Sự kiện hot
5 năm trước

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Bên cạnh một số mã lớn tăng nhẹ, hầu hết các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị mua trong tuần qua đều giao dịch thiếu khởi sắc. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* Theo BSC, cổ phiếu VNM sẽ kiểm tra lại ngưỡng giá 125 trong các phiên tới

Chỉ báo RSI cho thấy xu hướng tăng giá sau một chu kỳ tích lũy co hẹp trong kênh Bollinger trong khi chỉ báo MACD đang báo hiệu khởi đầu của xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu đang hướng tới dải mây Ichimoku, cho thấy động lực tăng giá trung hạn đang hình thành. Như vậy, VNM nhiều khả năng sẽ kiểm tra lại ngưỡng giá 125 trong các phiên giao dịch tới. Nếu bước gia tăng đồng thuận cùng thanh khoản, VNM sẽ quay trở lại kiểm tra ngưỡng kháng cự trung hạn 130.

Mặc dù chưa có sự đột phá nhưng trụ cột VNM tiếp tục có tuần thứ 2 liên tiếp tăng nhẹ. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm duy nhất ngày 17/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VNM tăng 2.000 đồng (+1,69%) từ mức giá 118.000 đồng/CP lên 120.000 đồng/CP. So với mức giá mục tiêu mà BSC đưa ra là 125.000 đồng/CP, giá hiện tại của VNM còn thấp hơn 4%.

* BSC khuyến nghị theo dõi cổ phiếu NTC

BSC dự báo kết quả kinh doanh cho 2019 , doanh thu đạt 188,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 196 tỷ đồng, tương đương EPS = 13.223 VND, P/E fwd = 12x. Nếu loại trừ, khoản thu nhập bất thường từ Khu dân cư Nam Tân Uyên, theo dự báo của chúng tôi NTC sẽ đạt lần lượt doanh thu tăng trưởng 12% và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 22% (đã trích quỹ khen thưởng và phúc lợi). Đồng thời, khuyến nghị theo dõi cổ phiếu NTC.

Mặc dù được dự báo triển vọng khá tích cực nhưng diễn biến cổ phiếu NTC tuần qua thiếu khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm liên tiếp đầu tuần và duy nhất 1 phiên tăng nhẹ ngày cuối tuần 20/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NTC giảm 2.600 đồng (-1,53%) từ mức giá 170.400 đồng/CP xuống 167.800 đồng/CP.

* Theo BSC, cổ phiếu SSI có thể tiếp tục giảm giá trong ngắn hạn

Chỉ báo động lượng RSI tuy đang ở trong vùng quá bán nhưng những lần chỉ báo rời khỏi vùng này trong thời gian gần đây đều không dẫn đến sự hồi phục mà lại tiếp tục quay trở về giá trị xung quanh 30. Ngưỡng hỗ trợ kế tiếp của cổ phiếu nằm tại khu vực 17-17.5. Theo đánh giá của chúng tôi, SSI có thể tiếp tục giảm giá trong ngắn hạn trước khi những diễn biến của thị trường chung đủ tốt để tạo động lực tăng trở lại cho cổ phiếu.

Không nằm ngoài dự báo của BSC, cổ phiếu SSI đã liên tiếp mất điểm trong 4 phiên đầu tuần và chỉ hồi phục trong phiên cuối tuần 20/12. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SSI giảm 900 đồng (-4,69%) từ mức giá 19.200 đồng/CP xuống 18.300 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị kém khả quan dành cho DHG với giá mục tiêu 79.000 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị kém khả quan và giá mục tiêu 79.000 đồng/CP cho DHG, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng -12,2% (bao gồm lợi suất cổ tức 3,7%), dựa theo giá chốt phiên hôm nay.

Mới đây, Dược Hậu Giang đã công bố về việc bổ nhiệm các nhân sự cấp cao, trong đó, Thành viên HĐQT người Nhật là ông Masashi Nakaura được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Công ty. Tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu DHG tuần qua không mấy cải thiện.  Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DHG giảm 1.500 đồng (-1,58%) từ mức giá 95.000 đồng/CP xuống 93.500 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho DPM với giá mục tiêu 15.000 đồng/CP

Chúng tôi cho rằng không có thay đổi đáng kể cho dự báo lợi nhuận cũng như giá mục tiêu của chúng tôi cho DPM. Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho DPM với giá mục tiêu 15.000 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 18,5%, bao gồm lợi suất cổ tức 7,4%). DPM hiện được giao dịch tại P/E năm 2020 là 9,3 lần và P/B là 0,6 lần dựa theo dự báo của chúng tôi.

Vừa qua, Đạm Phú Mỹ đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 để trình ĐHCĐ tới đây với doanh thu dự kiến đạt 9.237 tỷ đồng, tăng 6,8% so với kế hoạch năm 2019; lợi nhuận sau thuế gấp 2,5 lần, đạt 4,33 tỷ đồng. Mặc dù kế hoạch đưa ra khá cao cùng nhận định khá tích cực từ VCSC, nhưng diễn biến cổ phiếu DPM không được như kỳ vọng. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DPM giảm 350 đồng (-2,63%) từ mức giá 13.300 đồng/CP xuống 12.950 đồng/CP.

* VCSC và MBS cùng khuyến nghị mua dành cho FPT

VCSC duy trì triển vọng tích cực cho tăng trưởng của FPT. Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua dành cho FPT và giá mục tiêu 76.800 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 39,5% (bao gồm lợi suất cổ tức 3,5%), dựa theo giá đóng cửa hôm nay.

Tương tự, MBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 71.000 đồng. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 12 lần (theo EPS dự phóng 2020 khoảng 5.910 đồng).

Tuần qua, FPT đã công bố kết quả kinh doanh 11 tháng khả quan với lợi nhuận trước thuế cán đích năm, đạt 4.439 tỷ đồng. Tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu FPT không được như kỳ vọng của VCSC và MBS. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT giảm nhẹ 600 đồng (-1,05%) từ mức giá 57.100 đồng/CP xuống 56.500 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị theo dõi cổ phiếu PVD với giá mục tiêu 18.900 đồng/cp

Chúng tôi khuyến nghị theo dõi với cổ phiếu PVD với giá mục tiêu dự kiến 18.900 đồng/cổ phiếu cao hơn 29.0% so với mức đóng cửa phiên ngày 11/12/2019 dựa trên phương pháp EV/EBITDA với mức dự phóng 6 lần.

Thông tin đáng chú ý đối với PVD vừa qua đó là việc điều chỉnh giảm lỗ năm 2018 tới gần 60 tỷ đồng sau thanh tra thuế, điều này cũng giúp cổ phiếu PVD có những nhịp hồi phục. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVD tăng 300 đồng (+2%) từ mức giá 14.850 đồng/CP lên 15.150 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 171.400 đồng/cp

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 171.400 đồng/cp (+51.1% so với mức giá đóng cửa ngày 12/12/2019) cho mục tiêu cuối năm 2020 dựa trên 2 yếu tố (1) Lợi nhuận năm 2020 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao và (2) Điều chỉnh tăng số lượng cửa hàng bách hóa xanh và điện máy xanh mở mới sp dự báo trước đó của chúng tôi, (3) Giả định mức PE định giá 16.0 lần . Phương pháp định giá FCFF (50%) và PE (50%).

Mặc dù đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2020 khá cao, với lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 4.835 tỷ đồng, tăng 35% so với kế hoạch năm 2019, cùng nhận định tích cực của BSC nhưng phiên mất điểm khá mạnh ngày 18/12 đã khiến cổ phiếu MWG sụt giảm trong tuần qua.

Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên nhích nhẹ, 1 phiên giảm ngày 18/12 và 1 phiên đứng giá ngày 19/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG giảm 2.300 đồng (-2,04%) từ mức giá 113.000 đồng/CP xuống 110.700 đồng/CP.

* Theo BSC, cổ phiếu BVH có tiềm năng trở lại vùng giá 80

chỉ báo MACD đã xuất hiện Golden Cross xác nhận sự kết thúc chuỗi ngày không mấy tích cực của BVH. Tuy vậy, đường EMA12 vẫn nằm dưới EMA26 đồng thời cổ phiếu cũng gần tiếp cận vùng giá 75, ngưỡng kháng cự khá mạnh nên có thể xuất hiện sự điều chỉnh khi BVH chạm tới khu vực này. Nếu có thể duy trì đà hưng phấn và vượt qua được mốc cản trên, cổ phiếu có tiềm năng trở lại vùng giá trên 80 trong vài tuần tới.

Một trong những thông tin đáng chú ý và khá tích cực đối với Tập đoàn Bảo Việt chính là việc Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Sumitomo (Sumitomo Life) đã mua toàn bộ gần 41,44 triệu cổ phiếu do BVH phát hành thêm để nâng sở hữu tại Bảo Việt từ 17,48% lên 22,09%. Với mức giá mua vài 96.817 đồng/CP, Sumitomo Life đã chi khoảng 4.012 tỷ đồng, tương đương 173 triệu USD cho thương vụ này.

Diễn biến cổ phiếu BVH tuần qua có những phiên tăng giảm xen kẽ nhau nhưng với phiên khoác áo tím ngày đầu tuần 16/12 đã giúp cổ phiếu này tiếp tục có thêm 1 tuần khởi sắc. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BVH tăng 4.500 đồng (+6,62%) từ mức giá 68.000 đồng/CP lên 72.500 đồng/CP.

* Theo BSC, cổ phiếu BID đang tiến về vùng đỉnh lịch sử tại vùng giá 45

Chỉ báo MACD cũng như các đường EMA đã xuất hiện Golden Cross xác nhận sự bắt đầu của một xu hướng tăng mới. Bên cạnh đó, chỉ báo động lượng RSI cũng đang tăng dần trên mốc 50 và còn cách khá xa vùng quá mua nên dư địa tăng vẫn còn nhiều. Theo như chúng tôi đã nhận định trong báo cáo phân tích trước, BID đang trong quá trình tiến về vùng đỉnh lịch sử tại vùng giá 45 và dự kiến sẽ tiếp cận khu vực này trong vài tuần tới.

Cổ phiếu BID đã có tuần thứ 2 liên tiếp khởi sắc. Trong tuần qua, với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên đứng giá ngày đầu tuần 16/12 và 1 phiên giảm ngày 17/12. Tính chung, giá cổ phiếu BID tăng 850 đồng (+2,03%) từ mức giá 41.900 đồng/CP lên 42.750 đồng/CP. So với mức giá mục tiêu mà BSC đưa ra là 45.000 đồng/CP, giá hiện tại của BID còn thấp hơn 5%.

* KIS khuyến nghị tăng tỷ trọng, MBS khuyến nghị mua dành cho POW

KIS cho rằng, tuy thời tiết có nhiều diễn biến bất thường cũng như nguy cơ thiếu khí hiển hiện, áp lực tăng đối với tải điện cao điểm và giá nguyên liệu đầu vào thấp hơn là những điểm mua nổi bật của nhà máy nhiệt điện trong năm sau. Do đó, chúng tôi có triển vọng tích cực cho lĩnh vực này vào năm 2020. Khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu POW.

Bên cạnh đó, MBS khuyến nghị mua đối với POW với giá mục tiêu 12 tháng 15.600 đồng trên cơ sở (i) là DN phát điện độc lập lớn thứ 2 tại VN với thị phần phát điện là 12%, (ii) sở hữu hệ thống nhà máy nhiệt điện khí lớn, phù hợp với xu thế hạn chế sử dụng nhiệt điện than do các tác động đối với môi trường, và (iii) Nhà máy Cà Mau 1&2 hết khấu hao, cải thiện lợi nhuận của DN, trong khi đó (iv) ngành điện duy trì triển vọng khả quan trong bối cảnh nhu cầu điện gia tăng và giá điện trong nước còn thấp.

Việc được dự báo sẽ lọt rổ VN30 trong kỳ cơ cấu tháng 1/2020 đã khiến giới phân tích đánh giá tích cực vào triển vọng cổ phiếu POW. Tuy nhiên, trong tuần gần cuối cùng của năm 2019, cổ phiếu POW biến động khá giằng co với những phiên xanh đỏ xen kẽ. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá giữa tuần 18/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu POW không có biến động và vẫn giữ nguyên mức giá 13.250 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan cho GEX với giá mục tiêu là 22.600 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho GEX với giá mục tiêu là 22.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng đạt 14,1%, bao gồm lợi suất cổ tức 0%.

Trái với khuyến nghị từ VCSC, sau những phiên lình xình trong biên độ hẹp, cổ phiếu GEX đã lao mạnh trong phiên cuối tuần 20/12 bởi chịu thêm sức ép đến từ nhà đầu tư ngoại. Thống kê cả tuần, GEX đón nhận 1 phiên tăng nhẹ ngày đầu tuần 16/12, 1 phiên đứng giá ngày 18/12 và 3 phiên giảm. Tổng cộng, giá cổ phiếu GEX giảm 1.150 đồng (-5,82%) từ mức giá 19.750 đồng/CP xuống 18.600 đồng/CP.

T.T

Theo Đầu tư Chứng khoán

Từ khóa: