Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

Không ai có thể phủ nhận vai trò, tầm quan trọng của thị trường bất động sản (BĐS) đối với nền kinh tế. Vì thế, những biến động trên thị trường này dù tích cực, hay tiêu cực; ngắn hạn hay lâu dài đều có những tác động lớn và đáng kể đến kinh tế vĩ mô và vi mô. Do đó, làm sao để thị trường này phát triển một cách lành mạnh, phát huy đúng vai trò để vừa không gây ra rủi ro vĩ mô, vừa trở thành nguồn lực và yếu tố quan trọng để nền kinh tế phát triển bền vững là bài toán cần giải.

Bất cập và nhu cầu phải lành mạnh hóa

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, ước tính mỗi năm, thị trường BĐS đóng góp 0,4% tăng trưởng kinh tế, tương đương 10% tổng thu nhập quốc dân. Thị trường BĐS còn là đầu kéo thúc đẩy sự phát triển của khoảng 40 ngành kinh tế quan trọng khác, trong đó có vật liệu xây dựng, tài chính, thị trường lao động… Trong khi đó theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, ước tính mỗi năm ngành xây dựng, bao gồm BĐS, đóng góp khoảng 16% GDP. “Nếu BĐS phát triển đúng mức sẽ đóng góp rất lớn giúp ngành xây dựng phát triển, tạo công ăn việc làm...”, ông Hiệp cho biết.

Có vai trò rất quan trọng nhưng thực tế trong quá trình phát triển, thị trường BĐS đã trải qua không ít lần sốt nóng hoặc đóng băng, kéo theo đó là không ít hệ lụy cho tăng trưởng và duy trì ổn định vĩ mô. Khoảng hơn 2 năm trở lại đây, những tưởng thị trường này nếu không đóng băng trầm lắng thì cũng khó sôi động, qua đó phản ánh những khó khăn mà cả nền kinh tế phải đối mặt vì tác động của đại dịch Covid-19, song ngược lại, cơn sốt đất thực sự đã diễn ra tại nhiều địa phương trên toàn quốc. Dù việc có hay không các vi phạm về đấu giá để trục lợi, sai phạm cụ thể ở khía cạnh nào sẽ được cơ quan điều tra làm rõ trong thời gian tới đây nhưng có thể coi vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm vừa qua là một trong những đỉnh điểm cho thấy thị trường vẫn đang kỳ vọng giá BĐS - trên nền tăng cao suốt thời gian qua - sẽ tiếp tục tăng chứ chưa thể giảm.

de thi truong bat dong san phat trien lanh manh
Giá BĐS tăng đến mức sốt và trên diện rộng là do đầu cơ

Tình trạng sốt ảo nếu không được giải quyết tất yếu sẽ gây ra những hệ lụy vô cùng lớn vào một thời điểm nào đó. Bởi vậy, việc phát triển lành mạnh thị trường BĐS là rất quan trọng và cần thiết. Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vừa kết thúc, một trong những nội dung quan trọng là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Nhấn mạnh đây là một lĩnh vực rất rộng lớn, cơ bản, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải chỉ ra được những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để nguồn lực đất đai được phát huy đầy đủ, trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Xử lý triệt để những yếu tố có thể gây méo mó thị trường

Về lý thuyết, giá cả thị trường sẽ do cung - cầu quyết định. Trong bối cảnh cầu cao mà cung thiếu thì giá tăng cũng là lẽ thường tình. Thế nhưng theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến các cơn sốt đất chủ yếu do tình trạng đầu cơ, trong khi vấn đề minh bạch thông tin trên thị trường còn nhiều bất cập. PGS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng, cung thiếu trong khi cầu tăng nên giá BĐS tăng là bình thường, nhưng việc giá tăng đến mức sốt và trên diện rộng như vậy thì phần lớn là do cầu “đầu cơ”, tạo ra cầu “ảo” khi nhiều các nhóm, hội môi giới đã tạo ra sự khan hiếm giả và nhiều người mua đất không với nhu cầu để xây ở thực mà mua đi bán lại để kiếm lời. “Do đó giải pháp một mặt là phải tăng cung lên, thúc đẩy cho các dự án triển khai, nhưng đồng thời phải kiểm soát phần cầu “ảo” này, chống được đầu cơ thông qua sửa đổi các quy định pháp luật, trong đó có Luật Đất đai”, PGS. Hoàng Văn Cường đề xuất.

Cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo về pháp lý cũng là quan điểm được ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đưa ra, trong đó có việc tháo gỡ những vướng mắc pháp lý cho từng dự án BĐS cụ thể, từ đó tăng nguồn cung cho thị trường. Bên cạnh đó, các địa phương phải kiểm soát chặt hoạt động chia lô bán nền và đấu giá đất, bởi đây là hoạt động có tác động “ghê gớm” đến thị trường, vì chỉ cần một dự án tăng giá là hàng loạt dự án khác tăng giá theo. “Cần kiểm soát tốt các hoạt động này để hạn chế tối đa nguy cơ gây méo mó thị trường”, ông Khởi nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho biết, thị trường đất nền tại các địa phương phát triển quá nóng dẫn đến rất nhiều hệ lụy như khiến xảy ra cơn sốt đất không đáng có trong khi đầu tư vào đất nền chỉ để lướt sóng, kiếm lời sẽ không phục vụ sản xuất, không giúp phát triển thị trường lành mạnh.

Ngoài các vướng mắc cần tháo gỡ nêu trên, các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý còn nêu ra một loạt vướng mắc và thực trạng khác cần giải quyết như tình trạng câu kết làm giá, gây nhiễu loạn thông tin... “Tôi tin rằng, để thị trường BĐS phát triển lành mạnh chúng ta phải thực hiện nhiều giải pháp tổng hợp. Trong đó, việc tới đây trình Quốc hội sửa một số luật, đặc biệt là Luật Đất Đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đấu thầu khi được thông qua sẽ giúp khơi thông để thị trường phát triển lành mạnh”, ông Nguyễn Mạnh Khởi nhấn mạnh.

Trở lại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vừa kết thúc và nội dung liên quan đến đất đai, một trong những câu hỏi rất lớn được Tổng Bí thư đặt ra là: “Vì sao thị trường BĐS phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?”. Trả lời thỏa đáng câu hỏi này bằng các chính sách, giải pháp và điều chỉnh pháp luật liên quan kịp thời, xử lý được các vướng mắc đang tồn tại trong thực tiễn sẽ tạo thuận lợi cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững, qua đó góp phần tạo nguồn lực, động lực cho mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đỗ Lê
Theo thoibaonganhang.vn

Từ khóa: