Trong bối cảnh thị trường nhà ở xã hội đang gặp nhiều khó khăn, việc hạ lãi suất cho vay dành cho chủ đầu tư và người mua, thuê nhà được đề xuất như một giải pháp thiết thực để thúc đẩy nguồn cung và giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với những căn hộ giá rẻ. Chính sách này không chỉ nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính mà còn mở ra cơ hội an cư cho hàng ngàn hộ gia đình thu nhập thấp, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào phân khúc quan trọng này.
Luật Nhà ở 2023 và Nghị định 100/2024 về phát triển nhà ở xã hội quy định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội có thể lựa chọn một trong hai kênh ưu đãi tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tại các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định với các mức lãi suất ưu đãi, thời hạn vay linh hoạt.
HoREA đề xuất điều chỉnh giảm lãi suất cho vay xuống 3-4,8% mỗi năm; giữ nguyên mức lãi vay 4,8% mỗi năm với khoản vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo sự ổn định, nhất là trong lúc người mua nhà còn đang khó khăn.
Lý do đưa ra đề xuất này, bởi Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam vừa điều chỉnh mức lãi suất ưu đãi vay mua, thuê nhà ở xã hội (ký trước ngày 1/8) từ 4,8% lên 6,6% mỗi năm. Các khoản vay nếu được ký trước 1/8 sẽ áp dụng bằng lãi suất cho vay hộ nghèo - mức 6,6% mỗi năm. Mức cho vay với hộ nghèo được Thủ tướng quy định trong từng thời kỳ.
HoREA cho rằng, việc tăng như trên là chưa phù hợp với bản chất của khoản vay nhà ở xã hội. Mức lãi suất 6,6% không chỉ tăng 1,37 lần với trước đây mà còn cao hơn lãi suất vay 5% của gói 30.000 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, nhận định nhiều người mua nhà ở xã hội sẽ phải đối mặt áp lực trả lãi vay hàng tháng vượt dự kiến.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, bản chất của khoản vay khi thuê, mua nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội mang tính trung, dài hạn đến 25 năm, khác với khoản vay ưu đãi dành cho hộ nghèo chỉ khoảng 3 năm trở lại. Việc áp dụng lãi suất vay trung, dài hạn giống như khoản vay cho vay hộ nghèo sẽ làm cho người vay bất an, bởi lãi suất có thể tiếp tục thay đổi, thậm chí điều chỉnh hằng năm.
Ngoài ra, hiện nay Ngân hàng Chính sách xã hội có 2 danh mục cho vay ưu đãi về nhà ở là chương trình "hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ" với lãi suất ưu đãi 6,6% một năm trong 10 năm và chương trình "cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở" với lãi suất cho vay ưu đãi 3% năm trong 10 năm.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng với quy mô nguồn vốn lên đến 140.000 tỉ đồng do tám ngân hàng thương mại tự nguyện đóng góp cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay vốn trong 3 năm với lãi suất 8%/năm.
Với người mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc tự xây dựng, cải tạo hoặc sửa chữa nhà ở được vay trong 05 năm với lãi suất 7,5%/năm và lãi suất vay được điều chỉnh định kỳ mỗi 6 tháng một lần.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, gói tín dụng này mới chỉ giải ngân được rất thấp, chỉ 1.344 tỉ đồng đạt 0,96%. Trong đó có 1.295 tỉ đồng cho các chủ đầu tư vay tại 12 dự án nhà ở xã hội và chỉ có 49 tỉ đồng cho người mua nhà ở xã hội tại 5 dự án.
Theo báo cáo mới nhất của các địa phương, từ 2021 đến nay, cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô hơn 561.800 căn. Trong đó, 79 dự án hoàn thành cung cấp khoảng 40.700 căn hộ. Số này chỉ bằng 7,2% quy mô các dự án được triển khai.
Người mua nhà ở xã hội hiện có thể tiếp cận vốn vay ưu đãi theo ba kênh, gồm; vay từ ngân hàng chính sách xã hội với mức lãi vay trước 1/8 là 4,8% một năm, sau 1/8 là 6,6%/năm; vay từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng (hiện đã tăng lên 140.000 tỷ đồng) với lãi suất thấp hơn lãi thương mại của bốn ngân hàng thương mại nhà nước 1,5-2%; các chương trình về nhà ở cho các đối tượng chính sách.
Tiến Hoàng/KTDU