Sự kiện hot
12 năm trước

Đấu thầu để giảm giá vàng

Dantin - Ngày 5/3/2013, 34 ngân hàng (NH) và doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng đã tập hợp tại trụ sở của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ở Hà Nội để thử nghiệm đấu thầu vàng miếng.

Dantin - Ngày 5/3/2013, 34 ngân hàng (NH) và doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng đã tập hợp tại trụ sở của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ở Hà Nội để thử nghiệm đấu thầu vàng miếng.

Phiên thử nghiệm đấu thầu vàng được đánh giá là thành công và suôn sẻ nhưng liệu khi thực hiện thật, giá vàng có giảm theo đúng mong đợi?


Giá vàng trong nước đã bớt chênh lệch với giá thế giới khi có chính sách bình ổn giá vàng.

Bỡ ngỡ nhưng phải làm

Theo giả định, đây là phiên đấu thầu theo giá. Từng bước trong cả quá trình đấu thầu đã được tiến hành, từ việc đăng ký thiết lập quan hệ giao dịch, thông báo thầu, kiểm tra tư cách dự thầu, thông báo giá, nộp phiếu dự thầu, xét thầu, xác định kết quả đấu thầu cho tới khâu gần cuối cùng là ký văn bản xác nhận. Các bên chưa thực hiện giao dịch tài chính như đặt cọc, thanh toán, giao nhận vàng hay trả lại đặt cọc sau đấu thầu.

Các thông số công bố trước phiên đấu thầu thử nghiệm gồm khối lượng dự thầu tối đa (52.000 lượng), khối lượng vàng miếng của mỗi lô (100 lượng), số lô đấu thầu tối thiểu (10 lô)... Giá tham chiếu làm cơ sở để tính tiền đặt cọc là 43,65 triệu đồng, tỷ lệ đặt cọc 10%. Bước giá dự thầu được quy định là 100.000 đồng mỗi lượng.

Sau khi hoàn tất các thủ tục ban đầu, Ban tổ chức thông báo giá trần và sàn, lần lượt là 47 và 46 triệu đồng mỗi lượng. Mỗi đơn vị dự thầu chỉ được đăng ký một mức giá trong phạm vi này.

Ban tổ chức đã dành nhiều thời gian giải thích tỉ mỉ về các bước trong quá trình đấu thầu. Chủ trì buổi thử nghiệm là Sở Giao dịch của NHNN. Các vụ chức năng như Vụ Quản lý Ngoại hối hay Vụ Pháp chế cũng cử đại diện để hỗ trợ tư vấn cho ngân hàng và doanh nghiệp. Suốt quá trình bỏ thầu, các thành viên bàn tán rôm rả, thậm chí còn tham khảo lẫn nhau cách thức viết phiếu dự thầu. Có người giả bộ ra giá bằng tay cứ như đang tham gia phiên giao dịch chuyên nghiệp ở các sàn kim loại thế giới. Một doanh nghiệp còn chọn số đẹp để bỏ thầu, đặt mua 4.800 lượng với giá 46,8 triệu đồng/lượng.

Phiên đấu thầu kết thúc với kết quả 15 trong tổng số 34 đơn vị tham gia đã trúng thầu. Giá trúng thầu cao nhất là 47 triệu đồng, thấp nhất là 46,2 triệu đồng. Tổng khối lượng trúng thầu đạt 518 lô, tương đương 51.800 lượng. Trong tổng số 34 phiếu bỏ thầu, chỉ 22 phiếu được ghi nhận hợp lệ, số còn lại bị loại vì nhầm bước giá, nhầm giá trị bỏ thầu, ghi thiếu thông tin... Theo quy trình thử nghiệm, các bên trúng thầu phải thực hiện thanh toán trong thời gian tối đa một ngày và được nhận vàng trong vòng 3 tiếng sau khi hoàn tất thanh toán.

Tại phiên đấu thầu, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc đấu thầu mặc dù còn bỡ ngỡ nhưng phải làm theo cách này để có một thị trường vàng minh bạch và có thể “hạ nhiệt” giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới hơn.

Thu hẹp chênh lệch giá

Theo ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc NHNN, để tạo cơ sở pháp lý cho việc can thiệp bình ổn thị trường vàng, NHNN đã chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng và hoàn chỉnh dự thảo quyết định của Thủ tướng về mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước. NHNN cũng đã hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động can thiệp thị trường vàng của NHNN.

“Trong thời gian tới, vàng được đem ra đấu thầu là vàng miếng SJC, lấy từ nguồn dự trữ ngoại hối của Nhà nước. Tùy từng phiên, NHNN có thể đấu thầu về giá, về khối lượng... Khác với ngoại tệ, NHNN chỉ mua bán với tổ chức tín dụng, việc đấu thầu vàng được thực hiện giữa NHNN với các NH và doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng có thiết lập quan hệ mua bán với NHNN.

Trong khi nhiều DN kinh doanh vàng tham gia phiên đấu thầu thử nghiệm lo lắng quy trình đấu thấu là người bỏ giá cao sẽ trúng thầu, như vậy liệu giá vàng SJC trên thị trường có giảm như mong muốn của NHNN không, ông Lê Minh Hưng đã đưa ra câu trả lời: Trường hợp tổ chức tín dụng, doanh nghiệp vẫn trả giá cao thì NHNN sẽ tiếp tục đấu thầu đến khi giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới. Có thể trong một ngày NHNN sẽ đấu thầu làm nhiều phiên và đấu thầu trong nhiều ngày liên tục. Khi thị trường về vùng giá mà NHNN cho rằng phù hợp với giá thị trường, NHNN sẽ ngừng can thiệp để cho thị trường tự mua bán.

Thực tế, sau khi chính phủ có biện pháp cụ thể để bình ổn giá vàng đồng thời mở ra cơ chế đấu thầu vàng thị trường vàng trong nước đã liên tục “hạ nhiệt” và thu hẹp chênh lệch với giá vàng thế giới. Sáng 11/3, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC cho thị trường TP.HCM ở mức 43,82 triệu đồng/lượng (mua vào) và 43,92 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Hà Nội cùng thời điểm, vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý mua vào ở mức 43,85 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 43,93 triệu đồng/lượng.

Cũng trong sáng ngày 11/3, so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ trong nước cao hơn 3,5 triệu đồng/lượng. Mức chênh này đã giảm chút ít so với mức chênh 3,7 triệu đồng/lượng vào cuối tuần trước.

Ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng: Nên tăng điểm mua bán vàng ở vùng nông thôn

Vừa qua NHNN đã cấp phép cho hàng loạt điểm bán vàng, tuy nhiên hầu hết các điểm này tập trung ở các thành phố lớn, còn ở vùng nông thôn dù có nhu cầu nhưng người dân không biết mua bán vàng ở đâu. Theo tôi, một khi đã công nhận quyền sở hữu vàng của người dân, NHNN cũng nên tạo điều kiện cho họ được mua bán vàng hợp pháp tại những điểm được NHNN cấp phép.

H.Anh

Nguyễn Thạnh

Từ khóa: