Sự kiện hot
5 năm trước

DATC sắp xử lí khoản nợ tại Beton 6, công ty từng vay hàng trăm tỉ tại các ngân hàng VietinBank, Vietcombank

Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam đang thực hiện rao bán khoản nợ của CTCP Beton 6, công ty có nhiều khoản vay tại các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, Eximbank và NCB.

Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cho biết đang xây dựng phương án mua, xử lí khoản nợ tại CTCP Beton 6 có trụ sở tại KM 1877 Quốc lộ 1K, phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Các nhà đầu tư có nhu cầu tham gia hợp tác xử lí nợ sẽ nộp hồ sơ đến ngày 2/12/2019.

Beton 6 là công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn cung ứng cho các công trình cầu đường. 

Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2018, Beton 6 ghi nhận khoản khoản lỗ gần 323 tỉ đồng. Lỗ lũy kế tính đến 31/12/2018 đạt 342,5 tỉ đồng. 

Về tình hình vay nợ, số dư nợ ngắn hạn của Beton 6 đạt 358 tỉ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm 2017. Trong đó vay VietinBank 188 tỉ đồng, Vietcombank 64 tỉ đồng, Eximbank 63 tỉ đồng và Ngân hàng Quốc dân (NCB) 30 tỉ đồng. Nợ dài hạn giảm từ 18 tỉ đồng xuống 4 tỉ đồng.

Chi tiết vay nợ ngắn hạn của Beton 6 tính đến cuối năm 2018

dai-han
Nguồn: BCTC kiểm toán 2018 của Beton 6.

Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của công ty đạt hơn 938 tỉ đồng, giảm 27% so với cuối năm 2017. Trong đó bao gồm 562,6 tỉ đồng tài sản ngắn hạn (giảm 36%) và hơn 375 tỉ đồng tài sản dài hạn.

Khoản phải thu ngắn hạn ở mức 385 tỉ đồng, giảm 9%; dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 164 tỉ đồng.

Đáng chú ý, Beton 6 ghi nhận tới 393 tỉ đồng nợ quá hạn từ 6 tháng đến trên 3 năm tính đến thời điểm cuối năm 2018.

bt6-nx-1562327469661339782543
Nguồn: BCTC kiểm toán 2018 của Beton 6.

Kiểm toán cho biết chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi các khoản công nợ phải thu quá hạn thanh toán với số tiền theo sổ sách hơn 57 tỉ đồng cũng như số dự phòng cần phải trích lập cho các nợ phải thu quá hạn này.

Theo Beton 6, công ty đã gửi thư xác nhận công nợ cho khách hàng, đối tác nhưng một số khách hàng đã không phản hồi, xác nhận.

Hiện giá cổ phiếu BT6 của Beton 6 đang ở mức 1.500 đồng/cp với thanh khoản dường như không có và chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần. 

Trước đó, vào đầu tháng 10, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có quyết định tạm dừng giao dịch trên sàn UPCoM đối với BT6 do chậm công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2019. Thời gian tạm dừng giao dịch là trong ba phiên từ 2/10-4/10.

Beton 6 và mối quan hệ với ông Trịnh Thanh Huy, người cũ của Masan

CTCP Beton 6 được thành lập vào năm 1958. Tới năm 2008, nhóm nhà đầu tư chiến lược HB Group đã đầu tư vào Beton 6 với đại diện là ông Trịnh Thanh Huy, Chủ tịch HĐQT HB Group.

Đáng chú ý, ông Trịnh Thanh Huy là một cái tên xa lạ trên thị trường chứng khoán. Ông Huy (sinh năm 1970), từng học tại Học viện kỹ thuật quân sự tại Việt Nam và Nga.

Ông là người cùng ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh xây dựng Tập đoàn Masan tại Nga (sau đó là Masan tại Việt Nam). Ông Huy từng là Phó Chủ tịch Tập đoàn Masan từ năm 1997 đến năm 2002.

Ngoài việc tham gia HĐQT của Beton 6, ông Huy còn là cổ đông lớn của CTCP xây dựng Công nghiệp (Descon); ông cũng từng đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Bình Thiên An (BTA).

Ông Trịnh Thanh Huy bắt đầu tham gia vào HĐQT của Beton 6 từ năm 2009 và là lãnh đạo cao cấp duy nhất của công ty vẫn còn tại nhiệm từ đó đến nay.

Thu Hoài

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: