Liên tục phá kỷ lục
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang (Bên mời thầu - BMT) vừa cho biết, Gói thầu số 62 Cung cấp và lắp đặt Hệ thống xét nghiệm sinh hóa, miễn dịch tự động lại vừa tiếp tục được gia hạn thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT). Như vậy, đây là lần gia hạn thứ 7 của gói thầu thuộc Dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang. Lý do của lần gia hạn này được BMT cho biết là “để đảm bảo thời gian gửi văn bản sửa đổi, điều chỉnh HSMT (sau khi được phê duyệt) đến các nhà thầu”.
Gói thầu số 62 được công bố phát hành HSMT lần đầu từ 20/11/2018 đến 10/12/2018. Từ đó đến nay, gói thầu này liên tục được gia hạn thời gian phát hành HSMT, lùi thời điểm đóng thầu. Lần công bố gia hạn mới nhất, thay vì đóng thầu vào ngày 8/4/2019, BMT cho biết sẽ kết thúc việc phát hành HSMT vào lúc 14 giờ 30 ngày 26/4/2019.
Như vậy, chỉ tính riêng khâu phát hành HSMT, làm rõ kiến nghị về HSMT, sửa đổi một số tiêu chí trong HSMT… tại gói thầu này đã ngốn thời gian gần nửa năm.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, nhiều BMT, đơn vị tư vấn, và đặc biệt là các nhà thầu đã vô cùng kinh ngạc về số lần gia hạn phát hành HSMT tại gói thầu này. “Nhiều năm làm công tác mời thầu, chúng tôi chưa bao giờ gặp trường hợp gia hạn thời điểm đóng thầu nhiều như vậy. Thông thường, các gói thầu phức tạp nhất cũng chỉ gia hạn tối đa 3 lần là cùng”, một tư vấn đấu thầu cho biết.
Một nhà thầu có kinh nghiệm “đụng” các gói thầu diễn biến… bất thường cũng ngỡ ngàng: “Quả thật rất đáng đưa vào kỷ lục. Từ góc độ nhà thầu, chúng tôi cho rằng, việc kéo dài thời gian phát hành HSMT đến lần thứ 7 là cực kỳ hi hữu”.
Về sự phức tạp và diễn biến tréo ngoe của Gói thầu số 62 đã được Báo Đấu thầu đề cập trong nhiều số báo trước. Vấn đề quan trọng nhất khiến gói thầu này trở thành cuộc “kéo co” vô tiền khoáng hậu giữa các bên liên quan chính là tiêu chí về kỹ thuật của hàng hóa mời thầu. Cụ thể, HSMT bị phản ánh chứa nhiều yêu cầu gây ra tình trạng cạnh tranh không bình đẳng trong đấu thầu. Câu chuyện không chỉ đơn giản là HSMT, mà còn là cách giải quyết của các cơ quan có trách nhiệm đối với kiến nghị của nhà thầu. Phản ánh của các nhà thầu đến Báo Đấu thầu cho rằng, đó là cách giải quyết kiến nghị không rõ ràng, nhiều mâu thuẫn và có biểu hiện lợi ích cục bộ.
Theo đó, các nhà thầu cho rằng, xem xét hệ thống xét nghiệm sinh hóa, miễn dịch tự động của 4 hãng cung cấp trên thị trường Việt Nam hiện nay là Abbott, Beckman Coulter, Siemens và Roche, thì yêu cầu kỹ thuật của HSMT đã nhắm đến Siemens quá rõ ràng.
Theo BMT, Gói thầu số 62 có thời gian thực hiện hợp đồng là 180 ngày. Đây là gói thầu sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương, ngân sách trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác, lựa chọn nhà thầu bằng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ. Giá trị bảo đảm dự thầu là 2 tỷ đồng.
Thời gian qua, Chủ đầu tư (Sở Y tế Kiên Giang), BMT, Tư vấn đấu thầu, Đơn vị sử dụng (Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang), Tổ giám sát và theo dõi hoạt động đấu thầu các gói thầu thiết bị y tế đã tiến hành rà soát, điều chỉnh HSMT để phù hợp theo các nội dung kiến nghị của nhà thầu. Hiện nay, Tổ giám sát và theo dõi hoạt động đấu thầu đang tổng hợp nội dung điều chỉnh HSMT, báo cáo UBND tỉnh Kiên Giang trước khi phát hành HSMT.
Hi vọng lần gia hạn cuối cùng
Ngày 9/4/2019, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trần Ngọc Tính, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang, đại diện BMT cho biết, “hi vọng lần gia hạn thứ 7 này là lần cuối cùng”. Theo chia sẻ của ông Tính, BMT rất lưu tâm và mong muốn điều chỉnh HSMT theo hướng tích cực để tạo ra sự cạnh tranh, minh bạch giữa các nhà thầu. “Lần gia hạn này, chúng tôi sẽ cố gắng điều chỉnh HSMT theo tiêu chí này. Mong muốn của chúng tôi là tạo nên sự đồng thuận của các nhà thầu, giúp việc triển khai gói thầu sớm có kết quả tốt đẹp”, ông Tính khẳng định.
Trong khi đó, chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện các nhà thầu tham dự thầu gói thầu này cho biết, đang mong chờ nhất việc điều chỉnh HSMT theo hướng “mở” cho tất cả các hãng uy tín vào đấu. Một khi đã đấu thầu theo tiêu chí đó, các nhà thầu sẽ coi trọng việc cạnh tranh với nhau về giá. Điều này cực kỳ có ý nghĩa đối với các gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước.
Trong số 4 nhà thầu kiến nghị liên tục về nội dung HSMT gói thầu nêu trên có những “tên tuổi lớn” trong lĩnh vực thiết bị y tế của Việt Nam như Công ty TNHH Thiết bị Minh Tâm, Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex…
Điều cần nhất lúc này của các nhà thầu chính là sự quyết liệt của các bên liên quan, đặc biệt là Chủ đầu tư, nhằm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu, nhằm đem lại niềm tin cho các nhà thầu. Gói thầu có thành công hay công phụ thuộc rất nhiều đến yếu tố thống nhất vì lợi ích chung của Chủ đầu tư - BMT - Đơn vị sử dụng. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của Tổ giám sát và theo dõi hoạt động đấu thầu các gói thầu thiết bị do Sở Y tế làm chủ đầu tư mà UBND tỉnh Kiên Giang đã phải thành lập trước đó.
Văn Huyền
Theo Đấu thầu