Sự kiện hot
5 năm trước

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Bên cạnh thị trường duy trì đà tăng khá tốt trong tuần đầu tiên của tháng 6, phần lớn các cổ phiếu đưa đưa ra khuyến nghị cũng đã giao dịch khởi sắc, điển hình các mã DGC, DGW có mức tăng hơn 10%. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* BSC khuyến nghị theo dõi cổ phiếu DGC với giá mục tiêu là 43.200 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị theo dõi cổ phiếu DGC với giá mục tiêu là 43.200 đồng/cổ phiếu – tương đương với upside là 11% dựa trên hai phương pháp FCFF và P/E với tỷ lệ 60/40. Tuy DGC được nhiều yếu tố hỗ trợ trong năm 2020, giá cổ phiếu đã tăng nhanh trong thời gian gần đây khiến upside không còn quá hấp dẫn. 

Bên cạnh những kế hoạch khá tích cực đề ra trong năm 2020 như mục tiêu lợi nhuận 700 tỷ đồng, tăng trưởng 22%, thậm chí Chủ tịch công ty còn đưa ra mức dự kiến có thể đạt 1.000 tỷ đồng, cùng dự kiến sẽ chuyển sang sàn HOSE, mới đây, HĐQT DGC cũng đã ra thông báo về việc trả cổ tức bằng tiền mặt còn lại năm 2019 với tỷ lệ 5%, đã tiếp tục dẫn bước cho đà tăng mạnh của cổ phiếu DGC.

Mặc dù không bảo toàn sắc xanh xuyên suốt như tuần cuối tháng 5 nhưng tuần qua DGC cũng khởi sắc với 3 phiên tăng khá tốt và 2 phiên điều chỉnh nhẹ. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DGC tăng 4.700 đồng (+12,77%) từ mức giá 36.800 đồng/CP lên 41.500 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị theo dõi, còn VCSC khuyến nghị khả quan dành cho MSN

BSC khuyến nghị theo dõi cổ phiếu MSN với giá mục tiêu là 70.821 đồng/CP dựa theo phương pháp tổng giá trị từng phần. Giá mục tiêu này thấp hơn 14.4% so với giá mục tiêu cũ 82.770 đồng/CP do điều chỉnh của việc sát nhập VinCommerce.

Bên cạnh đó, VCSC điều chỉnh khuyến nghị của CTCP Tập đoàn Masan (MSN) từ mua thành khả quan sau khi giá cổ phiếu đã tăng 29% trong 3 tháng qua. Chúng tôi tiếp tục đánh giá tích cực sự tham gia của MSN trong câu chuyện tăng trưởng ngành tiêu dùng của Việt Nam nhờ các mảng kinh doanh hàng tiêu dùng đa dạng.

Không có thêm thông tin tích cực, cổ phiếu MSN vẫn duy trì trạng thái lình xình với mức biến động lên xuống nhẹ quanh vùng giá tham chiếu trong tuần đầu tháng 6. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MSN tăng nhẹ 300 đồng (+0,48%) từ mức giá 62.700 đồng/CP lên 63.000 đồng/CP.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của DGW tại xung quanh ngưỡng 35

Chỉ báo động lượng RSI đang tiệm cận vùng quá mua nên cổ phiếu có thể sẽ có sự điều chỉnh trong ngắn hạn. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của DGW nằm tại mốc 27. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh ngưỡng 35, cắt lỗ nếu mốc 25 bị xuyên thủng.

Sau những tuần biến động khá nhẹ trong tháng 5, thông tin tích cực từ việc báo lãi kỷ lục 44,8 tỷ đồng trong quý I cùng kế hoạch tăng trưởng trong năm 2020 đã bắt đầu có “tác dụng”. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, trong đó có 2 phiên tăng trần, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DGW tăng 3.900 đồng (+14,44%) từ mức giá 27.000 đồng/CP lên 30.900 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho HSG và HPG

Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu HSG với giá mục tiêu 12.400 đồng/CP cho niên độ tài chính 2019/20 dựa trên phương pháp định giá so sánh P/E (P/E mục tiêu là 8 lần). Tại giá mục tiêu này của BSC, HSG đang được giao dịch dưới giá trị sổ sách (P/B fw = 0.94 lần).

Đồng thời, khuyến nghị mua cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát với giá mục tiêu năm 2021 là 36.730 đồng dựa trên phương pháp định giá so sánh (PE và EV/EBITDA với tỷ trọng 50-50). Vị thế dẫn đầu của Hòa Phát sẽ được củng cố mạnh mẽ trong năm 2021.

Mặc dù chủ yếu diễn biến giằng co với những phiên tăng giảm dưới vùng giá 10.000 đồng/CP, nhưng phiên nổi sóng ngày cuối tuần 5/6, đã giúp HSG ghi nhận 1 tuần giao dịch khá thành công. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, giá cổ phiếu HSG tăng 630 đồng (+6,32%) từ mức giá 9.970 đồng/CP lên 10.600 đồng/CP.

Trong khi đó, cổ phiếu HPG không được như kỳ vọng. Với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HPG giảm 350 đồng (-1,28%) từ mức giá 27.400 đồng/CP xuống 27.050 đồng/CP.

* Theo BSC, cổ phiếu PVS sẽ kiểm tra lại ngưỡng kháng cự 18

Chỉ báo RSI ủng hộ nhịp tăng giá trong khi chỉ báo MACD đang báo hiệu xu hướng khởi đầu của vùng giá giao dịch. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành. Như vậy, PVS có thể sẽ kiểm tra lại ngưỡng kháng cự 18.0 trong các phiên giao dịch tới.

Không nằm ngoài nhận định của BSC, cổ phiếu PVS đã có tuần giao dịch khởi sắc cùng thanh khoản sôi động. Với việc đón nhận 4 phiên tăng và duy nhất 1 phiên giảm ngày 4/6, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVS tăng 8000 đồng (+6,35%) từ mức giá 12.600 đồng/CP lên 13.400 đồng/CP. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu mà BSC đưa ra là 18., thì thị giá hiện tại vẫn còn thấp hơn 25%.

* VCSC khuyến nghị khả quan cho PLX với giá mục tiêu 51.100 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho PLX với giá mục tiêu 51.100 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 13,0%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,6%.

Đi ngược xu hướng chung trong thời gian vừa qua của các doanh nghiệp, Petrolimex vừa phê duyệt phương án bán tiếp 15 triệu cổ phiếu quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh và đầu tư phát triển. Cổ phiếu PLX chủ yếu giữ sắc xanh trong tuần qua nhưng với biên độ không quá lớn.

Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên điều chỉnh nhẹ ngày cuối tuần 5/6, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PLX tăng 850 đồng (+1,84%) từ mức giá 46.150 đồng/CP lên 47.000 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu PC1

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Xây lắp điện 1 (PC1) khi nhận thấy định giá của công ty là hấp dẫn tại P/E dự phóng năm 2020 là 6,7 lần và P/B là 0,6 lần so với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) dự phóng giai đoạn 2019-2024 của chúng tôi là 13% (tăng từ mức 5% trong dự báo trước đây của chúng tôi) nhờ kế hoạch mở rộng đáng kể công suất điện gió.

Trong tuần qua, PC1 đã tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên và thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt tăng trưởng 20% và 25% so với kết quả đạt được năm 2019, tương ứng đạt 7.001 tỷ đồng và 469 tỷ đồng.

Diễn biến cổ phiếu PC1 tiếp tục có thêm một tuần tăng nhẹ sau nhịp hồi nhẹ trong những tuần gần đây. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PC1 tăng 800 đồng (+4,62%) từ mức giá 17.300 đồng/CP lên 18.100 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị mua dành cho VNM với giá mục tiêu 137.000 đồng/CP

Chúng tôi ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VNM lần lượt khoảng 60.561 tỷ đồng (tăng 8% so với năm ngoái) và 10.551 tỷ đồng (giảm 0,1%). Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, ước tính mức giá hợp lý cho cổ phiếu VNM khoảng 137.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2020 (+16% so với giá hiện tại). Từ đó đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.

Không có sự bứt phá mạnh nhưng “ông lớn” VNM vẫn là một trong những trụ chính giúp thị trường bảo toàn đà tăng nhẹ trong những phiên đầu tháng 6. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VNM tăng 4.200 đồng (+3,65%) từ mức giá 115.000 đồng/CP lên 119.200 đồng/CP.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của SJS xung quanh ngưỡng 27

Các chỉ báo xu hướng hầu hết đều đang ủng hộ cho trạng thái tích cực của SJS. Chỉ báo động lượng RSI đang ở trong vùng quá mua nên cổ phiếu có thể sẽ có sự điều chỉnh trong ngắn hạn. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của SJS nằm tại mốc 20.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh ngưỡng 27, cắt lỗ nếu mốc 19.5 bị xuyên thủng.

Sau đợt tăng khá mạnh từ cuối tháng 5, trong tuần qua, SJS đã gặp áp lực chốt lời và đón nhận những phiên điều chỉnh. Tuy nhiên, với nhịp tăng mạnh trong những phiên đầu tuần, nhà đầu tư vẫn kiếm lời khá tốt từ cổ phiếu SJS trong tuần qua.

Thống kê với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SJS tăng 2.000 đồng (+8,89%) từ mức giá 22.500 đồng/CP lên 24.500 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua cho BMI, khuyến nghị khả quan BVH

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho BMI với giá mục tiêu 26.800 đồng, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 27,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,6%, theo giá đóng cửa hôm nay.

Đồng thời, điều chỉnh khuyến nghị của Tập đoàn Bảo Việt (BVH) từ mua thành khả quan trong khi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 16,5% còn 58.000 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu bảo hiểm tuần qua giao dịch khá lặng sóng. Trong đó, BMI có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BMI giảm nhẹ 250 đồng (-1,15%) từ mức giá 21.750 đồng/CP xuống 21.500 đồng/CP.

Trong khi đó, với việc đón nhận 1 phiên tăng duy nhất ngày đầu tuần 1/6, 3 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BVH giảm nhẹ 200 đồng (-0,4%) từ mức giá 49.950 đồng/CP xuống 49.750 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan cho GEX với giá mục tiêu 20.100 đồng/CP

Chúng tơi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 11% của Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (GEX) đạt 20.100 đồng/CP chủ yếu do mức điều chỉnh giảm trung bình 13% trong dự báo lợi nhuận của chúng tôi trong giai đoạn 2020-2024 và tỷ lệ WACC cao hơn. Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị từ mua thành khả quan.

Cổ phiếu GEX tuần qua vẫn biến động nhẹ trên vùng giá 17.000 đồng/CP. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GEX không có biến động và giữ nguyên ở mức giá 17.450 đồng/CP. Như vậy, so với mức giá mục tiêu mà VCSC đưa ra là 20.100 đồng/CP, thị giá hiện tại của GEX còn thấp hơn 13,18%.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu TPB

Chúng tôi giảm giá mục tiêu 2,1% còn 24.500 đồng/CP và giữ khuyến nghị khả quan dành cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) do mức giảm 4,5% trong dự báo lợi nhuận 2020-2024, cùng với điều chỉnh tăng 1 điểm % cho giả định chi phí vốn của chúng tôi. Chúng tôi cũng cập nhật mô hình định giá đến giữa 2021.

Mặc dù có những nhịp rung lắc nhưng diễn biến cổ phiếu ngân hàng nói chung và TPB nói riêng đã có tuần giao dịch khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TPB tăng 1.300 đồng (+6,3%) từ mức giá 20.650 đồng/CP lên 21.950 đồng/CP.

N.T

Theo Đầu tư Chứng khoán

Từ khóa: