Nhiều bạn trẻ thấy mình “lột xác” từ chuyến trải nghiệm Học kỳ quân đội gian nan mà vô cùng thú vị.
Nhiều bạn trẻ thấy mình “lột xác” từ chuyến trải nghiệm Học kỳ quân đội gian nan mà vô cùng thú vị.
Ba lần bật khóc
Chỉ trong một tuần (từ ngày 7 đến 13.7) có mặt trong chuyến đi đến Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), ít nhất 3 lần bạn Châu Kiết Dinh - học sinh lớp 11 Trường THPT Trần Hữu Trang, Q.5, TP.HCM đã không kìm được nước mắt. Tất nhiên, tâm trạng mỗi lần khóc là khác nhau.
Lần đầu tiên là lúc cả đoàn hành quân vượt 4,5 km với vô số dốc cao để lên đỉnh núi Thánh Giá thăm những anh bộ đội đang ngày đêm canh giữ biển trời. Mới leo chưa đến nửa chặng đường, Dinh đã bật khóc vì đôi chân đau và mỏi rã rời. Dinh thấy nhớ nhà quá đỗi, chỉ muốn buông xuôi tất cả để chạy về với mẹ. May mà có cô bạn cùng lớp Kỳ Anh và các anh chị điều phối viên chương trình luôn cận kề, lúc thì dìu, lúc thì nắm tay kéo lên. Dinh cho hay, khi lên đến đỉnh núi, cô cảm nhận như đã “vượt lên chính mình“ - không còn khóc vì sợ, vì đau, vì nản nữa.
|
|
|
Chương trình này rất ý nghĩa, giúp học sinh thành thị có điều kiện tiếp xúc với nông thôn, rèn luyện kỷ luật, thực hành các chế độ giờ giấc sinh hoạt, tạo thói quen tự lập khi về lại gia đình
|
|
|
Trung đội trưởng Nguyễn Anh Quốc (Đại đội Bộ binh 2 - Ban chỉ huy quân sự huyện Côn Đảo)
|
|
|
Lần thứ hai là đêm ở Cầu tàu 914. Trước mặt là biển và núi khoáng đạt, không gian sâu lắng, Dinh cùng 50 học viên khác chăm chú nghe anh Phan Thành Hổ (cán bộ Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam - đơn vị tổ chức Học kỳ quân đội) kể về câu chuyện lịch sử 914 người tù khổ sai đã phải bỏ mạng khi xây cầu tàu này. Rồi anh Hổ chia sẻ về những giá trị sống; về tấm lòng yêu thương bao la của cha mẹ, dù có khi nhận lại chỉ là sự thờ ơ hoặc cáu gắt của con cái… Dinh và nhiều bạn khóc sụt sùi khi đọc những lá thư của cha mẹ gửi. “Chưa bao giờ em nhận ra tình cảm gia đình thiêng liêng đến vậy” - Dinh nói.
Lần thứ ba là đêm cuối cùng đầy xúc cảm ở Côn Đảo. Lúc đó đã hơn 21 giờ, cả đoàn đi viếng Nghĩa trang Hàng Dương và mộ liệt sĩ Võ Thị Sáu. Trong cơn mưa rả rích, những lời tâm tình của anh Hổ như càng thấm thía: “Đây là chuyến đi để trưởng thành chứ không phải để chơi. Chúng ta ngồi đây để cảm nhận sự hy sinh to lớn của hơn 20.000 cựu tù đã ngã xuống mảnh đất này. Cảm nhận để sống tốt hơn, bỏ bớt những đua đòi, không làm bất cứ điều gì gây phiền lòng đến gia đình và những người xung quanh...”.
Không hành xử "kiểu cũ"
Trên chuyến bay từ Côn Đảo về TP.HCM, người viết tình cờ ngồi cạnh Kỳ Anh - học cùng trường với Châu Kiết Dinh. Hỏi có gặt hái được gì từ chuyến đi này, Kỳ Anh chia sẻ: “Chắc chắn em sẽ thay đổi rất nhiều. Hồi trước, em ngồi học gần một bạn hay chửi thề nên cũng bị “nhiễm” luôn. Lần này về, nhất định em sẽ bỏ thói quen này”. Kỳ Anh kể, có những hôm đi học về, mẹ em dọn cơm sẵn giục ăn thì em gắt gỏng: “Con mệt, không đói” rồi nhịn luôn. “Bây giờ em mới nhận thấy thái độ của mình đối với mẹ là không đúng” - Kỳ Anh đúc kết. Nhìn qua ô cửa máy bay, cô gái này thốt lên: “Đi như vậy, em thấy yêu đất nước mình quá! Trước đây, em chỉ muốn đi du lịch nước ngoài thôi. Thực ra nước mình cũng có nhiều cảnh đẹp và nhiều điều lý thú”.
Cùng nhau đi nhổ cỏ sau giờ tập luyện - Ảnh: Như Lịch
Một học viên khác khẳng định, điều đầu tiên em muốn “cải tạo” khi trở về nhà chính là dọn căn phòng riêng luôn bừa bộn chẳng khác chi “ổ rác”. Không những vậy, nữ sinh này còn tự hứa ăn cơm xong sẽ rửa chén; mẹ cần giúp việc nhà sẽ sẵn lòng. Đặc biệt, cô dự định sẽ mạnh dạn tỏ bày tình thương yêu với cha mẹ (trước đây do e ngại nên cô không dám thể hiện).
Theo Minh Phương - học sinh lớp 9 Trường THCS Xuân Thới Thượng (Hóc Môn, TP.HCM), ấn tượng nhất trong chuyến trải nghiệm này là nếp sống kỷ luật trong quân đội. Phương cho biết, sống trong doanh trại CBB2 (Côn Đảo), Phương cùng các bạn luôn thức dậy từ lúc 5 giờ 30 để tập thể dục, thay cho thói quen ngủ nướng tới 9-10 giờ sáng như khi ở nhà. Phương và nhiều bạn đã không còn thấy nhớ cồn cào cái "a -lô" di động cùng thói quen “nằm dài” trên internet hoặc “nấu cháo” điện thoại...
Đây là lần thứ hai trong mùa hè này, Trần Ngọc Hoàng Nam (Nha Trang, Khánh Hòa) tham gia Học kỳ quân đội. Hoàng Nam cho biết, tháng 8 tới đây Nam sẽ đi du học ở Úc. Chính vì vậy, gia đình muốn Nam làm quen dần cuộc sống tự lập trước khi ra nước ngoài học tập.
Như Lịch
Theo Thanhnien