Sự kiện hot
3 năm trước

Đảm bảo chất lượng nhân sự tốt nhất cho đất nước

Bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là cơ hội để mỗi công dân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp

Đến thời điểm này, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên cả nước đã hoàn tất các bước của quy trình giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Các ứng cử viên bắt đầu công tác tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử.

Theo kế hoạch, từ đầu tháng 4/2011, các công việc sẽ tiến hành tuần tự, theo quy trình chặt chẽ là: Thành lập Ban Bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã; tiếp nhận, xem xét hồ sơ người ứng cử; Hội nghị hiệp thương lần thứ 2; Thành lập tổ bầu cử; Niêm yết danh sách cử tri; Hội nghị hiệp thương lần thứ 3; Lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội; Kết thúc vận động bầu cử… để đến ngày 23/5/2021 sẽ tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/1/2021, dự kiến tổng số đại biểu Quốc hội khóa XV là 500 đại biểu. Trong đó, thành phần đại biểu Quốc hội ở các cơ quan Trung ương là 207 đại biểu (41,4%) và đại biểu Quốc hội ở các địa phương là 293 đại biểu (58,6%).

“Giờ G” đang đến gần. Đây là cơ hội để mỗi công dân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đây cũng là dịp để đất nước tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Nhìn lại chặng đường dài vừa qua của đất nước, chúng ta thấy rõ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Cả nước đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng thành công của Đại hội XIII của Đảng - một sự kiện chính trị trọng đại có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn trong thời kỳ mới. Chưa khi nào mà niềm tự hào, niềm tin của nhân dân vào cơ đồ, vận hội của đất nước cũng như sự lãnh đạo của Đảng lại mạnh mẽ như hiện nay, đặc biệt là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn đội ngũ cán bộ. Chính vì vậy, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 càng trở nên có ý nghĩa và thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.

Nhận thức được tầm quan trong của sự kiện, các ngành các cấp đã và đang khẩn trương và tăng cường công tác chuẩn bị, bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra trong dân chủ, đúng luật và chất lượng. Cả hệ thống chính trị đoàn kết, thống nhất, tăng cường phối hợp, tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức triển khai công tác bầu cử theo đúng yêu cầu quy định và tiến độ đề ra. Đặc biệt, quán triệt quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những chủ trương, chính sách lớn mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội và HĐND các cấp trong sạch, vững mạnh, công tác cán bộ tiếp tục được đặc biệt quan tâm. Công tác này nhằm phục vụ trước mắt cho Hội nghị hiệp thương lần 2, và để nhân dân có điều kiện tốt nhất bầu chọn ra những đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp thật sự xứng đáng, có đủ trình độ, phẩm chất và năng lực ngang tầm nhiệm vụ, góp phần tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng.

Chính vì vậy, bên cạnh Kết luận số 174-TB/TW của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (Kết luận số 174) nêu rõ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp phải là những người trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Hướng dẫn 36-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương đã bổ sung tiêu chuẩn, điều kiện của người ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, cũng như bổ sung, hoàn thiện thêm nội dung về quy trình nhân sự. Bộ Nội vụ và các đơn vị đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ phục vụ công tác bầu cử, trong đó có nhiệm vụ quan trọng liên quan tới công tác nhân sự. MTTQ Việt Nam cũng cường công tác giám sát, kiểm tra để các hoạt động bầu cử diễn ra đúng luật định; phát hiện khó khăn, vướng mắc, những vi phạm pháp luật về bầu cử để hướng dẫn hoặc đề xuất với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biện pháp khắc phục kịp thời, góp phần bảo đảm cuộc bầu cử thật sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thật sự là ngày hội của toàn dân.

Cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc, thể hiện rõ quyết tâm xây dựng một bộ máy trong sạch, vững mạnh, với đội ngũ nhân sự mang những phẩm chất tốt đẹp nhất, đại diện cho nhân dân, thực hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Hơn lúc nào hết, mỗi công dân cần phát huy tinh thần trách nhiệm và nhận thức chính trị của mình, tiếp tục thể hiện quyền làm chủ trong việc quan tâm, nắm chắc các yêu cầu, quy định về công tác bầu cừ, cũng như tìm hiểu nghiên cứu về các ứng cử viên, để lá phiếu bầu của bản thân thực sự lựa chọn ra những đại biểu có đức, có tài, là nhân sự quan trọng đại diện cho nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của đất nước.

Thùy Hương

Theo Báo Tin tức

Từ khóa: