Trong khi dòng bank là tâm điểm thị trường với tần suất được nhắc đến trong khá nhiều phiên, thì nhóm cổ phiếu dầu khí lại diễn biến phân hóa, đáng chú ý, các mã được đưa ra khuyến nghị trong tuần qua đều giao dịch thiếu tích cực. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
* Theo BSC, cổ phiếu HTM có cơ hội lớn để thiết lập mức đỉnh lịch sử mới
Các chỉ báo kỹ thuật cũng đều đang ở trong trạng thái tích cực. Mặt khác, chỉ báo động lượng RSI đã đi vào vùng quá mua nhưng với đà hung phấn hiện tại thì chưa chắc đã xảy ra sự điều chỉnh trong ngắn hạn. Theo đánh giá của chúng tôi, HTM có cơ hội lớn để thiết lập mức đỉnh lịch sử mới và mục tiêu có thể hướng đến trong thời gian tới nằm tại vùng giá 25.
Theo Nghị quyết về việc sẽ chuyển nhượng cổ phần tại một số công ty con, vừa qua, Hapro đã hoàn tất việc bán ra gần 4,58 triệu cổ phiếu HAF của CTCP Thực phẩm Hà Nội với giá bình quân 21.000 đồng/CP, thu về hơn 96 tỷ đồng. Trước đó, cũng nằm trong chuỗi thoái vốn tại các công ty con, Hapro đã bán ra thành công 637.500 cổ phiếu TTJ của CTCP Thủy Tạ.
Với những thông tin thoái vốn, diễn biến cổ phiếu HTM giao dịch khởi sắc trong những phiên đầu năm 2020. Và trong tuần qua, với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm duy nhất ngày cuối tuần 10/1, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HTM tăng 2.000 đồng (+11,11%) từ mức giá 18.000 đồng/CP lên 20.000 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua cho POW với giá mục tiêu 16.300 đồng/CP
Chúng tôi cho rằng khả năng điều chỉnh tăng đến từ sản lượng điện cao hơn dự kiến tại nhà máy điện Vũng Áng sẽ bù đắp cho rủi ro giá CGM giảm nhẹ và sản lượng điện thấp hơn dự kiến tại nhà máy điện Nhơn Trạch 1. Điều này cho thấy không có thay đổi đáng kể cho dự báo lợi nhuận năm 2020 của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết. Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho POW với giá mục tiêu 16.300 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 54,4%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,8%).
Vừa qua, POW đã công bố tình hình kinh doanh 2019 với doanh thu hợp nhất ước đạt gần 35.900 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước trên 3.100 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch. Mặc dù kết quả kinh doanh khả quan đã giúp cổ phiếu POW hồi phục trong những phiên cuối tuần, nhưng chưa đủ để lấy lại thăng bằng trước những phiên giảm khá mạnh trước đó.
Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu POW giảm 600 đồng (-5,13%) từ mức giá 11.700 đồng/CP xuống 11.100 đồng/CP.
* Theo BSC, cổ phiếu NDN có thể quay lại kiểm tra vùng giá 13.5
Phiên giao dịch 8/1, các đường EMA đã tạo Death Cross đồng thời chỉ báo động lượng RSI chưa đi vào vùng quá bán cho thấy dư địa giảm vẫn còn. Ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của cổ phiếu nằm tại vùng giá xung quanh 15. Theo đánh giá của chúng tôi, nếu áp lực bán tiếp tục được duy trì, NDN có thể quay trở lại kiểm tra vùng giá 13.5 trong vài tháng tới.
Áp lực bán vẫn lớn khiến NDN có những phiên giảm khá sâu trong tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NDN giảm 1.200 đồng (-7,14%) từ mức giá 16.800 đồng/CP xuống 15.600 đồng/CP. Tuy nhiên, mức giá hiện tại còn cao hơn giá dự kiến mà BSC đưa ra 15,56%.
* MBS khuyến nghị nắm giữ cho cổ phiểu VJC với giá mục tiêu 156.300 đồng/CP
Chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị nắm giữ cho cổ phiểu VJC với giá mục tiêu 156.300 đồng/CP trên cơ sở (i) thị trường quốc tế là điểm tựa vững chắc cho VJC trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa, (ii) doanh thu phụ trợ tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ gia tăng của nhóm hành khách quốc tế và mức giá thấp hơn các đối thủ cùng phân khúc.
Trong đầu tuần qua, cổ phiếu VJC đã liên tiếp chịu áp lực bán ra và quay đầu giảm điểm. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng,1 phiên đứng giá và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VJC giảm 1.800 đồng (-1,22%) từ mức giá 148.000 đồng/CP xuống 146.200 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua cho CII với giá mục tiêu 26.800 đồng/CP
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho CII với giá mục tiêu 26.800 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 28,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 13,7%.
Tuần qua, CII đã phát đi thông báo lợi nhuận sau thuế hợp nhất (chưa trừ lợi thế thương mại) năm 2019 là 932 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch và Công ty đã thực hiện mua lại 40 triệu USD, tương đương gần 903 tỷ đồng. Thông tin tích cực trên đã phần nào hỗ trợ giúp CII duy trì đà tăng điểm trong tuần qua.
Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CII tăng 700 đồng (+3,03%) từ mức giá 23.100 đồng/CP lên 23.800 đồng/CP.
* Theo BSC, cổ phiếu MPC có thể tiếp cận lại khu vực trên 30
Các chỉ báo kỹ thuật cũng đang ở trong trạng thái tích cực. Bên cạnh đó, chỉ báo động lượng RSI chưa đi vào vùng quá mua cho thấy dư địa tăng vẫn còn. Ngưỡng kháng cự tiếp theo của cổ phiếu nằm tại vùng giá xung quanh 27.5. Theo đánh giá của chúng tôi, nếu đà hưng phấn hiện nay tiếp tục được duy trì, MPC có thể tiếp cận trở lại khu vực trên 30 trong trong năm nay.
Cổ phiếu MPC có tuần giao dịch khởi sắc và khá sôi động. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MPC tăng 1.400 đồng (+6,17%) từ mức giá 22.700 đồng/CP lên 24.100 đồng/CP. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu mà BSC đưa ra là 30.000 đồng/CP, thị giá hiện tại của MPC thấp hơn 19,67%.
* VCSC khuyến nghị khả quan cho BSR với giá mục tiêu 11.100 đồng/CP
Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị khả quan dành cho BSR với giá mục tiêu 11.100 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 34,7% (bao gồm lợi suất cổ tức 4,1%).
Trái với khuyến nghị của VCSC, cổ phiếu BSR chỉ duy trì đà tăng điểm trong phiên đầu tuần 6/1 và đã nhanh chóng đảo chiều giảm trong những phiên tiếp theo do áp lực bán gia tăng mạnh. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BSR giảm 400 đồng (-4,94%) từ mức giá 8.100 đồng/CP xuống 7.700 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua cho HSG với giá mục tiêu 10.000 đồng/CP
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho HSG với giá mục tiêu 10.000 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 24,7%, dựa theo giá chốt phiên giao dịch hôm nay. Tại giá chốt phiên hôm nay, HSG hiện được giao dịch tai P/E và P/B năm tài chính 2020 lần lượt là 10,3 lần và 0,6 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.
Tuần qua, HSG đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I niên độ 2019-2020 với lợi nhuận sau thuế ước đạt 170 tỷ đồng, tăng 180% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên diễn biến cổ phiếu HSG chưa mấy khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày cuối tuần 10/1, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HSG tăng 110 đồng (+1,38%) từ mức giá 7.980 đồng/CP lên 8.090 đồng/CP.
* BVSC khuyến nghị tích cực đối với TDM với giá mục tiêu 30.800 đồng/CP
BVSC khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu TDM với mức giá mục tiêu trong một năm là 30.800 đồng/CP (tiềm năng tăng giá 21,49% so với mức giá đóng cửa ngày 03/01/2020 là 25.350 đồng/CP).
Không được như kỳ vọng của BVSC, diễn biến cổ phiếu TDM tuần qua giằng co với những phiên tăng giảm đan xen. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày cuối tuần 10/1, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TDM tăng nhẹ 250 đồng (+0,99%) từ mức giá 25.350 đồng/CP lên 25.600 đồng/CP. So với mức giá mục tiêu là 30.800 đồng/CP, giá hiện tại của TDM còn thấp hơn 16,88%.
* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu PLX với giá mục tiêu 65.000 đồng/CP
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PLX với giá mục tiêu 12 tháng 65.000 đồng/CP.
Trái với khuyến nghị của MBS, cổ phiếu PLX đã có tuần giao dịch không mấy tích cực khi đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PLX giảm 1.400 đồng (-2,45%) từ mức giá 57.100 đồng/CP xuống 55.700 đồng/CP.
* Theo BSC, đà giảm giá trung hạn của PVD vẫn chưa thực sự kết thúc
Các chỉ báo kỹ thuật cũng chuyển sang trạng thái tích cực. Bên cạnh đó, chỉ báo RSI chưa đi vào vùng quá mua cho thấy dư địa tăng vẫn còn. Tuy nhiên, do các đường EMA chưa tạo Golden Cross nên chưa thể chắc rằng đợt tăng giá này là bền vững. Đồng thời, cổ phiếu cũng dần tiếp cận vùng kháng cự 16-17 nên áp lực chốt lời tại khu vực này là có thể xảy ra. Theo đánh giá của chúng tôi, đà giảm giá trung hạn của PVD vẫn chưa thực sự kết thúc và cơ hội mua thực sự chỉ đến khi cổ phiếu trở về vùng giá xung quanh 13.5.
Cũng thuộc nhóm cổ phiếu họ P, cổ phiếu PVD tuần qua đã đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên tăng và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVD giảm nhẹ 50 đồng (-0,33%) từ mức giá 15.200 đồng/CP xuống 15.150 đồng/CP.
* BSC khuyến nghị theo dõi cổ phiếu PVT với giá mục tiêu 20.200 đồng/CP
Chúng tôi duy trì khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu PVT với giá hợp lý cho năm 2020 là 20.200 đồng/cp (tăng 20,5% so với giá đóng cửa ngày 27/12), tương ứng P/E F 7x dựa trên quan điểm (1) hoạt động kinh doanh cốt lõi khó có sự đột biến và (2) kế hoạch đầu tư tàu mới kỳ vọng sẽ bắt đầu đóng góp tích cực vào lợi nhuận từ năm 2021.
Bên cạnh PLX và PVD giảm nhẹ, cổ phiếu cùng ngành PVT có diễn biến xấu hơn khi đón nhận tới 4 phiên giảm và chỉ 1 phiên tăng ngày đầu tuần 6/1. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVT giảm 700 đồng (-4,28%) từ mức giá 16.350 đồng/CP xuống 15.650 đồng/CP.
T.T
Theo Đầu tư Chứng khoán