Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam: Có tới 90% đàn gà giống đang do các công ty nước ngoài cung cấp.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam: Có tới 90% đàn gà giống đang do các công ty nước ngoài cung cấp. Việc nắm thị phần khống chế của các doanh nghiệp này khiến nông dân lo ngại việc cung cấp hạn chế, thiếu nguồn gà đẻ để từ đó tăng giá bán trứng...
Giá trứng tăng do... năng suất giảm?
Thời tiết bất lợi, vốn đầu tư cao cùng với việc khan hiếm nguồn con giống, trong khi việc định giá đầu ra nằm trong tay các doanh nghiệp lớn... khiến nông dân khó có thể tăng đàn, phát triển sản xuất gia cầm đẻ trứng trong tình hình hiện nay.
Nguồn con giống cho chăn nuôi trong nước hiện phụ thuộc chủ yếu vào doanh nghiệp ngoại (Ảnh minh họa).
Ngày 1.5, ông Nguyễn Minh Kha - chủ trại gà hơn 200.000 gà đẻ tại Bến Cát (Bình Dương) cho phóng viên NTNN biết, bình thường, tỷ lệ gà cho trứng tại trại đạt từ 95 – 97%. Tuy nhiên, hiện nay do thời tiết nắng nóng, tỷ lệ gà đẻ trứng giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 85%.
Do nuôi theo hình thức gia công cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài nên khi tỷ lệ gà cho trứng giảm, lợi nhuận của trại cũng giảm theo. “Một phần do khí hậu thay đổi, không phù hợp với sự phát triển của gà, một phần do chất lượng giống gà đầu vào năm nay cũng không tốt. Do công ty giao gà giống theo hợp đồng gia công nên trại không thể kiểm tra chất lượng, dẫn tới việc chăn nuôi rất... hên xui” - ông Kha cho biết.
|
Ông Nguyễn Đăng Vang cho rằng, việc các đơn vị nước ngoài nắm hoàn toàn thị phần gà giống khiến ngành chăn nuôi trong nước bị động, phụ thuộc vào đối phương. Hơn nữa, khi nắm giữ nguồn cung đầu vào, các đơn vị này cũng dễ dàng điều khiển thị trường đầu ra. “Việt Nam hầu như đang bỏ trống khoản đầu tư con giống khiến người chăn nuôi chưa thể chủ động phát triển đàn được, trong đó, không chỉ gia cầm mà các loại gia súc giống hiện người chăn nuôi cũng phụ thuộc doanh nghiệp nước ngoài rất nhiều” - ông Vang cho biết.
|
|
Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng thông tin, tỷ lệ cho trứng của nhiều trại gà khu vực Xuân Lộc, Thống Nhất, Trảng Bom... hiện chỉ đạt xấp xỉ 80% (trong khi trước đây đạt tới 97%). Tỷ lệ gà chết, hao hụt mỗi ngày do dịch bệnh, nắng nóng cũng tăng lên so với trước. “Thời điểm năm 2012 do giá trứng xuống thấp, hầu hết các hộ chăn nuôi giảm đàn, không thả mới nên đàn gà đẻ hiện tại là gà già, quá 18 tháng tuổi, năng suất cho trứng giảm cũng như tỷ lệ hao hụt cao” - ông Đoán cho biết.
Theo ông Đoán, việc năng suất giảm đã tạo điều kiện để các công ty, đơn vị phân phối trứng tăng giá bán lên cao, hưởng lợi nhuận từ người tiêu dùng. Tuy nhiên, giá trứng gà tại trại của hầu hết người chăn nuôi vẫn không tăng theo tương xứng. Cụ thể, do những hộ còn tham gia chăn nuôi hiện tại hầu hết là hợp đồng gia công cho các công ty nước ngoài nên giá trứng tại trại vẫn giữ ở mức 1.550 đồng/trứng, cách xa so với mức bán ra từ 2.600 – 2.700 đồng/trứng trên thị trường.
Ngày càng lệ thuộc vào gà giống ngoại
Việc giá trứng tăng thời gian qua tạo động lực để nhiều hộ chăn nuôi tái đàn, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, việc này không đơn giản do hiện tại, giá gà giống tăng cao, vốn đầu tư cho chuồng trại cũng rất lớn trong khi việc kiểm soát giá sản phẩm đầu ra nằm trong tay các doanh nghiệp lớn.
Ông Nguyễn Kim Đoán cho biết, từ cuối năm 2012, tình trạng thiếu gà giống đã diễn ra tại các trại gà, người nông dân phải trả giá cao nhưng vẫn không mua được gà giống để tái sản xuất. Hiện tại, giá gà giống đã tăng gấp gần 4 lần so với thời điểm cuối năm 2012, ở mức 19.000 đồng/con đối với gà 1 ngày tuổi và 120.000 đồng/con gà hậu bị đẻ trứng.
Theo ông Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, nguồn cung gà giống dùng nuôi để đẻ trứng trong nước hiện do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như C.P Việt Nam, Japfa và Emivest cung cấp. Thị phần của các đơn vị này chiếm hơn 90% cả nước, mỗi tháng ba đơn vị này cung cấp ra thị trường khoảng 6,2 - 6,5 triệu con giống.
Ông Đoàn Minh Sơn – chủ trại gà tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai) bày tỏ lo âu về việc trong thời gian ngắn mà giá gà giống, gà hậu bị tăng cao như vậy rất bất hợp lý. Vì khi nhu cầu gà giống tăng, nhu cầu về thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y các loại... cũng tăng, mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp này.
Tuy nhiên hiện nay, người chăn nuôi phải đặt cọc trước nhiều tháng mới có giống. “Tôi và chủ nhiều trại gà còn nghi ngờ liệu có hay không chuyện các doanh nghiệp cung cấp giống gà đẻ trứng khống chế lượng gà đẻ, tạo khan hiếm nguồn trứng để đẩy giá tăng cao?” - ông Sơn đặt vấn đề.
Ngoài việc khan hiếm nguồn giống, ông Nguyễn Kim Đoán cho rằng, việc tăng đàn gà đẻ hiện tại nằm ngoài khả năng của nông dân do chi phí chuồng trại rất lớn. Cụ thể, vốn đầu tư cho một chuồng gà 10.000 con phải hơn 1 tỷ đồng, cùng với tiền gà giống từ 1,2 – 1,3 tỷ đồng.
Hôm qua, phản hồi trước ý kiến cho rằng C.P đang hạn chế nguồn cung gà giống để giảm đàn, tăng giá trứng, ông Kiều Minh Lực - đại diện Công ty C.P cho rằng, hiện nguồn cung cả trứng và giống gia cầm của công ty này vẫn ổn định. Giá trứng gà thu mua tại các trại ở mức 2.050 đồng/quả (?!). Ông Lực cũng cho rằng, công ty vẫn ưu tiên con giống cho các trang trại chăn nuôi gia công, cho các khách hàng mua cám, sau đó mới bán ra bên ngoài cho các hộ chăn nuôi. “Khi giá trứng tăng cao thì nhiều người đăng ký mua con giống nên dẫn tới thiếu hụt, nhưng đến khi giá trứng giảm thì không ai mua, con giống thừa, doanh nghiệp phải chịu” - ông Lực nói .
Thuận Hải
theo Dân Việt