Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có tuần giao dịch khởi sắc, hỗ trợ tốt cho đà tăng của thị trường. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
* PHS và SSI cùng khuyến nghị mua cổ phiếu VPB
PHS sử dụng phương pháp chiết khấu dòng thu nhập thặng dư, ước tính giá trị hợp lý đối với VPB là 27.577 đồng/CP. Đồng thời, đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB, tiềm năng tăng trưởng là 33,4%.
Tương tự, SSI khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu VPB. Ước tính và định giá của chúng tôi chưa tính đến bất kỳ tác động nào liên quan đến việc IPO của FeCredit trong tương lai gần.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là tâm điểm hỗ trợ cho đà tăng của thị trường. Trong đó, VPB cũng không ngoại trừ khi liên tiếp đón nhận 4 phiên giao dịch khởi sắc và chỉ mất điểm trong duy nhất phiên đầu tuần 13/1. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VPB tăng 850 đồng (+4,04%) từ mức giá 21.050 đồng/CP lên 21.900 đồng/CP.
* Theo BSC, có thể mở vị thế mua ACB tại vùng giá 23-23.5
Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimokum, cho thấy động lực tăng giá trung hạn đã hình thành.
Như vậy, nhà đầu tư có thể mở vị thế mua tại vùng giá 23-23.5, chốt lãi trung hạn tại ngưỡng giá 26.
Diễn biến cổ phiếu ACB cũng không nằm ngoài xu hướng chung của ngành. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACB tăng 1.100 đồng (+4,85%) từ mức giá 22.700 đồng/CP lên 23.800 đồng/CP.
* Theo BSC, cổ phiếu SHB có tiềm năng thiết lập một chu kỳ tăng dài hạn
Các chỉ báo kỹ thuật cũng đều đang ở trong trạng thái tích cực. Mặt khác, chỉ báo động lượng RSI đã đi vào vùng quá mua nhưng với đà hưng phấn hiện tại thì chưa chắc đã xảy ra sự điều chỉnh trong ngắn hạn.
Theo đánh giá của chúng tôi, SHB có thể trở lại vùng giá 8 trong thời gian tới và nếu vượt qua được mốc này thì cổ phiếu tiềm năng thiết lập một chu kỳ tăng dài hạn.
Mặc dù không còn giữ phong độ sau phiên tăng kịch trần cuối tuần trước (10/1) bởi tác động thông tin con Chủ tịch Đỗ Quang Hiển đăng ký mua vào 35,9 triệu cổ phiếu, nhưng SHB cũng không nằm ngoài xu hướng khởi sắc chung của dòng bank. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên đứng giá ngày 14/1 và 1 phiên giảm ngày 17/1, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SHB tăng 200 đồng (+2,81%) từ mức giá 7.100 đồng/CP lên 7.300 đồng/CP.
* PHS khuyến nghị mua cổ phiếu TNG với giá mục tiêu 18.400 đồng/CP
Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, ước tính mức giá hợp lý cho cổ phiếu TNG khoảng 18.400 đồng/cổ phiếu trong năm 2020 (tăng 19% so với giá hiện tại). Từ đó đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.
Vừa qua, TNG đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2019 với doanh thu thuần đạt hơn 1.044 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 57 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 14% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm, TNG ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 231 tỷ đồng, tăng trưởng 28% và vượt 11% mục tiêu. Tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu TNG tuần qua biến động khá giằng co.
Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 14/1, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TNG giảm 100 đồng (-0,64%) từ mức giá 15.700 đồng/CP xuống 15.600 đồng/CP.
* Theo BSC, có thể mở vị thế mua CVT tại vùng giá 20-21
Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, cho thấy động lực tăng giá trung hạn đã hình thành.
Như vậy, nhà đầu tư có thể mở vị thế mua tại vùng giá 20-21, chốt lãi trung hạn tại ngưỡng kháng cự cũ 24-25 trong các phiên giao dịch tới.
Mặc dù cổ phiếu CVT đã hồi phục sau tuần điều chỉnh nhẹ trước đó, nhưng diễn biến vẫn chưa được như kỳ vọng của BSC. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 1 phiên giảm và 2 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CVT tăng 450 đồng (+2,23%) từ mức giá 20.200 đồng/CP lên 20.650 đồng/CP.
* KIS khuyến nghị mua cổ phiếu HT1
Sử dụng EV/EBITDA trung bình là 4.5 và P/E là 9, chúng tôi định giá cổ phiếu HT1 ở mức 17.500 đồng vào cuối năm 2020. Bao gồm 1.200 đồng cổ tức tiền mặt trên mỗi cổ phiếu, tổng lợi nhuận dự kiến là 26.3% tại thị giá 14.800 đồng. Khuyến nghị mua cổ phiếu HT1.
Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HT1 tăng 400 đồng (+2,75%) từ mức giá 14.550 đồng/CP lên 14.950 đồng/CP. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu mà KIS đưa ra là 17.500 đồng/CP, thị giá hiện tại của HT1 còn thấp hơn 14,57%.
* Theo BSC, cổ phiếu CII có thể trở lại vùng giá 30-32
Các chỉ báo kỹ thuật cũng đều đang ở trong trạng thái tích cực. Mặt khác, chỉ báo động lượng RSI đã đi vào vùng quá mua và có thể xảy ra sự điều chỉnh trong ngắn hạn nhưng có lẽ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đà tăng của cổ phiếu. Theo đánh giá của chúng tôi, CII có thể trở lại vùng giá 30-32 trong thời gian tới trước khi có động lực cũng như thông tin cơ bản đủ mạnh để đưa cổ phiếu tiếp cận vùng giá lịch sử tại khu vực xung quanh 40.
Bên cạnh kết quả kinh doanh ước đạt khả quan, các chỉ báo kỹ thuật của CII cũng ở trạng thái tích cực, là những thông tin hỗ trợ giúp CII tiếp tục khởi sắc tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm nhẹ ngày đầu tuần và 1 phiên đứng giá ngày cuối tuần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CII tăng 2.200 đồng (+9,24%) từ mức giá 23.800 đồng/CP lên 26.000 đồng/CP.
* MBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu HDG
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu HDG với giá mục tiêu 36.000 đồng trên cơ sở (i) Sở hữu quỹ đất lớn, tạo tiền đề tăng trưởng mạnh mảng kinh doanh bất động sản, trong đó dự án Hado Charm Villas sẽ tạo nguồn thu lớn trong giai đoạn 2020-2021, (ii) các dự án năng lượng sạch đem lại nguồn thu ổn định cho doanh nghiệp, (iii) hoạt động M&A sẽ tác động tích cực đến việc mở rộng quỹ đất và các dự án năng lượng tái tạo.
Vừa qua, Hà Đô đã thông báo kết quả kinh doanh năm 2019 với lợi nhuận sau thuế ước đạt 950 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ và vượt 19% mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, Công ty cũng đưa ra kế hoạch năm 2020 lãi ròng 1.150 tỷ đồng, tăng trưởng 21%. Tuy vậy, diễn biến cổ phiếu HDG không đạt như kỳ vọng.
Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 16/1, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HDG tăng nhẹ 150 đồng (+0,5%) từ mức giá 29.800 đồng/CP lên 29.950 đồng/CP. So với mức giá mục tiêu mà MBS đưa ra là 36.000 đồng/CP, thị giá hiện tại của HDG còn thấp hơn 16,8%.
* VCSC khuyến nghị mua cho PLX với giá mục tiêu 68.600 đồng/CP
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho PLX với giá mục tiêu 68.600 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 28,1%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,4%). Theo giá chốt phiên hôm nay, PLX hiện được giao dịch với P/E 2020 là 15,5 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.
Tuần vừa qua, Petrolimex cũng đã công bố kết quả kinh doanh năm 2019 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.486 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước và vượt 4,5% kế hoạch đề ra. Thông tin tích cực này cũng không tác động nhiều tới diễn biến cổ phiếu PLX khi tuần qua đón nhận 3 phiên tăng nhẹ và 2 phiên giảm. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PLX tăng nhẹ 500 đồng (+0,9%) từ mức giá 55.700 đồng/CP lên 56.200 đồng/CP.
* Theo BSC, cổ phiếu VHM nhiều khả năng sẽ kiểm tra lại ngưỡng kháng cự 92
Chỉ báo và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã cắt lại dải mây Ichimokum, cho thấy động lực tăng giá trung hạn đang hình thành.
Như vậy, VHM nhiều khả năng sẽ kiểm tra lại ngưỡng kháng cự 92 trong các phiên giao dịch tới. Nếu thanh khoản tiếp tục đồng thuận với đà tăng, cổ phiếu có thể trở lại mốc 95.
Mặc dù không được như kỳ vọng của BSC nhưng VHM đã lấy lại đà tăng nhẹ trong tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng, 2 phiên giảm nhẹ và 2 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VHM tăng 1.500 đồng (+1,78%) từ mức giá 84.500 đồng/CP lên 86.000 đồng/CP. So với mức giá mục tiêu mà BSC đưa ra là 92.000 đồng/CP, thị giá hiện tại của VHM còn thấp hơn 6,52%.
* TVSI khuyến nghị mua cổ phiếu NLG
Cập nhật phương pháp RNAV, chúng tôi tăng giá mục tiêu của thêm 5,5% lên mức 37.550 VND/CP, cao hơn 39% so với giá tham chiếu tại ngày 06/01/2020, đồng thời khuyến nghị mua cổ phiếu NLG.
Sau tuần giảm điểm đầu tháng, cổ phiếu NLG đã có những phiên giao dịch khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NLG tăng 700 đồng (+2,66%) từ mức giá 26.300 đồng/CP lên 27.000 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho PC1 với giá mục tiêu 26.100 đồng/CP
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho PC1 với giá mục tiêu 26.100 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 47,5%.
Mặc dù đón nhận 4 phiên khởi sắc nhưng phiên điều chỉnh giữa tuần (15/1) đã lấy đi toàn bộ thành quả mà PC1 vừa tạo lập. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PC1 giảm 100 đồng (-0,56%) từ mức giá 17.700 đồng/CP xuống 17.600 đồng/CP.
T.T
Theo Đầu tư Chứng khoán