Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, để thực hiện tốt Chiến lược phát triển nhà ở, 5 năm tới, Việt Nam sẽ phải nỗ lực tìm ra những mô hình, những kênh huy động vốn mới.
Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, để thực hiện tốt Chiến lược phát triển nhà ở, 5 năm tới, Việt Nam sẽ phải nỗ lực tìm ra những mô hình, những kênh huy động vốn mới.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản mới đây, nhiều giải pháp phát triển thị trường đã được đưa ra. Trong đó, đáng chú ý là giải pháp phát triển nhà ở cho thuê và thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở.
Tập trung phát triển nhà ở cho thuê
Theo Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, từ nay đến năm 2015, nhà chung cư sẽ chiếm 80% các dự án nhà ở tại Hà Nội và TP. HCM. Trong đó, nhà cho thuê sẽ được chú trọng phát triển với nhiều ưu đãi để chiếm 20% tổng số căn hộ.
Để thực hiện được việc này, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu đề án nhà ở cho thuê. Trước đó, tháng 11/2011, cơ quan này đã đề xuất Thủ tướng cho phép chuyển nghiên cứu đề án nhà ở cho thuê sang nghiên cứu nghị định về phát triển và quản lý nhà thuê, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà cho thuê.
Theo đó, Nhà nước sẽ đầu tư xây chung cư cho thuê hoặc thuê mua bằng ngân sách, đồng thời ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây nhà cho thuê, nhà thu nhập thấp. Phát biểu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, nhu cầu nhà ở hiện rất lớn, song số lượng nhà ở cho thuê rất thấp, chỉ đạt 11% ở Hà Nội và TP. HCM.
“Nếu cứ thế này thì không thể đáp ứng được nhu cầu về chỗ ở”, Phó thủ tướng nói và nhấn mạnh, trong Chiến lược nhà ở cần chú trọng phát triển mạnh mẽ thị trường nhà cho thuê. Đây là mô hình của tương lai, đáp ứng nhu cầu nhà ở của xã hội.
Phó thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng đề xuất cơ chế, soạn thảo nghị định xây dựng nhà ở cho thuê, để có các doanh nghiệp chuyên sâu xây dựng loại nhà này, cung cấp các dịch vụ để người dân yên tâm thuê nhà.
"Các quốc gia khác có tỷ lệ nhà cho thuê tới 80% đến 90%, nhà sở hữu cá nhân rất ít. Nước ta đất chật người đông, chúng ta không khuyến khích sở hữu cá nhân vì không đủ đất làm nhà ở cho dân", Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.
Phó thủ tướng chỉ ra rằng, những chương trình như thế này phải mất từ 5 đến 10 năm. Hiện có đến trên 10.000 hộ dân chưa có nhà để ở và 1,6 triệu hộ đang sống trong những căn nhà rất đơn sơ, tạm bợ, điều kiện sinh hoạt còn hết sức khó khăn.
Triển khai mô hình quỹ
Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, để thực hiện những mục tiêu như đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm tới, Việt Nam sẽ phải nỗ lực nhiều hơn, tìm ra những mô hình, những kênh huy động vốn mới để có thể phát triển được.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận xét, hiện nay ở nước ta, việc hình thành một hệ thống tài chính hoàn chỉnh riêng cho lĩnh vực nhà ở thì chưa có. Một số loại hình, phương thức cho vay để phát triển nhà ở đã có, nhưng chưa nhiều.
Ông Hà đề xuất hình thành 2 quỹ tiết kiệm song song trong thời gian tới. Quỹ thứ nhất chuyên phục vụ cho những người thu nhập thấp vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Quỹ này hình thành trên cơ sở tái cơ cấu quỹ phát triển nhà ở tại các địa phương.
“Hiện nay, các quỹ phát triển nhà ở của các địa phương nhìn chung còn yếu, tính chuyên nghiệp chưa cao, nhất là lại ủy quyền cho các ngân hàng cho vay lại. Vì thế, cần bổ sung chức năng và nhiệm vụ cho các quỹ này và đổi tên thành quỹ tiết kiệm và phát triển nhà ở, như nguồn đóng góp và tiết kiệm của các đối tượng muốn tham gia vào quỹ này. Thậm chí, cho phép phát hành xổ số cho loại hình quỹ này”, ông Hà kiến nghị.
Quỹ tiết kiệm thứ hai áp dụng cho người có thu nhập trung bình để vay mua nhà ở thương mại dựa theo mô hình của Đức. Theo đó, khuyến khích những người có thu nhập trung bình trở lên tham gia theo cơ sở hợp đồng với sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nước hỗ trợ bằng cách bù vài tháng lương hoặc miễn thuế thu nhập hoặc hạ lãi suất… Ông Hà kiến nghị, trước mắt, có thể triển khai thực hiện tại hai địa phương là Hà Nội và TP. HCM. Sau này, những địa phương khác có khả năng làm và hội tụ đủ các điều kiện thì có thể tham gia.
Minh Nhật
Theo DTCK