Sự kiện hot
5 tháng trước

Lãi suất là chỉ báo quan trọng cho thị trường tài chính và cả nền kinh tế

Lãi suất, thường được ví như nhịp đập của nền kinh tế, là một trong những công cụ quan trọng nhất trong việc điều hành chính sách tiền tệ của các quốc gia. Không chỉ tác động trực tiếp đến chi phí vay mượn của các doanh nghiệp và cá nhân, lãi suất còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh dòng chảy của vốn, định hình hành vi tiêu dùng, đầu tư và thậm chí là ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính.

Từ đầu tháng 8 đến nay, thị trường đã ghi nhận hàng chục ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động, gồm: Agribank, Eximbank, HDBank, Sacombank, Saigonbank, TPBank, CB, VIB, Dong A Bank và mới nhất là VPBank.

Với việc các ngân hàng có quy mô tiền gửi lớn nhất hệ thống như Agribank, VPBank, Sacombank... đều đã tăng lãi suất huy động, mặt bằng lãi suất huy động được dự báo sẽ tiếp tục lên cao hơn trong thời gian tới.

Tin ngân hàng ngày 27/5: Kiến nghị gói vay ưu đãi với lãi suất giảm
Lãi suất là chỉ báo quan trọng cho thị trường tài chính và cả nền kinh tế.

Báo cáo phân tích của Chứng khoán MBS dự báo, lãi suất đầu vào sẽ tiếp tục tăng trong nửa sau năm 2024 do cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5 điểm %, quay về mức 5,2-5,5%/năm vào cuối năm 2024.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống phục hồi từ cuối tháng 3 và tăng dần qua các tháng, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2023. Tính đến cuối tháng 7/2024, dư nợ tín dụng gần 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ 2023 và tăng 5,66% so cuối năm 2023.

Lãi suất tiền gửi ngân hàng liên tục tăng trong 4 tháng qua đã kích thích dòng tiền chảy trở lại vào hệ thống ngân hàng. Tháng 1/2024, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng âm. Tuy nhiên, tình trạng này dần được cải thiện theo tốc độ tăng của lãi suất huy động. Nếu như trong tháng 2/2024, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng 1,6%, thì tháng 5/2024 đã tăng lên mức 2,8%.

TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia Kinh tế - nhận định, hiện tại lãi suất huy động đang dần tăng lên do 2 lý do. Thứ nhất, có thể trong nửa cuối năm các ngân hàng sẽ mạnh tay hơn trong cho vay, do đó phải huy động vốn nhiều hơn, ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để kéo vốn vào.

Mặt khác, vị chuyên gia cho rằng, việc tăng lãi suất huy động còn có thể do nợ xấu gia tăng. “Nợ xấu nội bảng tại thời điểm này vào khoảng 4,5%, nếu tính nợ xấu ngoại bảng theo dự tính của tôi vào khoảng 6%. Với nợ xấu tăng cao và nhu cầu vốn tăng cao, lãi suất huy động sẽ phải tăng, kéo lãi suất cho vay tăng theo.

Khi nguồn vốn cho vay không quay trở lại hệ thống, các ngân hàng phải huy động vốn mới để trả cho tiền gửi cũ đáo hạn. Việc tăng lãi suất huy động nhằm thu hút dòng tiền mới có thể là biện pháp cần thiết để đảm bảo thanh khoản, nhưng nó cũng đẩy chi phí vay lên cao vì các ngân hàng cần giữ biên độ lợi nhuận từ 3-4%” - vị chuyên gia phân tích.

Còn theo chuyên gia UOB, tăng trưởng tín dụng khả năng sẽ hồi phục vào nửa cuối năm, kéo theo lãi suất tiền gửi có thể tăng 0,5 - 1% trên các kỳ hạn.

Thêm ba ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm từ hôm nay 10/4, có cả nhà băng  tư nhân lớn hàng đầu hệ thống

Một diễn biến đáng chú ý khác trong bối cảnh này, nhiều nhà băng đã đi tìm nguồn vốn từ các tổ chức. Theo FiinRatings, trong tháng 6 vừa qua, các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành trái phiếu lớn nhất thị trường với 19 đợt phát hành trị giá 16.500 tỷ đồng. Trong đó, BIDV và Techcombank lần lượt chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Bên cạnh đó, báo cáo SSI cho biết, thời điểm này, lãi suất cho vay, gói lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi đã bắt đầu tăng nhẹ (từ mức 6 - 7% cố định cho 3 năm đầu lên khoảng 7 - 7,5%). Tuy nhiên, nhìn chung mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn chưa có nhiều sự thay đổi rõ rệt.

“Hiện nay, các ngân hàng đang cạnh tranh nhau cả về lãi suất, dịch vụ để tìm kiếm khách hàng, nhất là những khách hàng có tình hình tài chính tốt, phương án kinh doanh khả thi. Chắc chắn có ngân hàng sẵn sàng áp dụng mức lãi suất cho vay ngang giá vốn và bù đắp phần nào đó từ các loại phí, dòng tiền gửi không kỳ hạn” - một lãnh đạo ngân hàng phân tích.

Dù vậy, vị lãnh đạo cũng thừa nhận có những cái rất khó cho ngân hàng vì lãi suất huy động còn phải phụ thuộc vào lạm phát cũng như cạnh tranh huy động vốn giữa các ngân hàng. Lãi suất cho vay cũng phải dựa vào "khẩu vị rủi ro" nên không thể có lãi suất thấp cho tất cả DN.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: