Đồng bằng sông Cửu Long đang phát triển du lịch theo chiều sâu nhằm góp phần tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này.
Giải đua ghe Ngo của đồng bào Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)
Theo đó, từ nay đến năm 2020, Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh các loại hình du lịch du lịch sông nước, sinh thái tại các khu rừng ngập mặn, du lịch văn hóa, lễ hội, nghỉ dưỡng biển cao cấp...
Các loại hình du lịch được chia thành bốn cụm: cụm trung tâm thuộc bốn tỉnh, thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang. Loại hình du lịch chủ lực tại đây là sông nước, thương mại, lễ hội, nghỉ dưỡng biển cao cấp.
Cụm bán đảo Cà Mau thuộc ba tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng được xây dựng với loại hình tham quan điểm cực Nam của Tổ quốc, du lịch sinh thái tại các khu rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với văn hóa dân tộc Khmer.
Cụm duyên hải phía đông thuộc tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh phát triển du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng.
Cụm Đồng Tháp Mười có tỉnh Long An, Đồng Tháp với sản phẩm chủ yếu là du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng ngập nước Đồng Tháp Mười.
Để nâng cao hiệu quả từ phát triển du lịch, từ nay đến năm 2015, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đầu tư mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành khách sạn, các khu du lịch tổng hợp chất lượng cao, cơ sở vui chơi giải trí và cung cấp các dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xây dựng các cảng du lịch Mỹ Tho, Cần Thơ, Châu Đốc, Rạch Giá, Phú Quốc; bảo tồn, tôn tạo giá trị tài nguyên và môi trường sinh thái cho các khu khai thác du lịch...
Bên cạnh đó, Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường hợp tác giữa các địa phương trong vùng và các quốc gia trong Tiểu vùng sông Mekong mở rộng tập trung khai thác thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là Campuchia và thị trường Việt kiều; duy trì các thị trường Đông Bắc Á, Tây Âu, Bắc Mỹ.
Đồng bằng sông Cửu Long cũng phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đến năm 2015, bình quân mỗi năm thu hút tám triệu lượt khách quốc tế và nội địa. Từ năm 2016 đến năm 2020 bình quân mỗi năm thu hút 10,5 triệu lượt khách quốc tế và nội địa.
Thời gian qua, Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng du lịch nhưng các tỉnh trong khu vực chưa khai thác hết thế mạnh này. Cho đến nay, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch vẫn còn thiếu thốn; số điểm tham quan chưa nhiều; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn...
Năm 2013, Đồng bằng sông Cửu Long đón gần 24 triệu lượt khách du lịch trong đó có gần hai triệu khách nước ngoài, doanh thu đạt trên 4.800 tỷ đồng, tăng 11% so năm 2012.
Thế Đạt
theo TTXVN