Công ty CP Đạt Phương là nhà thầu có tên tuổi trong làng xây dựng với thành tích trúng hàng chục gói thầu “khủng” trong gần 4 năm trở lại đây. Cùng với quá trình tăng vốn điều lệ liên tiếp, Đạt Phương dần tiến sang những lĩnh vực mới như thủy điện, bất động sản và sắp tới dự kiến tiếp tục mở rộng sang mảng nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp… trong vai trò nhà đầu tư.
Thi công hàng loạt gói thầu “khủng”
Công ty CP Đạt Phương tiền thân là Công ty CP Xây dựng và Vận tải Đạt Phương, thành lập vào tháng 3/2002 với vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 10 tỷ đồng (vốn thực góp chỉ có 2,2 tỷ đồng). Sau nhiều lần tăng vốn, tính đến cuối năm 2016, vốn điều lệ của Công ty là 65,8 tỷ đồng.
Dù có vốn điều lệ khiêm tốn vào thời điểm đó nhưng Đạt Phương đã tham gia thực hiện rất nhiều công trình giao thông lớn như: cầu Thanh Trì (Hà Nội), cầu Thủ Thiêm, cầu vượt An Sương - An Lạc (TP.HCM), cầu Bến Thuỷ II (Nghệ An), cầu Cửa Đại (Quảng Nam), cầu Niệm 2 (Hải Phòng)...
Thống kê của Báo Đấu thầu cho thấy, từ tháng 11/2015 trở lại đây, Đạt Phương đã được công khai trúng 19 gói thầu, gồm 8 gói trúng thầu độc lập và 11 gói trúng thầu với tư cách thành viên liên danh. Đa số các gói thầu mà Đạt Phương được công khai trúng thầu thời gian qua là những gói thầu “khủng”, có quy mô hàng trăm tỷ đồng.
Hiện tại, Đạt Phương đang trong thời gian thi công 2 gói thầu trúng thầu độc lập với tổng giá trúng thầu là 999 tỷ đồng. Cụ thể, vào cuối năm 2017, Đạt Phương trúng Gói thầu Xây lắp đoạn km68+784-km77+899, km79+570-km80+602 và 4 cầu trên tuyến thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình Đường tỉnh 907 tỉnh Vĩnh Long. Đây là gói thầu có giá trị 260,5 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 810 ngày.
Đồng thời, Đạt Phương cũng đang thực hiện Gói thầu số 32 Xây dựng mới các hạng mục giai đoạn 1 Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường trung tâm đoạn 3 - khu vực Bãi Trường và các đường nhánh (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) với giá trúng thầu là 738,7 tỷ đồng (trúng thầu tháng 8/2016; thời gian thực hiện hợp đồng là 1.440 ngày).
Bên cạnh đó, Đạt Phương cũng đang trong thời gian thực hiện hợp đồng của 7 gói thầu “khủng” khác (tổng giá trúng thầu là 3.458 tỷ đồng) với tư cách thành viên liên danh.
Tiêu biểu là Gói thầu XL01 thuộc Dự án Đường trục chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và Sân bay Chu Lai (giá trúng thầu là 509,9 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 18 tháng); Gói thầu số 07 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng nút giao Nam cầu Bính (giá trúng thầu là 913,3 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 16 tháng); Gói thầu Thi công xây lắp đoạn 2 thuộc Dự án Đường trục chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và Sân bay Chu Lai (giá trúng thầu là 621,4 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 18 tháng); Gói thầu số 14 thuộc Dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 1, tỉnh Thừa Thiên Huế (giá trúng thầu là 765,6 tỷ đồng; thời gian thực hiện hợp đồng là 1.100 ngày)...
Ở một số gói thầu quy mô lớn, dù Đạt Phương trúng thầu nhưng gói thầu lại vướng phải những “lùm xùm” do các nhà thầu tố bên mời thầu/chủ đầu tư không công bằng và minh bạch trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Điển hình là Gói thầu Thi công xây lắp thuộc Dự án Đường trục chính nối Khu công nghiệp ô tô Chu Lai Trường Hải đến Khu công nghiệp Tam Anh (Liên danh Đạt Phương - Công ty TNHH Phú Hương trúng thầu tháng 9/2016, giá trúng thầu là 65,3 tỷ đồng).
Hay tại Gói thầu số 07 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng nút giao Nam cầu Bính (giá trúng thầu hơn 913 tỷ đồng; trúng thầu tháng 8/2018) cũng “dính” kiến nghị của nhà thầu trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu.
Chuyển hướng sang đầu tư bất động sản, thủy điện
Ngày 12/1/2017, cổ phiếu của Đạt Phương (mã chứng khoán: DPG) chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM và đã có phiên chào sàn tăng trần lên 43.400 đồng. Chỉ sau 3 tháng, DPG đã tăng hơn 240%, có thời điểm giá cổ phiếu này lên đến 140.000 đồng.
Là một công ty xây dựng với vốn điều lệ gần 66 tỷ đồng, Đạt Phương lúc bấy giờ gây chú ý bởi kết quả kinh doanh đáng ngạc nhiên. Tổng doanh thu năm 2015 của Công ty đạt gần 2.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đến từ hợp đồng xây dựng (chiếm trên 94%). Lợi nhuận gộp từ mảng này cũng đạt trên 233 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cả năm thu về gần 153 tỷ đồng. Với kết quả như vậy, thu nhập trên một cổ phần (EPS) của Công ty đạt mức 19.571 đồng, thuộc top 4 doanh nghiệp có EPS cao nhất trên sàn chứng khoán.
Sau khi lên UPCoM và chuyển niêm yết sang Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (tháng 5/2018), Đạt Phương liên tục tăng vốn điều lệ thông qua chào bán cổ phần cho công chúng, chia cổ phiếu thưởng… Vốn điều lệ của Đạt Phương tăng gấp 7 lần từ 65,8 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng trong vòng 3 năm.
Hoạt động tăng vốn cũng phục vụ cho hướng phát triển mới của Đạt Phương. Ngoài mảng xây lắp, Đạt Phương đã mở rộng sang lĩnh vực thủy điện với 4 dự án thủy điện vừa và nhỏ (Thuỷ điện Sông Bung 6 - Quảng Nam với 2 tổ máy, tổng công suất 29 MW, Thuỷ điện Sơn Trà 1 - Quảng Ngãi gồm 2 nhà máy Sơn Trà 1A và Sơn Trà 1B với tổng công suất 60 MW…). Đặc biệt, năm 2018, Công ty chính thức bước sang một mảng mới là bất động sản, đặt mục tiêu đưa bất động sản trở thành một trong ba ngành trọng điểm của Đạt Phương. Lợi thế của Công ty ở lĩnh vực này chính là quỹ đất lớn với chi phí thấp. Hiện Công ty đang có quỹ đất 259,6 ha được đổi từ Dự án BT cầu Đế Võng tại Hội An.
Công ty xác định đến năm 2020, cơ cấu doanh thu và lợi nhuận sẽ chủ yếu đến từ 2 mảng này, trong khi đóng góp từ lĩnh vực xây lắp sẽ rơi xuống cuối cùng.
Rầm rộ tăng vốn điều lệ, mở rộng lĩnh vực hoạt động, song hiệu quả hoạt động kinh doanh của Đạt Phương thời gian gần đây lại chưa tương xứng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, Đạt Phương dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng lĩnh vực hoạt động sang mảng nhà hàng, khách sạn (mục tiêu 5 năm tới có 500 phòng khách sạn loại 4 - 5 sao) và thuê các đơn vị quản lý khách sạn quốc tế vận hành. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ mở rộng đầu tư sang lĩnh vực khu công nghiệp và khu công nghiệp kết hợp đô thị.
Thảo An
Theo Báo Đấu thầu