Sự kiện hot
5 năm trước

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Bên cạnh diễn biến thị trường giao dịch lình xình giằng co, hầu hết các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị trong tuần thứ 2 của tháng 2 cũng chỉ biến động nhẹ. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* Theo BSC, cổ phiếu CSV tiềm năng sẽ tiếp cận trở lại vùng giá 24-25

Các chỉ báo kỹ thuật hiện đều ở trong trạng thái tích cực. Chỉ báo RSI đang tăng dần trên mốc 50 nhưng chưa đi vào vùng quá mua cho thấy dư địa tăng ngắn hạn vẫn còn. Ngưỡng kháng cự gần nhất của cổ phiếu nằm tại khu vực xung quanh 23. Theo đánh giá của chúng tôi, CSV tiềm năng sẽ tiếp cận trở lại vùng giá 24-25 trong vài tuần nữa.

Mặc dù các chỉ báo kỹ thuật hiện đang ở trạng thái tích cực nhưng sau khi đã vượt qua vùng tích lũy 20.000-22.000 đồng/CP trong khoảng 4 tháng, cổ phiếu CSV đã thu hẹp biên độ tăng trong những phiên cuối tuần. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm ngày đâì tuần 10/2 và 1 phiên đứng giá ngày 13/2, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CSV tăng 1.200 đồng (+5,71%) từ mức giá 21.000 đồng/CP lên 22.200 đồng/CP.

* MBS và KIS cùng khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PC1

MBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PC1 của CTCP Xây lắp điện 1 với giá mục tiêu 22.200 đồng dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFE trên cơ sở (i) PC1 là doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực xây lắp công trình điện, (ii) hoạt động xây lắp khả quan với giá trị backlog lớn, đảm bảo nguồn thu trong 2020, (iii) doanh thu mảng phát điện tăng trưởng khá nhờ các nhà máy mới, và (iv) các dự án bất động sản ghi nhận nguồn thu lớn trong năm 2020.

Còn theo KIS, nhờ hoạt động của 3 nhà máy điện mới và dự án Thanh Xuân, PCC1 sẽ có kết quả kinh doanh 2020 tích cực. Sử dụng phương pháp Tổng từng phần, chúng tôi định giá cổ phiếu PC1 ở mức 23.100 đồng vào cuối năm 2020, tổng lợi nhuận dự kiến là 54%. Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu PC1.

Triển vọng kinh doanh năm 2020 khả quan với mảng sản xuất điện tăng trưởng tốt sẽ giúp cải thiện chất lượng lợi nhuận, cùng hoạt động của 3 nhà máy điện mới và dự án Thanh Xuân, nhưng những thông tin tích cực trên chỉ đủ giúp PC1 tăng trần trong duy nhất phiên 12/2.

Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng, 1 phiên đứng giá và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PC1 tăng nhẹ 400 đồng (+2,64%) từ mức giá 15.150 đồng/CP lên 15.550 đồng/CP. So với mức giá mục tiêu mà MBS đưa ra là 22.200 đồng/CP, giá hiện tại của PC1 còn thấp hơn gân 30%.

* Theo BSC, cổ phiếu POW tiềm năng sẽ tiếp cận trở lại vùng giá 11.5-12, PSI khuyến nghị mua

Theo đánh giá của BSC, POW tiềm năng sẽ tiếp cận trở lại vùng giá 11.5-12 và sau đó tích lũy đi ngang tại vùng này trước khi thiết lập một xu hướng đủ mạnh trong tương lai.

Trong khi đó, PSI cho rằng tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của POW sẽ duy trì ở mức ổn định từ 4-6% trong 2 năm tới, sau đó mức tăng trưởng sẽ tăng lên 2 con số sau khi dự án nhà máy điện 3&4 đi vào hoạt động (dự kiến sẽ phát điện vào cuối năm 2023).

Mặc dù kết quả kinh doanh năm 2019 khả quan và kế hoạch 2020 dự kiến tăng trưởng ổn định, cùng những phân tích kỹ thuật khá tốt, nhưng diễn biến cổ phiếu POW tuần qua không được như kỳ vọng.

Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 13/2, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu POW tăng nhẹ 490 đồng (+4,94%) từ mức giá 9.910 đồng/CP lên 10.400 đồng/CP.

* Theo BSC, cổ phiếu VGI đủ khả năng để vượt qua ngưỡng 28

Các chỉ báo kỹ thuật hiện đều đang ở trong trạng thái tích cực. Các đường EMA vừa xuất hiện Golden Cross càng làm củng cố thêm cho trạng thái tích cực của cổ phiếu. Bên cạnh đó, chỉ báo RSI cũng chưa đi vào vùng quá mua cho thấy dư địa tăng ngắn hạn vẫn còn.

Theo đánh giá của chúng tôi, VGI hoàn toàn có đủ khả năng để vượt qua ngưỡng kháng cự gần nhất tại giá 28 để hướng về mục tiêu trung hạn ở xung quanh mốc 33.

Nhận định của BSC chuẩn xác khi tuần qua, cổ phiếu VGI đã giao dịch khá khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm nhẹ ngày đầu tuần 10/2, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VGI tăng 2.700 đồng (+10,55%) từ mức giá 25.600 đồng/CP lên 28.300 đồng/CP.

* Theo BSC, cổ phiếu DGW có đủ khả năng để vượt qua vùng cản tâm lý 29, PHS và MBS khuyến nghị tích cực

Theo đánh giá của BSC, DGW hoàn toàn có đủ khả năng để vượt qua vùng cản tâm lý tại giá 29 để hướng về khu vực trên 30.

Bên cạnh đó, bằng phương pháp định giá DCF và P/E, PHS ước tính mức giá hợp lý cho cổ phiếu DGW vào khoảng 31.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn +16% so với giá hiện tại. Từ đó đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.

Còn MBS cho rằng triển vọng 2020 của DGW sẽ tiếp tục duy trì tích cực trên cơ sở (i) mảng kinh doanh điện thoại di động kỳ vọng tăng trưởng khá nhờ đóng góp từ Xiaomi và Nokia, (ii) mảng kinh doanh máy tính xách tay và máy tính bảng và thiết bị văn phòng duy trì nguồn thu ổn định cho doanh nghiệp, và (iii) mảng FMCG mặc dù đóng góp nhỏ trong cơ cấu doanh thu nhưng dự kiến sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ hợp đồng mới ký với Nestlé.

Sau khi công bố kết quả kinh doanh năm 2019 tăng trưởng mạnh hơn 40% cả doanh thu và lợi nhuận, Digiworld tiếp tục lên kế hoạch năm 2020 với tham vọng doanh thu vượt 10.000 tỷ đồng. Và diễn biến cổ phiếu DGW đã có chuỗi ngày tăng khá tốt sau khi mất giá trong những phiên khai Xuân Canh Tý.

Thống kê với việc đón nhận 5 phiên tăng liên tiếp, trong đó phiên đầu tuần 10/2 tăng trần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DGW tăng 3.050 đồng (+12,25%) từ mức giá 24.900 đồng/CP lên 27.950 đồng/CP.

* ACBS khuyến nghị mua cổ phiếu HPG

Chúng tôi lập lại khuyến nghị mua cho mã cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát dựa trên khả năng mở rộng thị phần của doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thị trường thép Việt Nam cũng như việc đưa vào vận hành dự án Dung Quất giai đoạn 2 trong năm 2020.

Bên cạnh thông tin dự án Dung Quất giai đoạn 2 dự kiến đưa vào hoạt động 2 lò cao còn lại và dây chuyền đúc cán thép dẹt (HRC) vào hoạt động trong quý II/2020, vừa qua, HĐQT Công ty đã thống nhất chủ trương điều chỉnh giai đoạn mở rộng với tổng vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu HPG tuần thứ 2 của tháng 2 vẫn tiếp tục để mất điểm.

Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng nhẹ ngày 12/2, 2 phiên đứng giá và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HPG giảm 650 đồng (-2,67%) từ mức giá 24.350 đồng/CP xuống 23.7 đồng/CP.

* Theo BSC, cổ phiếu STB chưa hoàn toàn thoát khỏi xu hướng giảm

Theo đánh giá của chúng tôi, STB vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi xu hướng giảm từ đầu năm 2018 đến nay và cần theo dõi thêm trong vài tuần nữa mới thực sự chắc chắn cổ phiếu đã đảo chiều.

Dòng bank tuần qua giao dịch phân hóa hóa nhẹ khi một số mã lớn quay đầu điều chỉnh trong khi một số cổ phiếu top trung có diễn biến tích cực hơn. Trong đó, cổ phiếu STB giao dịch tích cực khi đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu STB tăng 450 đồng (+4,04%) từ mức giá 11.150 đồng/CP lên 11.600 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu CTG

Chúng tôi duy trì khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG).

Trái với khuyến nghị của VCSC, với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CTG giảm nhẹ 100 đồng (+0,37%) từ mức giá 26.900 đồng/CP xuống 26.800 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu HT1 với giá mục tiêu 18.900 đồng/CP

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Xi măng VICEM Hà Tiên 1 (HT1) và duy trì giá mục tiêu 18.900 đồng/CP. Chúng tôi nhìn chung không thay đổi dự báo lợi nhuận dù kết quả kinh doanh quý IV/2019 tích cực hơn dự kiến vì chúng tôi thận trọng trước bối cảnh hoạt động xây dựng trong nước diễn biến chậm trong quý 1/2020 do dịch virus corona bùng phát.

Diễn biến cổ phiếu HT1 không được như kỳ vọng khi cổ phiếu này vẫn duy trì trạng thái lình xình quanh mức giá 14. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng, 1 phiên giảm và 3 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HT1 giảm nhẹ 50 đồng (+0,35%) từ mức giá 14.450 đồng/CP xuống 14.400 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu SCS với giá mục tiêu 171.600 đồng/CP

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) và giảm giá mục tiêu 8% lên 171.600 đồng/CP khi chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020/2021/2022 lần lượt 7,0%/3,8%/4,3% chủ yếu phản ảnh bởi tác động tiêu cực từ bùng phát dịch virus corona.

Sau tuần giảm sâu đầu tháng 2, cổ phiếu SCS dường như đã đứng yên trong tuần tiếp theo. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên đứng giá, 1 phiên tăng nhẹ và 1 phiên giảm nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SCS không có biến động và giữ nguyên mức giá 118.000 đồng/CP.

T.T

Theo Đầu tư Chứng khoán

Từ khóa: