TTCK đang xuất hiện nhiều “đại gia” ẩn danh, với những cuộc mua bán đầy bất ngờ. Không chỉ những NĐT trong nước, NĐT nước ngoài cũng tham gia cuộc chơi này.
TTCK đang xuất hiện nhiều “đại gia” ẩn danh, với những cuộc mua bán đầy bất ngờ. Không chỉ những NĐT trong nước, NĐT nước ngoài cũng tham gia cuộc chơi này.
Cùng lúc TTCK sụt giảm mạnh do ảnh hưởng từ thông tin xăng dầu tăng giá, đã có ý kiến nhận định rằng, đây là động thái đánh xuống của các tay chơi lớn. Thị trường đang xuất hiện nhiều “đại gia” ẩn danh, với những cuộc mua bán đầy bất ngờ.
Những ngày này, giới thạo tin trên TTCK truyền tin đồn về việc nhiều khả năng một công ty có vốn hóa thuộc Top 10 trên TTCK đang gom cổ phiếu GMD của CTCP Gemadept. Lãnh đạo một quỹ đầu tư chia sẻ, nghi vấn này không phải là không có cơ sở khi cơ cấu cổ đông của GMD khá lỏng, khối lượng cổ phiếu tự do lớn và giá trị tài sản của DN cao. Thêm vào đó, trong quá khứ, GMD đã được một đối tác “nhòm ngó” và có ý đính mua lại.
Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo GMD cho hay, một công ty có trụ sở tại TP. HCM đã sở hữu xấp xỉ 15% vốn điều lệ của GMD, nhưng đến nay vẫn không phải công bố cổ đông lớn, vì chưa chính danh là cổ đông lớn.
Không chỉ GMD, một số DN niêm yết cũng ở trong tình trạng bị thâu tóm cổ phiếu, nhưng không xuất hiện bất cứ cổ đông lớn mới nào. Tại một DN niêm yết trên sàn HOSE, phiên họp ĐHCĐ năm 2011 đã diễn ra hết sức kịch tính khi bất ngờ một nhân vật đứng lên tuyên bố đại diện sở hữu tới hơn 80% vốn điều lệ của Công ty. Điều đáng nói là trong toàn bộ 80% vốn điều lệ mà nhân vật trên được giao quyền đại diện, không có bất kỳ cổ đông nào sở hữu tới 5% vốn điều lệ.
Trên thực tế, không phải NĐT, nhóm NĐT nào cũng có tham vọng và đủ khả năng tài chính để mua thâu tóm DN bằng chiêu thức chia lẻ để mua đến mức sở hữu đa số. Nhưng bức tranh chung đang cho thấy, những ông lớn ẩn danh trên TTCK là không ít.
Không ít NĐT mua gom cổ phiếu đứng tên nhiều người khác nhau
Hai tuần qua, việc một số NĐT cá nhân sở hữu tới hàng chục triệu CP tại một ngân hàng cũng đặt ra câu hỏi ngỏ về động cơ mua lớn và khả năng liên kết để thâu tóm DN. TTCK xuất hiện ngày một nhiều những đại gia nghìn tỷ, nhưng chỉ mang danh NĐT chứng khoán đơn thuần. Việc tham gia vào mỗi thương vụ của đối tượng này được coi như một canh bạc. Mua âm thầm, đẩy giá và ồn ào lôi kéo người mua để rồi lại âm thầm bán ra hưởng lợi là một kịch bản quen thuộc của đối tượng này.
Không chỉ những NĐT trong nước, ngay cả nhóm NĐT nước ngoài dường như cũng đang dần tham gia cuộc chơi “ẩn danh”. Một nguồn tin không chính thức cho hay, từ đầu năm 2012 đến nay, một ngân hàng nước ngoài đã đổi tới 800 triệu USD sang VND để đầu tư vào chứng khoán. Không rõ cơ cấu đầu tư vào cổ phiếu - trái phiếu ra sao, nhưng con số 800 triệu USD, tương đương 1.600 tỷ đồng, là không nhỏ. Nếu như giai đoạn trước, các NĐT ngoại thường “trống dong cờ mở” mỗi lần có kế hoạch đầu tư lớn, thì giờ đây, họ trở nên kín đáo hơn rất nhiều.
Theo thống kê, từ đầu năm 2012 đến nay, giao dịch sôi động trên TTCK chủ yếu được khơi mào từ khối ngoại, với giá trị giao dịch lớn. Trong tháng 1/2012, trên HOSE, khối này mua vào 1.349 tỷ đồng, bán ra 3.432 tỷ đồng. Sang tháng 2, khối này lại mua vào hơn 3.341 tỷ đồng và bán ra 1.925 tỷ đồng. Từ đầu tháng 3, mới chỉ có 7 ngày giao dịch, nhưng khối này đã kịp mua vào 1.440 tỷ đồng và bán ra 1.798 tỷ đồng chứng khoán. Đã có nghi vấn đặt ra rằng, sau quỹ đầu tư chỉ số (ETF), khối ngoại chính là đối tượng tạo sóng và trong đó không loại trừ khả năng có yếu tố cấu kết đẩy đưa thị trường.
Nếu thiếu những ông lớn, thị trường sẽ bớt đi những con sóng lớn và vì thế cũng sẽ giảm đi mức độ hấp dẫn. Nhưng khi cuộc chơi bị chi phối của khối “đại gia”, thì ai sẽ là người mang lại lợi nhuận cho khối này? Trên thị trường giao dịch, tiền không tự sinh ra, mà chỉ chảy từ túi người này qua người khác. Khi ngày càng xuất hiện nhiều đại gia ẩn danh, TTCK sẽ là cuộc chiến giữa những “con sói” hay chỉ là sự hy sinh của “bầy cừu”?
Bùi Sưởng
Theo DTCK