấm Việt Nam".
Một bạn tên Hằng đưa ra cách sửa khác: "Theo mình, nếu được sửa lại đoạn kết, mình sẽ tâu với nhà vua về những tình tiết ác độc của mẹ con Cám , sau đó vua sẽ trảm 2 mẹ con. Đó vừa là pháp luật vừa trả lại sự công bằng cho xã hội. Hoặc có thể nhờ ông Bụt hóa thân 2 mẹ con Cám thành 2 kẻ xấu xí nhất thế giới, khiến 2 mẹ con không dám bước ra đường nữa, chỉ sống ru rú trong một cái xó chật chội bẩn thỉu".
Những tranh luận về câu chuyện cổ tích mà ai ai cũng biết vẫn chưa có hồi kết. Còn bạn, bạn có ý kiến như thế nào? hãy chia sẻ cùng dantin nhé!
Mộc Miên