Thông tư 16 của Bộ Xây dựng cho phép tính diện tích căn hộ từ tim tường, cột nhà, hộp kỹ thuật… thay vì chỉ tính thông thủy đã thực hiện được gần 4 năm, đến nay, Thông tư 03 (hiệu lực từ 8/4/2014) mới ra để “khắc phục”. Suốt mấy năm ấy, biết bao nhiêu khách hàng đã chịu thiệt thòi khi mua nhà, bao nhiêu tiền bạc đổ vào túi của các chủ đầu tư?
Ông Nguyễn Sỹ Cương.
Sau khi Bộ Xây dựng “đăng đàn” giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vào tuần trước về vấn đề cách tính diện tích căn hộ chung cư theo Thông tư 16 và Thông tư 03 mới ban hành (sửa đổi Điều 21 của Thông tư 16), dư luận một lần nữa bức xúc với trách nhiệm của Bộ này trước việc khách hàng mua căn hộ đã bị “chém” đẹp nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Trần Nam – Thứ trưởng Bộ Xây dựng vẫn quả quyết Thông tư 16 – cho phép tính diện tích bán căn hộ từ tim tường là không sai. Nhưng Thông tư 03 mà chính ông vừa ký ban hành lại sửa theo hướng khách hàng chỉ phải trả tiền cho diện tích thông thủy của căn hộ mà họ mua.
Có điều, hàng nghìn người mua nhà ở chung cư Keangnam, Đại Thanh… thiệt thòi vì phải trả tiền cả cho diện tích tường, cột nhà, hộp kỹ thuật… có thể sẽ không được đòi lại quyền lợi vì lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định không thể “hồi tố” các trường hợp tính theo Thông tư 16. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng đến đâu? Phải làm thế nào để người mua nhà “gỡ gạc” lại số tiền đã nộp cho chủ đầu tư? PV Báo GĐ&XH có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật.
Thưa ông, với tư cách là Ủy viên thường trực của Ủy ban Pháp luật, trực tiếp chất vấn Bộ Xây dựng về vấn đề này, ông thấy có cần phải xử lý trách nhiệm của Bộ Xây dựng không?
- Khi cơ quan nhà nước làm sai thì phải xem xét, xử lý trách nhiệm. Việc đó như thế nào là do Chính phủ quyết định. Việc quan trọng nhất lúc này là giải quyết hậu quả. Từ lúc có Thông tư 16 (1/9/2010), biết bao nhiêu người mua nhà đã phải chịu thiệt thòi. Bộ Xây dựng phải đứng ra chịu trách nhiệm trước dân.
Ông đánh giá thế nào về việc Bộ Xây dựng cho rằng không “hồi tố” những trường hợp đã mua nhà trước đây, từ thời điểm Thông tư 16 có hiệu lực gần 4 năm trước?
- Tôi nghĩ phải có một cách nào đó, chứ không thể nào chấp nhận được việc anh xây dựng một chính sách khiến người dân thiệt thòi xong rồi anh lại lờ đi. Thế là không được!
Vậy theo ông nên có biện pháp như thế nào?
- Dĩ nhiên phải có. Có thể là tính toán lại, bù trừ lại số tiền mà người mua nhà đã nộp cho chủ đầu tư. Ví dụ, người ở chung cư hàng tháng phải nộp phí dịch vụ chung cư trên diện tích căn hộ, thì bây giờ có thể bù trừ khoản tiền này như thế nào đó cho hợp tình hợp lý. Đó là một cách.
Theo tôi, Bộ Xây dựng phải báo cáo Chính phủ để đề xuất một phương án bù đắp thiệt hại cho người dân xuất phát từ Thông tư 16 do họ ban hành. Còn cách thức cụ thể thế nào, thực hiện ra sao thì các vị phải họp với các chủ đầu tư mà tự đề xuất ra thôi. Không thể có chuyện người dân mua, chịu thiệt rồi hòa cả làng được đâu!
Ông có thể đánh giá về thái độ trách nhiệm của Bộ Xây dựng về vấn đề này?
- Bây giờ mà vội kết luận là lãnh đạo Bộ Xây dựng vô trách nhiệm hay thiếu tinh thần trách nhiệm là cũng không đúng. Tôi thấy họ cũng đang lúng túng mà thôi. Nhưng nếu như họ không có một giải pháp nào để bù đắp thiệt hại cho người dân – xuất phát từ chính sách của họ thì đấy lại là thái độ không chấp nhận được, không thực hiện đúng trách nhiệm của một cơ quan quản lý nhà nước.
Ở phiên giải trình, Bộ Xây dựng vẫn khăng khăng cho rằng Thông tư 16 là đúng. Về việc này tôi có hỏi nếu Thông tư 16 là đúng thì ban hành Thông tư 03 để làm gì nhưng họ không trả lời thẳng. Tôi cho rằng, khi họ khẳng định văn bản trước đây là đúng rồi thì đồng nghĩa với việc họ không phải đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả.
Thiệt một mét vuông ở chung cư đắt đỏ như Keangnam đều là số tiền lớn. Ảnh: Việt Nguyễn.
Ông thấy tinh thần tiếp thu của Bộ Xây dựng trong phiên giải trình trước Ủy ban Pháp luật?
- Nói chung họ cũng mềm mỏng và cầu thị. Nhưng cái chính là họ chưa nhận rõ hậu quả mà người dân phải gánh chịu vì Thông tư 16. Không phải khách hàng nào mua nhà cũng hiểu biết chuyên môn về xây dựng, kinh nghiệm để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Chỉ khi thấy tự dưng mất đi cả trăm triệu đồng mới xót xa. Không ở vào hoàn cảnh đó thì thấy bình thường lắm. Hãy đặt vai trò của họ vào người dân, chịu thiệt thòi vô lý như thế thì mới thấy thấm thía.
Ở kỳ họp Quốc hội tới vào tháng 5, ông có đem vấn đề này ra nói không?
- Tôi sẽ xem tình hình thế nào, xem Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng có đăng đàn hay không. Nhưng tôi chắc chắn, sau chuyện này, dư luận và các đại biểu đều rất quan tâm. Ngay trong số các đại biểu, rất nhiều người ở chung cư. Nếu đại biểu lên tiếng, chất vấn Bộ trưởng bằng văn bản, thì cũng phải đưa vấn đề này ra nghị trường thôi. Vì nó rõ ràng là một chính sách sai gây thiệt hại cho người dân.
Xin cảm ơn ông!
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: Thông tư 16 đã hướng dẫn sai thẩm quyền, ban hành thêm quy định không có trong Nghị định của Chính phủ và Luật Nhà ở do Quốc hội ban hành.
Bộ Tài nguyên và Môi trường: Với Thông tư 16, các Sở Tài nguyên và Môi trường đã gặp khó khăn khi cấp sổ đỏ bởi cách tính diện tích căn hộ không đồng nhất về số liệu.
|
Việt Nguyễn
theo Giadinh.net.vn