Điều này khiến nhiều người xem kinh doanh này như đánh bạc, có người thì bảo thắng - thua phụ thuộc vào “hên - xui”. Trong khi đó, Nhà nước thì thất thu rất lớn vì “đánh” vàng chui vẫn diễn ra ỳ xèo!
Mua bán vàng phải thông qua sàn giao dịch, lưu ký vàng thật vào sàn giao dịch, Nhà nước thu được thuế (trong ảnh: tài khoản "đánh" vàng của một nhà đầu tư). Ảnh: Phùng Bắc
Không thua mới lạ!
Không phải những nhà đầu tư (NĐT) chân ướt chân ráo mới vào, hay là NĐT tay ngang mới bị thua, thế nhưng vào “thế giới” này mới biết, kể cả những người tham gia kinh doanh vàng vật chất từ lâu năm cũng thua te tua trên thị trường “đánh” vàng tài khoản. Anh Ngô - Chủ tịch Câu lạc bộ về vàng tài khoản - cho biết có một cô bạn tên Linh là chủ tiệm vàng nhưng cũng tham gia “lướt sóng” trên thị trường vàng tài khoản. Hai nhân viên của sàn vàng nơi Linh mở tài khoản tư vấn Linh mua vàng (lúc này giá đang ở mức 1.915USD/ounce), nhưng anh Ngô cho rằng giá sẽ xuống, nên bán ra. Chị Linh bối rối không biết mua hay bán, liền điện cầu cứu bà... thầy bói. Bà này “bói” một câu chắc nịch: “Mua đi, vàng sẽ tăng”.
Thế là chị Linh quyết định mua 500 lượng vàng ở mức giá 1.915USD/ounce (mức giá đỉnh của vàng tính đến thời điểm hiện nay). Sau khi mua, giá vàng quay đầu giảm mạnh, chị Linh lỗ nặng. Trong giới kinh doanh vàng tài khoản, việc mê tín diễn ra khá phổ biến. Nhiều người còn chọn số tài khoản đẹp, số tiền trong tài khoản phải luôn được duy trì ở số mà họ tin là “đẻ” ra tiền. Điển hình có NĐT ở quận Bình Thạnh - TPHCM, người này luôn duy trì có tiền trong tài khoản là con số 68 triệu đồng hay 1,99 tỉ đồng, nếu có lời thì rút ra ngay, còn lỗ là phải bù vào cho tài khoản trở về đúng số đẹp.
Ông Nguyễn - NĐT có kinh nghiệm gần 8 năm - cho rằng, những NĐT mới tham gia thị trường thường háo hức như con thiêu thân để kiếm lời mà không biết chấp nhận thua thì chỉ có “chết cháy”. Ông Nguyễn cho biết: “Tôi đến những sàn này và tìm hiểu thì biết rằng những nhân viên tư vấn ở đây được người thành lập đào tạo cấp tốc kiến thức về kinh doanh vàng tài khoản chỉ trong 2 tuần. Những người tư vấn này chưa hề tham gia vào giao dịch vàng tài khoản thì làm sao có thể tư vấn cho khách hàng mua bán, những kinh nghiệm giao dịch, thoát lệnh khi bị ngược sóng... Cho nên, NĐT nghe lời tư vấn mà không thua mới lạ!”.
Cũng theo ông Nguyễn, có nhiều sàn trong nước rất “ma mãnh”, cứ nói với NĐT là các lệnh được đẩy ra nước ngoài, nhưng thực chất những sàn này ôm lệnh để “ăn” chênh lệch giữa giá mua - bán, rồi chuyện “ăn” ở đây còn là “ăn” phí mua bán vàng của NĐT tại các sàn. NĐT thắng hay thua - mặc, sàn cứ việc thu phí khi NĐT đặt lệnh. Hay kiểu “trò mèo” vẫn hay diễn ra: Khi thị trường đặt lệnh 1 chiều, đó là toàn lệnh mua hay lệnh bán, thì hệ thống giao dịch sẽ tự động “đơ” ra (treo), khiến NĐT không thể nào chốt lời được. Do vậy mới đến nỗi, trong đơn gửi cơ quan chức năng tố cáo Cty cổ phần đầu tư V.D.A, nạn nhân là anh N.H.Hải (ngụ đường Lô Tư, quận Bình Tân, TPHCM) cho biết: “Tôi thật sự bị sốc khi biết mình bị lừa. Khi kinh doanh thử trên tài khoản giả, việc đặt lệnh, cắt lệnh đều rất suôn sẻ, nhưng khi đóng tiền vào tài khoản chơi thật rồi, thì việc này trở nên khó khăn, cắt 3 đến 4 lần vẫn không được, dẫn đến bị lỗ hoặc bị “treo”. Khi khiếu nại lên Cty thì Cty báo mạng trục trặc, mạng yếu...
Tôi tìm hiểu thì mới biết tất cả các lệnh của NĐT bị Cty ôm lại, vì vậy Cty tìm đủ mọi cách như trục trặc kỹ thuật nhằm ngăn cản làm sao cho các lệnh của NĐT bị lỗ để Cty thu lời”. NĐT Hải còn đau đớn cho rằng: “Tôi đã thua sạch tiền, không những tôi mà những NĐT của Cty này cũng tán gia bại sản, nhưng Nhà nước đã cấm kinh doanh hoạt động vàng tài khoản nên người ta cũng không dám đi tố giác, mà đành ôm nỗi đau về với... gia đình”.
Cần có sân chơi tập trung?
Anh Ngô cho biết: “Nhiều người nói đầu tư vàng là đầu cơ, không tạo ra bất cứ giá trị thực nào cho nền kinh tế. Điều mà NĐT quan tâm thật sự đó là bảo toàn vốn và tìm kiếm lợi nhuận. Những vấn đề lớn lao như vậy thuộc trách nhiệm của nhà hoạch định chính sách. Tham gia thị trường vàng tài khoản có bị xem là đánh bạc hay không là do NĐT đó có chọn điểm mua bán đúng hay sai, có kế hoạch để thoát ra thị trường hay không, đặc biệt là khi bị lỗ có chịu cắt lỗ hay để lỗ càng nặng hơn, không có kế hoạch quản lý vốn, sẽ gặp rủi ro...”. Dưới góc độ NĐT, anh Ngô cũng cho rằng thị trường vàng tài khoản hội đủ các yếu tố hấp dẫn, là cơ hội khi thỏa mãn được các yếu tố như tính thanh khoản cao, thị trường đáp ứng được tính 2 chiều, dù tăng hay giảm giá, NĐT cũng có thể kiếm lời, thời gian hoạt động có tính liên tục, thị trường càng biến động nhiều thì cũng tạo ra nhiều cơ hội.
Vào thời điểm các sàn giao dịch vàng được phép hoạt động chính thống (trước 30.3.2010), khối lượng giao dịch mỗi ngày của vài sàn do ngân hàng quản lý lên đến 20 tấn vàng. Khi sàn bắt buộc đóng cửa, NĐT vàng hết sân chơi chính thức và một phần chuyển sang thị trường vàng vật chất. Chuyên gia Phan Dũng Khánh cho biết: “Nhớ lại giai đoạn sàn vàng năm 2007 - 2009, giá vàng miếng Việt Nam vẫn chênh lệch với thế giới, chỉ khác mức độ không đến mức khủng khiếp như hiện nay.
Do đó, nên nghiên cứu thực hiện sàn giao dịch vàng như thế giới hoặc như bất động sản hiện nay. Nghĩa là NĐT mua bán vàng phải thông qua sàn giao dịch, cho phép giao hàng thật như sàn giao dịch hàng hóa hiện nay, người dân muốn bán vàng họ sẽ lưu ký vào sàn giao dịch như sàn chứng khoán và mua cũng thông qua sàn”. Điều này sẽ có những ích lợi như kiểm soát được lượng vàng trong dân, thu hút được tiền nằm dưới dạng vàng trong dân và hướng nó vào phục vụ lợi ích kinh tế; đưa giá vàng Việt Nam và thế giới cân bằng; kiểm soát được tỉ giá, giúp tỉ giá đi vào ổn định hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh và kinh tế tăng trưởng, bởi vì việc chênh lệch giá vàng không còn thì nhu cầu buôn lậu, gom USD sẽ bị triệt tiêu, chưa kể khi kinh doanh vàng tài khoản việc nhập vàng chính ngạch chỉ cần một số lượng vừa đủ để dành cho trang sức là chính.
Đồng thời, việc cho mở lại điểm giao dịch vàng tập trung sẽ làm tăng thu cho ngân sách. Mặc dù hiện nay sàn vàng bị cấm, nhưng thực tế mà chúng tôi đã thâm nhập cho thấy nhu cầu của NĐT vẫn rất lớn và họ bất chấp rủi ro, thậm chí bất chấp quy định hiện hành, họ vẫn “đánh” vàng lậu.
Bởi thế, những sàn vàng “chui” dưới nhiều hình thức vẫn nở rộ và hiện nay Nhà nước thất thu thuế rất lớn ở đối tượng này. “Cơn sóng ngầm sàn vàng tài khoản” đang chảy, chảy một cách dữ dội. Đặt vấn đề, nếu việc kinh doanh này đưa vào kiểm soát của Nhà nước, thì đây chắc chắn là một nguồn thu lớn cho ngân sách. Nếu trường hợp cơ quan quản lý không khuyến khích hình thức kinh doanh này (như áp thuế mặt hàng thuốc lá) thì có thể đánh thuế cao để tăng thu ngân sách.
Phùng Bắc
Theo Lao dong