Sự kiện hot
11 năm trước

Cư dân mạng “sợ” 18 điều kị ngày “mở cửa địa ngục”

Trên mạng đang truyền nhau 18 điều răn không nên làm để tránh vận xui trong tháng cô hồn, đặc biệt là ngày Rằm tháng Bảy. Vậy những kiêng kị đó có nên theo?

Trên mạng đang truyền nhau 18 điều răn không nên làm để tránh vận xui trong tháng cô hồn, đặc biệt là ngày Rằm tháng Bảy. Vậy những kiêng kị đó có nên theo?


Ảnh: Internet

Các facebook kêu than vận xui tháng Bảy

“18 điều răn không nên làm trong tháng 7” đang lan truyền trên facebook. Nhiều bạn trẻ lo lắng trước những thông tin: Người yếu bóng vía, đàn bà, trẻ con không nên đi chơi đêm vì dễ gặp điều không may; Không treo chuông gió vào đầu giường vì sẽ thu hút ma quỷ; Không phơi quần áo vào ban đêm, vì ma quỷ trông thấy sẽ mượn và để lại quỷ khí; Đi chơi khuya không được réo gọi tên nhau vì quỷ sẽ nhớ tên đó; Không nên thức quá khuya vì tinh thần sẽ hao tổn, dễ nhiễm quỷ khí; Không ăn vụng đồ cúng cô hồn vì dễ rước họa; Không hù dọa, nhát ma khiến người khác “hồn xiêu phách lạc” dễ bị ma quỷ nhập; Hạn chế đi đêm qua những nơi vắng vẻ hoặc ở những nơi góc tường, xó tối, là nơi ma quỷ hay tụ bạ…

Trên cả facebook và diễn đàn mạng nhiều bạn trẻ đã ca thán về những vận xui đã gặp trong tháng Vu lan. Bạn Otxanh cho biết: “Đầu tháng cô hồn bị người yêu “đá”, từ lúc ấy người cứ buồn phiền, nôn nao… Đọc 18 điều kiêng kị thấy sợ. Sắp rằm tháng 7 rồi, các bác cô hồn đừng trêu cháu. Cháu hứa làm lễ Mông sơn thí thực. Cháu muốn yên ổn qua ngày Vu lan để trọn được chữ hiếu, các vong tha cho cháu”.

Bạn Petti viết: Tháng 7 đen không còn lời nào mà nói nữa. Mình đi trước, bà chị đi sau đóng cánh cửa nghiến 2 ngón tay mình bầm giập, đau không tưởng. Các bạn hãy cẩn thận với tháng 7 âm, không là đen đủi lắm. Không nên đi đêm nhiều đâu nhá.

Một số bạn trẻ chia sẻ, không biết đúng hay sai, nhưng đọc xong 18 điều nên tránh cũng... hãi, và cố tránh để đỡ gặp vận xui, chẳng gì có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Tháng 7 âm dân kinh doanh, buôn bán cũng hạn chế mua bán, làm giấy tờ, ký kết hợp đồng… Thậm chí có bệnh nhân được xếp mổ cũng năn nỉ bác sĩ chuyển sang tháng 8 cho lành!!!

Theo dân gian, tháng 7 âm Diêm Vương mở Quỷ môn quan, để Rằm tháng 7 ma quỷ lên ngao du nhân gian. Không chỉ có các vong linh của thân quyến đi qua cửa địa ngục vào dịp này, mà lẫn cả các vong hồn bất hảo, quậy phá (ma quỷ) hoành hành. Vì thế người xưa cho Rằm tháng 7 là ngày “âm khí xung thiên”, làm việc gì cũng không tốt, xui xẻo, vận hạn (nhất là người kinh doanh, người đi xa vào tháng cô hồn).

Những điều răn kia đã làm nhiều bạn trẻ chưa vững kiến thức sống đọc xong mất ngủ vì lo lắng, hoặc hối hả thực hành. Có những người mua nhà, tậu xe cũng lên mạng trưng cầu ý kiến vì “sợ kiêng kỵ" trong tháng 7 âm.

Vu lan nên làm gì?

Một số nhà sư cho biết, Phật giáo hoàn toàn không có những quan niệm như “18 điều nên tránh trên”, cũng như quan niệm về ngày tháng tốt - xấu. Nếu tâm sáng thì ngày nào cũng là ngày tốt. Xưa dân gian thường đốt nến, đốt vàng mã, hoặc giết gà vịt để cúng trong dịp này. 


Lễ Vu lan ở chùa Quán Sứ - Ảnh Hà Dương

Sư thầy Thích Minh Hóa (Chùa Bằng, Hà Nội) chia sẻ: Có câu “Đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Người dân chân đi lễ Phật, miệng cầu nguyện, chắp tay lễ phật, nhưng lại đốt vàng mã thì vô tình lại kéo ông bà xuống địa ngục. Mọi người đốt là do tâm lý kiểu “cha mẹ cho ta thừa kế nhiều tài sản mà không đốt nổi bộ vàng mã thì mọi người sẽ bảo là không cho được gia tiên manh áo”. Nhà chùa không khuyên người dân bỏ hoàn toàn vàng mã, mà khuyên người dân nên đốt ít thôi.

Theo Phật giáo, tháng 7 âm là tháng báo hiếu của con cái đối với ông bà cha mẹ còn sống hoặc đã khuất. Dịp này các chùa thường lập đàn tụng kinh Vu lan để cầu siêu cho người đã khuất được siêu thoát. Mọi người nên thờ cúng, cầu siêu cho những người đã mất. Ở miền Bắc người dân đa số cúng Vu lan ở chùa. Người dân đến chùa xin phả độ gia tiên sẽ được phát giấy và tự viết danh sách gia tiên nộp. Ở nhà thì làm mâm cơm ngon, trước dâng, sau thụ lộc. Vấn đề chay mặn không nhất thiết. Nếu là cỗ chay càng tốt, nhưng xem có ăn được không, chứ đem đổ lại mang tội lãng phí. Cúng dâng các cụ cần nhất là tâm thành, chỉ có tâm thành các cụ mới cảm nhận được.

Tháng 7 âm là không làm bất kỳ điều gì, như thế không có cơ sở khoa học. Phật học khuyên mọi người ngày nào cũng là ngày tốt, tháng nào cũng là tháng tốt và không có ngày - tháng nào xấu. Xấu hay tốt là do quan niệm con người tự đặt ra. Tháng Vu lan cúng vào ngày nào cũng được. Hãy tập trung cúng bái, thắp hương cầu nguyện chư Phật mười phương siêu sinh tịnh độ cho gia tiên, vong linh nhà mình và xung quanh. Với chúng sinh nên nấu bát cháo loãng, mã tiền vàng, quần áo, với hoa quả, nẻ, bỏng, oản… và mở cửa nhà để cúng chúng sinh trước cửa.

Đừng sợ cúng chúng sinh không biết tiễn vong sẽ ở lại quấy phá, bởi mình cho họ ăn no, đối tốt với họ thì họ sẽ không quấy phá như đã nhầm tưởng. Quần áo chúng sinh cũng mua ít thôi. Quan trọng là tâm thành, tưởng ra được cái tâm đó là quần áo ấm áp, tâm thành thương xót thì vong linh (khi đó chỉ còn thần thức) mới cảm nhận được đồ ăn ngon, quần áo ấm. Chứ cúng heo quay, gà sống, mâm cao cỗ đầy… nhưng không có tâm thành thương xót thì vong linh không hưởng được.

Không nên cúng quần áo giấy cho ông bà, bởi đó là tục xưa, ông bà mặc được đâu. Nếu muốn, hãy mua hẳn quần áo thật bằng vải đẹp, trước là cúng ông bà tổ tiên, sau xin lộc của ông bà mà mặc. Hoặc ý mình muốn bộ đó, ta may về cúng, rồi xin cho con cháu mặc, hoặc cho người nghèo. Đó cũng là một cách thức trước cúng, sau bố thí.

Theo các cao tăng, nhà nghiên cứu văn hóa, chuyện kiêng kỵ tháng 7 âm vẫn chỉ là "thói quen" hay "tâm lý", hình thành trên cơ sở những lời đồn đại và thiếu cơ sở khoa học.

Trong cuộc sống có may mắn, hên xui, Không phải cứ tháng 7 âm lại đen, hay xui hơn. Có những kiêng kị trên xuất phát từ quan niệm của người xưa từ trăm, ngàn năm trước, nay trước khoa học và văn minh nhân loại đã thấy những kiêng kị đó không còn phù hợp. Nếu cứ kiêng kị thì chẳng nhẽ trong tháng 7 âm này không được làm việc gì hay sao.

Vu lan báo là dịp báo hiếu cho cả người âm và người dương, cả tổ tiên và cha mẹ. Vì vậy, hãy thay vì lo sợ, kiêng kị mê tín, mọi người hãy mau thể hiện tình cảm với ông bà, cha mẹ mình.

Dịp Vu lan nên:

-Thăm mộ phần của người đã khuất.

-Nên đi chùa chiền thắp hương cầu xin sức khòe, cầu siêu… Ở các chùa dịp này hay tụng kinh Vu Lan, Vãng sinh, Chú Đại bi... (ở các chùa đều có).

-Khi dọn đồ ra cúng cô hồn nếu bị người khác tranh giật trên tay nên buông thả đồ cúng ra khỏi tay để tránh hậu quả tệ hại. Cũng nên tránh xa khi có dấu hiệu xung đột bên cạnh.

-Nên hạn chế sát sanh các con vật.

-Nên làm nhiều điều phúc thiện trong tháng này.  Nếu nhà có người bệnh nên trò chuyện vui vẻ, kể những câu chuyện vui vẻ, vượt qua số phận, không nên kể chuyện buồn, chết chóc, đau thương, yếu đuối.

Trà Giang
theo GĐ&XH

Từ khóa: