Sự kiện hot
12 năm trước

Cứu tinh của trẻ sinh non

Từ chối lời mời làm việc của một số bệnh viện ở Pháp, ngay sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y khoa tại nước này vào cuối năm 2006, anh quyết định về Việt Nam làm việc.

Từ chối lời mời làm việc của một số bệnh viện ở Pháp, ngay sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y khoa tại nước này vào cuối năm 2006, anh quyết định về Việt Nam làm việc.

Câu hỏi tự đặt ra cho mình

Làm thế nào cứu sống được những trẻ sinh non và tránh để lại những di chứng đáng tiếc có thể xảy ra về sau cho trẻ? Đó là câu hỏi luôn thường trực trong tâm trí của tiến sĩ - bác sĩ Vũ Tề Đăng (35 tuổi), người đã được tuyên dương danh hiệu Thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2011, hiện là Phó khoa Sơ sinh của Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM.

Cũng chính từ câu hỏi tự đặt ra cho mình như thế, từ khi về công tác tại Bệnh viện Từ Dũ vào năm 2007 cho đến nay, anh đã có nhiều sáng kiến, nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực nhi khoa nhằm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở trẻ sinh non. Một trong những công trình được áp dụng thành công và có tiếng vang trong ngành y học cả nước là “Nghiên cứu xuất huyết não ở trẻ sơ sinh rất nhẹ cân và một số yếu tố có liên quan”. Nghiên cứu đã tìm ra tần suất xuất huyết não ở trẻ rất nhẹ cân (dưới 1.500 gr) để có cách ngăn ngừa và điều trị tốt nhất. Bác sĩ Đăng vui mừng cho biết: “Hiện tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh nhẹ cân (dưới 1.500 gr) và rất nhẹ cân (dưới 1.000 gr) tại Bệnh viện Từ Dũ đã giảm đáng kể so với thời điểm trước năm 2007”. Theo bác sĩ Đăng: “Với nghiên cứu trên, chúng tôi không chỉ cứu sống được các bé mà còn ngăn chặn và tránh những biến chứng liên quan đến não có thể xảy ra ở giai đoạn trưởng thành của trẻ”.

Tiến sĩ - bác sĩ  Vũ Tề Đăng đang chăm sóc các bé sơ sinh tại phòng chăm sóc
đặc biệt của Bệnh viện Từ Dũ - Ảnh: Lê Thanh

Một phương pháp cực kỳ hiệu quả đã được nhiều bệnh viện trong nước học tập, áp dụng đó là: “Nghiên cứu ảnh hưởng của phương pháp Kangaroo (mẹ ấp bé sinh non)”. Phương pháp này được bác sĩ Vũ Tề Đăng phối hợp với bác sĩ Lương Kim Chi (Bệnh viện Từ Dũ) nghiên cứu nhằm làm tăng sự tưới máu não, giúp não trẻ được cung cấp máu ổn định hơn so với việc nuôi trẻ trong lồng kính, nhờ vậy số lượng trẻ sinh non dưới 1.000 gr được cứu sống ngày càng nhiều và phát triển tốt hơn về thể chất. Anh tâm tình: “Một đứa trẻ khi lớn lên được khỏe mạnh và thông minh là niềm vui không chỉ của các ông bố, bà mẹ mà còn là niềm hạnh phúc của những người thầy thuốc”.

 

Một đứa trẻ khi lớn lên được khỏe mạnh và thông minh là niềm vui không chỉ của các ông bố, bà mẹ mà còn là niềm hạnh phúc của những người thầy thuốc.

 Tiến sĩ - bác sĩ  Vũ Tề Đăng

Nhắc đến Vũ Tề Đăng, giới bác sĩ trong lĩnh vực nhi khoa còn biết đến công trình “Nghiên cứu sự trưởng thành não ở trẻ thông qua phản ứng của mạch máu não đối với sự kích thích bằng ánh sáng”. Nghiên cứu cho thấy, đối với trẻ sơ sinh (dưới 1 tháng tuổi) nếu bị kích thích bởi ánh sáng mạnh vào mắt sẽ làm giảm việc tưới máu lên não, gây nguy hiểm cho tính mạng của bé. Vì vậy, bác sĩ Đăng khuyên: “Chúng ta nên tắt bớt đèn vào những lúc không cần thiết cho bé được nghỉ ngơi và để sự tưới máu não của bé được ổn định hơn. Vì nếu sự tưới máu não không đều trẻ sẽ chậm phát triển, đồng thời tăng khả năng di chứng não về sau cho bé”. 

Mang lại hạnh phúc cho nhiều ông bố, bà mẹ

Không chỉ nghiên cứu về các vần đề liên quan đến não của trẻ, trong quá trình nghiên về lĩnh vực này anh còn phát hiện và nhận biết được trường hợp trẻ gặp bất thường về thị giác, nhất là trẻ thiếu tháng để có cách ngăn chặn kịp thời. “Người lớn không biết được trẻ mắt mờ hay tỏ, còn trẻ nhỏ cũng đâu biết nói để cảnh báo trẻ không nhìn thấy gì. Thí nghiệm mình làm sẽ kích thích mắt của trẻ. Trong tương lai, đề tài này sẽ được nghiên cứu sâu hơn” - bác sĩ Đăng cho biết.

 Những năm tháng làm việc tại Khoa Nhi của Bệnh viện Từ Dũ, anh đã mang lại nhiều niềm vui, hạnh phúc cho không biết bao nhiêu ông bố, bà mẹ khi cứu sống con họ thoát khỏi cái chết bằng những quyết định chính xác của mình. Anh chia sẻ: “Có những trường hợp nếu bác sĩ xử lý không “cứng tay” và có những chẩn đoán không kịp thời thì ranh giới giữa sự sống và cái chết của đứa trẻ chỉ xảy ra trong gang tấc”.

Rồi anh kể: “Có lần mình tiếp nhận một bé vừa sinh ra nhưng bị trướng bụng, sau khi chẩn đoán thấy có điều bất thường nên mình quyết định chuyển bé sang Bệnh viên Nhi đồng 2 để điều trị. Tại đây, các bác sĩ siêu âm cho biết bé bị thủng dạ dày, một tình huống ít ai nghĩ đến. Đối với trường hợp này, nếu chúng ta chỉ chần chừ trong chốc lát thì đứa bé sẽ bị tử vong ngay lập tức”.

 Mới đây, anh đã tìm ra nguyên nhân căn bệnh “Rối loạn chuyển hóa bẩm sinh” và cứu sống được một bé gái, mang lại niềm vui cho đôi vợ chồng ở một tỉnh phía bắc, mà trước đó 4 người con của họ vừa chào đời bị tử vong ngay nhưng chưa rõ nguyên nhân vì sao. “Hiện bé ấy đã được gần 10 tháng tuổi, sống khỏe mạnh và gia đình vẫn thường xuyên liên lạc” - anh nói trong niềm hạnh phúc.

Không chỉ tự trau dồi kiến thức cho bản thân, ở Bệnh viện Từ Dũ anh còn là người tự nhận trách nhiệm trong việc tìm kiếm, cập nhật những tài liệu mới của các nước có nền y học tiên tiến để dịch ra tiếng Việt giúp đồng nghiệp tiếp cận, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề của mình.

Anh tâm sự: “Trong lĩnh vực y khoa không có gì gọi là tuyệt đối cả. Nhiều khi lúc này phương pháp điều trị như thế là đúng nhưng sau đó người ta lại chứng minh điều ngược lại hoặc có những phương pháp điều trị tối ưu hơn. Vì vậy, đòi hỏi người thầy thuốc không ngừng nghiên cứu, học hỏi để nâng cao trình độ, tay nghề và y đức”.

Lê Thanh
Theo Thanhnien

Từ khóa: