Khi các bạn cùng trang lứa đua nhau thành thiếu nữ mà mình vẫn “trước sau như một” thì các XX có nên lo lắng quá hay không?
Khi các bạn cùng trang lứa đua nhau thành thiếu nữ mà mình vẫn “trước sau như một” thì các XX có nên lo lắng quá hay không?
Dậy thì muộn là gì?
Trước hết bạn cần biết dậy thì muộn là một dạng rối loạn phát triển dậy thì. Bình thường bạn gái bắt đầu dậy thì trong độ tuổi từ 9 đến 13. Sự dậy thì ở bạn gái được đánh dấu bằng sự xuất hiện của lần có kinh đầu tiên và một số dấu hiệu sinh dục phụ như: chiều cao tăng lên, “núi đôi” phát triển và “vi ô lông” xuất hiện ở nách, vùng kín.
Nếu bạn gái không có bất kỳ dấu hiệu sinh dục phụ nào ở tuổi 14 hoặc không có kinh nguyệt cho đến khi 16 tuổi thì được coi là dậy thì muộn.
Dậy thì muộn là nỗi lo của nhiều bạn nữ. (Ảnh minh họa)
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng dậy thì muộn, như: rối loạn hoạt động vùng dưới đồi, tuyến yên hoặc buồng trứng, dị tật bẩm sinh ở buồng trứng, chế độ dinh dưỡng, tình trạng sức khoẻ, gen di truyền ...
Nhiều bạn đã cực lo lắng, xấu hổ và mặc cảm với bạn bè. Có bạn cho rằng khi dậy thì muộn sẽ mất khả năng sinh sản. Có bạn lại nghĩ dậy thì muộn thì sẽ không lớn lên được. Và từ lo lắng đã khiến bạn mất tự tin khi tiếp xúc với bạn bè, ngại ngần trong đám đông và nhất là ảnh hưởng đến việc học.
Nhưng bạn yên tâm nhé, những nỗi lo trên của bạn là không có cơ sở đâu. Vì dậy thì muộn đâu có nghĩa là bạn sẽ không dậy thì nữa phải không nào? Sau khi bạn dậy thì bạn sẽ vẫn có khả năng sinh sản bình thường. Một bật mí khá lý thú là những bạn dậy thì sớm sẽ ngừng phát triển, không cao hơn nữa còn những bạn dậy thì muộn một chút lại có thể đạt được chiều cao tối đa mà gene di truyền quy định bởi bạn có đủ thời gian tích lũy năng lượng nên sẽ cao nhất có thể.
Đối phó với dậy thì muộn
Lời khuyên dành cho bạn “hơi chậm” dậy thì hơn bạn bè một chút trước hết là bạn cần kiên nhẫn đợi đến thời điểm dậy thì của mình. Bạn hãy mạnh dạn hỏi mẹ, chị gái để xem trong gia đình mình có di truyền về dậy thì muộn hay không, đến bác sĩ kiểm tra xem bạn có suy dinh dưỡng, thiếu máu… hay không thì nên sớm đi khám để được điều trị sớm những bệnh này.
Hãy đến gặp bác sĩ để có được cách điều trị hiệu quả nhé. (Ảnh minh họa)
Còn đối với những bạn gái có cường độ vận động quá nhiều thì cần giảm bớt khối lượng vận động một cách thích hợp, hoặc điều chỉnh phương án tập luyện thì vẫn có thể có được sự dậy thì tự nhiên.
Nếu đã 14 tuổi mà bạn vẫn chưa thấy xuất hiện bất cứ một dấu hiệu sinh dục phụ nào hoặc trên 16 tuổi rồi mà chưa xuất hiện kinh nguyệt thì hãy đến bác sĩ ngay để đánh giá tình trạng sức khỏe, tìm ra nguyên nhân. Bác sĩ sẽ chỉ cho bạn hướng điều trị phù hợp.
Vậy là yên tâm rồi nhé, nếu bạn có dậy thì muộn một chút cũng đừng quá lo lắng, hãy rèn luyện sức khỏe, ăn uống điều độ và chăm chỉ học hành. Một buổi sáng nào đó, bạn thức dậy và thấy rằng dậy thì đã "gõ cửa" bạn rồi đó!
Hoàng Thủy