Sự kiện hot
12 năm trước

Dịch vụ, hàng hóa rục rịch tăng theo giá xăng

Khó hiểu, điều hành ngược… là đánh giá chung của nhiều chuyên gia trước quyết định đột ngột tăng giá xăng thêm 1.430 đồng/lít của liên Bộ Tài chính- Công Thương ngày 28/3. Trong khi, cước vận tải đang rục rịch tăng giá theo.

Khó hiểu, điều hành ngược… là đánh giá chung của nhiều chuyên gia trước quyết định đột ngột tăng giá xăng thêm 1.430 đồng/lít của liên Bộ Tài chính- Công Thương ngày 28/3. Trong khi, cước vận tải đang rục rịch tăng giá theo.


Nhiều hãng taxi rục rịch lên phương án tăng giá cước vào tuần tới. Ảnh: Thành Vinh.

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng, Nghị định 84 đang trong giai đoạn sửa, bổ sung trong khi việc điều hành giá xăng dầu thời gian vừa qua hoàn toàn không thích ứng với cơ chế thị trường.

Điều này thể hiện ở việc khi giá xăng dầu thế giới tăng, không kịp thời, nhạy bén điều chỉnh dẫn đến hiện tượng găm hàng, khan hàng. Giờ đã hội nhập thì phải theo giá thế giới.

Một chuyên gia về giá cũng cho rằng, việc điều chỉnh giá xăng, nhìn theo nhiều góc độ khác nhau, không ổn. Nếu lấy lý do tháng 4 tới CPI cũng dự báo tăng thấp nên tăng giá là cách làm thời điểm, chưa có cái nhìn trung và dài hạn. Điều dễ thấy là việc tăng giá thời điểm này gây những hệ lụy rất lớn.

Tuần tới sẽ tăng giá cước vận tải

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Doanh nghiệp vận tải đang trông chờ giảm giá xăng dầu vì giá thế giới giảm, nhưng đùng một cái lại tăng; không thể nào hiểu nổi”.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình cho rằng, quyết định tăng giá xăng là vô lý, “như búa tạ giáng vào nồi cơm của lái xe”. “Ước chừng, cước taxi sẽ phải tăng lên khoảng 600 – 1000 đồng/km, tương đương từ 5-7 %. Sang tuần tới, các doanh nghiệp sẽ trình phương án tăng giá” – ông Bình nói.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, GĐ Xí nghiệp Taxi Mai Linh số 1 (Công ty Mai Linh miền Bắc – Tập đoàn Mai Linh) cho rằng: “Quyết định tăng giá xăng không khác nào bóp cổ doanh nghiệp vận tải lẫn người tiêu dùng”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, GĐ Taxi Xuân Thành (có 370 xe hoạt động tại Hà Nội và Ninh Bình), nói: “Công ty đang lên phương án tăng giá cước”. Còn ông Nguyễn Văn Bình, GĐ Điều hành Taxi Huỳnh Anh (Hà Nội) cũng cho biết, nếu không tăng giá, doanh nghiệp sẽ không thể cầm cự nổi.

GĐ Cty Quản lý bến xe Hà Nội Nguyễn Hoàng Trung, nhận định: “Khả năng tăng giá cước sẽ xảy ra vào tuần tới”.

TPHCM: Thực phẩm bắt đầu tăng giá

Hôm qua dân bán buôn ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đã bàn tán về kế hoạch tăng giá các mặt hàng nông sản tại đây. Chị Nguyễn Thị Tư, chủ ki ốt Thu Tư trong khu chợ này cho biết, các vựa cung cấp rau, củ, quả đã gọi điện thông báo bắt đầu từ hôm nay (30/3) các mặt hàng sẽ tăng từ 2-5%. Vì “xăng tăng cao nên phí vận chuyển sẽ tăng lên”- chị Tư nói.

Bắt đầu từ sáng qua, giá thực phẩm bán lẻ ở các chợ đã có sự tăng nhẹ. Tại chợ Tân Thuận Tây, quận 7 giá các loại rau lá như cải thảo, bắp cải,cải bẹ xanh hay xà lách búp đều được bán lẻ với giá từ 20.000-24.000 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với một ngày trước đó.

Còn các loại hải sản đã “té nước theo mưa” từ 90.000 đồng/kg mực loại nhỏ, hôm qua đã tăng lên 110.000 đồng/kg, nhiều loại mực to tăng lên trên 200.000 đồng/kg. Trong khi các loại tôm và cá biển cũng đồng loạt tăng giá từ 20.000-25.000 đồng/kg.

Theo ông Tạ Huy Vũ - Giám đốc Siêu thị Maximart 3 tháng 2, TPHCM đã có một số đơn vị thông tin sẽ tăng giá lên trong tuần tới.

Trong khi đó, ông Huỳnh Anh Lợi, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 cho biết, bắt đầu từ sáng 29/3 các chủ phương tiện chạy xe ba gác máy đã yêu cầu cửa hàng tăng giá vận chuyển lên 30 nghìn đồng/chuyến do xăng tăng.

Phạm Tuyên - Thành Vinh - Lê Nguyễn
theo TPO

Từ khóa: