Bên cạnh thị trường lao dốc mạnh khi chỉ số VN-Index để mất tới gần 51 điểm, hầu hết các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị đều giảm giá. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
* BSC và PHS cùng khuyến nghị mua cổ phiếu MWG
BSC duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 171.100 đồng/CP (+61,1% so với mức giá đóng cửa ngày 24/02/2020) dựa trên hai phương pháp định giá FCFF (50%) và PE (50%). Giả định mức PE định giá 16.0 lần
Bên cạnh đó, bằng phương pháp định giá DCF và P/E, mức giá hợp lý cho cổ phiếu MWG được điều chỉnh xuống còn 128.200 đồng/cổ phiếu (+20% so với giá hiện tại), PHS cũng đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.
Mặc dù được đánh giá và phân tích khá tích cực nhưng diễn biến cổ phiếu MWG tuần qua cũng không nằm ngoài vòng xoáy mất điểm bởi nỗi lo ngại đại dịch Covid-19 lan rộng. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG giảm 4.100 đồng (-3,7%) từ mức giá 110.600 đồng/CP xuống 106.500 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu ACB, HDB, MBB; khả quan dành cho TCB với giá mục tiêu 32.800 đồng/CP
Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 3,8% lên 32.800 đồng/CP và giữ khuyến nghị mua dành cho Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) do mức tăng trung bình 4,7% trong dự báo lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2020-2024.
Đồng thời, nâng khuyến nghị của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDB) từ phù hợp thị trường lên mua và nâng giá mục tiêu thêm 18% khi chúng tôi nâng dự phóng thu nhập ròng trong giai đoạn 2020-2024 thêm 23%.
Bên cạnh đó, VCSC hiện đang có khuyến nghị mua dành cho MBB với giá mục tiêu 32.100 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 57,2% dựa theo giá đóng cửa hôm nay, bao gồm lợi suất cổ tức 2,9%.
Ngoài ra, chúng tôi có khuyến nghị khả quan dành cho TCB với giá mục tiêu 27.400 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 18,6%, dựa theo giá đóng cửa hôm nay.
Mặc dù vẫn có những nhịp hồi nhẹ nhưng áp lực bán khá lớn khiến thị trường nói chung và nhóm cổ phiếu vua nói riêng vẫn giảm khá sâu trong tuần lao dốc vừa qua. Trong đó, các mã ACB, HDB, MBB và TCB cũng không ngoại trừ.
Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACB giảm 500 đồng (-1,95%) từ mức giá 25.700 đồng/CP xuống 25.200 đồng/CP.
Tương tự, HDB cũng có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HDB giảm 600 đồng (-2,11%) từ mức giá 28.400 đồng/CP xuống 27.800 đồng/CP. Cổ phiếu MBB cũng có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng cả tuần giảm 800 đồng (-3,77%) từ mức giá 21.200 đồng/CP xuống 20.400 đồng/CP.
Trong khi đó, với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, trong đó phiên đầu tuần 24/2 giảm sàn, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TCB giảm 850 đồng (-3,68%) từ mức giá 23.100 đồng/CP xuống 22.250 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu CII với giá mục tiêu 27.200 đồng/CP
Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) và nâng giá mục tiêu thêm 1,5% lên 27.200 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 36,3% (bao gồm lợi suất cổ tức 14,3% từ cổ tức năm 2019 là 3.200 đồng/CP). Chúng tôi lưu ý rằng chúng tôi dự báo lợi suất cổ tức 2020/2021 dự phóng sẽ giảm còn 7,1%.
Trái với khuyến nghị của VCSC, cổ phiếu CII tuần qua giao dịch không mấy tích cực khi đón nhận tới 4 phiên giảm và chỉ hồi nhẹ trong phiên 27/2. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CII giảm 1.800 đồng (-7,73%) từ mức giá 23.300 đồng/CP xuống 21.500 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu KDH với giá mục tiêu 31.500 đồng/CP
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) và giảm 2% giá mục tiêu xuống mức 31.500 đồng/CP chủ yếu do số dư tiền mặt ròng thấp hơn tại thời điểm cuối năm 2019.
Sau tuần giao dịch biến động hẹp và hầu hết đều đứng giá tham chiếu, cổ phiếu KDH đã giằng co mạnh trong tuần cuối cùng của tháng 2. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, cổ phiếu KDH không có biến động về giá và vẫn giữ nguyên tại mức 24.550 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu PLX
Chúng tôi giữ khuyến nghị mua trong khi giảm giá mục tiêu thêm 4% khi giảm lợi nhuận dự phóng năm 2020 xuống 6% do những tác động ngắn hạn từ dịch virus corona đến mảng đến dầu nhiên liệu máy bay. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng tác động tiêu cực đến dầu nhiên liệu máy bay sẽ giảm trước cuối quý 2/2020, do đó duy trì lợi nhuận dự phóng giai đoạn 2021-2024.
Mặc dù trong những phiên cuối tuần, cổ phiếu PLX giao dịch khá tích cực, đáng kể là phiên đi ngược thị trường trong ngày cuối tuần 28/2, nhưng không đủ giúp cổ phiếu này lấy lại thăng bằng trước những nhịp giảm khá sâu trước đó.
Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PLX giảm 1.200 đồng (-2,27%) từ mức giá 52.800 đồng/CP xuống 51.600 đồng/CP.
* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu BSR với giá mục tiêu 11.650 đồng/CP
CTCK MB (MBS)
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu BSR với giá mục tiêu 12 tháng 11.650 đồng. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 13,2 lần (theo EPS dự phóng 2020 khoảng 884 đồng).
Nỗ lực hồi phục trong những phiên giữa tuần không đủ giúp BSR thoát khỏi tuần điều chỉnh sau nhịp giảm khá sâu ngày đầu tuần 24/2. Cụ thể, với việc đón nhận 1 phiên giảm, 2 phiên tăng và 2 phiên đứng gián, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu BSR giảm 300 đồng (-3,9%) từ mức giá 7.700 đồng/CP xuống 7.400 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho TDM với giá mục tiêu 30.900 đồng/CP
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho TDM với giá mục tiêu 30.900 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 42,2%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,9%).
Một trong những thông tin giúp TDM giữ được nhịp tăng nhẹ trong tuần cuối cùng của tháng 2, trái ngược với đà giảm sâu của thị trường, đó là việc lên kế hoạch kinh doanh năm 2020 đã được HĐQT Công ty thông qua và sẽ trình lên ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 5/3 tới đây, với mục tiêu lợi nhuận đề ta tăng trưởng trên 20%, dự kiến đạt 417 tỷ đồng và tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 12%.
Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TDM tăng 150 đồng (+0,67%) từ mức giá 22.450 đồng/CP lên 22.600 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu POW
Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho Tổng công ty Điện Lực Dầu Khí Việt Nam (POW) khi chúng tôi giả định tác động tích cực từ sản lượng cam kết cao hơn sẽ giúp bù đắp cho tác động tiêu cực từ mức giảm mạnh sản lượng tại nhà máy Nhơn Trạch 1 (NT1).
Trái với khuyến nghị của VCSC, tuần qua cổ phiếu POW giao dịch khá tiêu cực khi đón nhận 4 phiên giảm và chỉ 1 phiên tăng ngày 26/2, trong đó phiên đầu tuần 24/2 giảm sàn. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu POW giảm 900 đồng (-8,37%) từ mức giá 10.750 đồng/CP xuống 9.850 đồng/CP.
* Theo BSC, cổ phiếu NKG có tiềm năng trở lại đỉnh cũ tại mệnh giá 10
Các chỉ báo kỹ thuật hiện vẫn đang nghiêng về chiều hướng tích cực. Hôm nay 24/2, chỉ báo MACD đã xuất hiện Golden Cross báo hiệu sự tiếp tục chu kỳ tăng giá sau giai đoạn điều chỉnh sau Tết Nguyên Đán. Đường EMA12 vẫn đang ở trên EMA26 tạo thành một dải hỗ trợ mềm nâng đỡ giá cổ phiếu.
Theo đánh giá của chúng tôi, NKG tiềm năng trở lại đỉnh cũ tại mệnh giá 10 và có thể vượt được mốc này để tiến tới khu vực cao hơn.
Trái với nhận định của BSC, cổ phiếu NKG cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường khi đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 1 phiên hồi nhẹ. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NKG giảm 510 đồng (-5,8%) từ mức giá 8.800 đồng/CP xuống 8.290 đồng/CP.
* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 70.300 đồng/CP
Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị mua cổ phiếu FPT với giá mục tiêu mới là 70.300 đồng/CP (giảm 6.6% so với giá mục tiêu cũ) dựa trên phương pháp PE/FCFF với tỷ lệ 40/60 (PE fw =13) do (1) kết quả kinh doanh 2019 thấp hơn dự phóng ban đầu (doanh thu và lợi nhuận trước thuế thấp hơn lần lượt 1.9% và 4.1%) (2) hạ dự phóng kinh doanh năm 2020 (doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2020 BSC dự báo tăng trưởng 19.9% và 20.0%)
Mặc dù biên độ tăng khá hẹp nhưng FPT là một trong số ít mã thuộc nhóm VN30 giữ được nhịp tăng trong tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT tăng 400 đồng (+0,73%) từ mức giá 54.700 đồng/CP lên 55.100 đồng/CP.
* BSC khuyến nghị theo dõi cổ phiếu VHC, ACBS khuyến nghị nắm giữ
BSC hạ khuyến nghị từ mua xuống theo dõi đối với cổ phiếu VHC và điều chỉnh giá mục tiêu đối với cổ phiếu sau khi chia cổ tức là 35.000 đồng/cổ phiếu do (1) Kết quả kinh doanh 2019 thấp hơn so với dự phóng (2) Điều chỉnh giám dự phóng cho năm 2020 (đã tính ảnh hưởng của dịch nCoV) (giảm 23% dự phóng doanh thu và 2.8 điểm phần trăm biên lợi nhuận thuần)
Bên cạnh đó, ACBS hạ khuyến nghị đối với cp VHC từ mua xuống giữ với giá mục tiêu 30.500 đ/cp (-8,6% TSR) dựa trên trung bình 2 phương pháp DCF và PE.
Nhóm cổ phiếu thủy sản cũng là một trong những ngành chịu tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19, trong đó VHC không ngoại trừ. Tuần qua, cổ phiếu VHC diễn biến tiêu cực khi đón nhận cả 5 phiên mất điểm, trong đó phiên đầu tuần 24/2 giảm sàn. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VHC giảm 4.100 đồng (-11,93%) từ mức giá 35.200 đồng/CP xuống 31.000 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho KBC với giá mục tiêu 17.500 đồng/CP
Chúng tôi giữ khuyến nghị khả quan cho Tổng CT Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) trong khi tăng nhẹ 3% giá mục tiêu theo phương pháp giá trị tài sản ròng, đạt 17.500 đồng, chủ yếu nhằm phản ánh giá bán đất trung bình giả định cao hơn của khu đô thị Tràng Duệ và bán đất khu công nghiệp tăng tốc trong giai đoạn 2020-2022. Diễn biến này phần nào bị ảnh hưởng bởi điều chỉnh tổng diện tích của khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh còn 300 ha từ 432 ha.
Dù được nhận định có mức tăng trưởng khá tốt trong năm 2020 nhưng KBC cũng không thoát khỏi tuần mất điểm trong bối cảnh thị trường chung giảm sâu. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu KBC giảm 1.000 đồng (-6,67%) từ mức giá 15.000 đồng/CP lên 14.000 đồng/CP.
T.T
Theo Đầu tư Chứng khoán