Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch đầy khó khăn bởi diễn biến rung lắc do áp lực bán gia tăng mạnh và phần lớn các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị trong tuần qua cũng không mấy khả quan.
Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
* BSC khuyến nghị chốt lãi khi cổ phiếu NKG tiếp cận ngưỡng 30.5
Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều ủng hộ xu hướng tăng giá cổ phiếu. Đường giá cổ phiếu nằm trên dải mây Ichimoku cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn.
Nhà đầu có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 25.0 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng 30.5. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 22.0.
Mới đây, NKG đã công bố thông tin kết quả sản xuất kinh doanh trong quý I/2021 với việc ghi nhận lượng sản xuất đạt 244.301 tấn, tiêu thị 240.072 tấn. Lượng xuất khẩu cao kỷ lục với 151.992 tấn, các thị trường chủ lực hiện nay gồm các nước châu Âu và Mỹ. Với những thông tin tích cực trên, cổ phiếu NKG tiếp tục duy trì đà tăng điểm trong tuần qua dù không có sự bứt phá.
Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng và chỉ 1 phiên giảm ngày 13/4, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NKG tăng 850 đồng (+3,45%) từ mức giá 24.650 đồng/CP lên 25.500 đồng/CP.
* MBS khuyến nghị mua OCB với mức giá mục tiêu là 29.600 đồng/CP
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu OCB. Mức giá mục tiêu là 29.600 đồng/CP dựa trên kết hợp phương pháp so sánh P/B và chiết khấu thu nhập thặng dư (RI). Giá mục tiêu tương ứng P/B forward khoảng 1,5 lần (theo BVPS 2021F khoảng 19.468 đồng).
Nhóm cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhân tố chính “đánh tụt” thị trường trong 2 phiên cuối tuần, trong đó OCB cũng có sự đóng góp. Tổng cộng cả tuần qua, cổ phiếu OCB đã ghi nhận sự điều chỉnh mặc dù kết quả kinh doanh quý I/2021 mới công bố khả quan với lợi nhuận đạt 1.276 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ.
Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm vào cuối tuần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu OCB giảm 700 đồng (-2,83%) từ mức giá 24.700 đồng/CP xuống 24.000 đồng/CP.
* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu TCB nằm tại mức 46.5
Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Chỉ báo động lượng RSI vẫn chưa đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có tiềm năng duy trì đà tăng trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của TCB nằm tại khu vực xung quanh 40. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 46.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 38 bị xuyên thủng.
Cũng không nằm ngoài xu hướng chung của dòng bank trong tuần qua, cổ phiếu TCB đã đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TCB giảm 1.150 đồng (-2,76%) từ mức giá 41.600 đồng/CP xuống 40.450 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị khả quan cho GAS với giá mục tiêu 99.400 đồng/CP
Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho GAS với giá mục tiêu 99.400 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 20,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,7%). Theo giá đóng cửa phiên hôm nay, GAS đang giao dịch tại P/E dự phóng năm 2021 và 2022 lần lượt là 17,4 lần và 15,5 lần.
Mới đây, GAS đã tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên năm 2021 và thông qua kế hoạch tổng doanh thu 70.169 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện 2020. Ngược lại, lãi sau thuế dự kiến 7.036 tỷ đồng, giảm 12% và cũng là kết quả thấp nhất trong 9 năm trở lại đây (kể từ 2012).
Dù diễn biến cổ phiếu, trái với khuyến nghị của VCSC, mã lớn dầu khí GAS tiếp tục có thêm một tuần mất điểm. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng, 3 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày cuối tuần 16/4, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GAS giảm 2.800 đồng (-3,15%) từ mức giá 88.800 đồng/CP xuống 86.000 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua cho PHR với giá mục tiêu 74.000 đồng/CP
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho PHR với giá mục tiêu 74.000 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 34,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 6,9%.
Trái với khuyến nghị của VCSC, với thông tin kết quả lợi nhuận công ty mẹ trong quý I/2021 đạt 21 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ năm 2020 đã tác động không mấy tích cực tới diễn biến cổ phiếu PHR. Thống kê với việc đón nhận 5 phiên giảm liên tiếp, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PHR giảm 5.500 đồng (-9,88%) từ mức giá 59.700 đồng/CP xuống 53.800 đồng/CP.
* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu MSN nằm tại mức 98.2
Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Chỉ báo động lượng RSI ở trên giá trị 50 nhưng chưa đi vào vùng quá mua đồng thời đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu nên cổ phiếu sẽ tiếp tục củng cố đà tăng.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của MSN nằm tại khu vực xung quanh 92. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 98.2, cắt lỗ nếu ngưỡng 89.1 bị xuyên thủng.
Vượt qua mục tiêu kỳ vọng của BSC, cổ phiếu MSN đã có tuần giao dịch khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, trong đó phiên 14/4 tăng trần và 2 phiên giảm nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MSN tăng 8.000 đồng (+8,69%) từ mức giá 92.100 đồng/CP lên 100.100 đồng/CP.
* BSC khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu BMP, VCSC khuyến nghị khả quan
BSC khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu BMP với giá mục tiêu là 67.422 đồng/CP dựa trên kết hợp phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) và so sánh P/E (P/E mục tiêu là 10 lần) với tỷ trọng 50:50.
Bên cạnh đó, VCSC có khuyến nghị khả quan và giá mục tiêu 66.200 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 15,0%, bao gồm lợi suất cổ tức 7,3%). Theo giá cổ phiếu hiện tại, BMP đang giao dịch tại P/E dự phóng năm 2021 là 11,0 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.
Mặc dù tài liệu ĐHCĐ thường niên dự kiến tổ chức ngày 27/4 tới đây, Nhựa Bình Minh sẽ trình ý kiến thông qua nội dung dành 99% lợi nhuận của năm 2020 chia cổ tức cho cổ đông, nhưng thông tin này không giúp cổ phiếu BMP khởi sắc và giao dịch sôi động hơn.
Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 1 phiên giảm và 2 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BMP giảm 900 đồng (-1,46%) từ mức giá 61.500 đồng/Cp xuống 60.600 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị khả quan POW với giá mục tiêu 14.800 đồng/CP
Chúng tôi hiện có giá mục tiêu 14.800 đồng/CP cho POW, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 4%, dựa theo giá đóng cửa phiên hôm nay.
Trái với khuyến nghị của VCSC, thông tin kết quả kinh doanh khả quan trong quý I/2021 với việc ghi nhận lợi nhuận ước đạt 720 tỷ đồng, gấp đôi kế hoạch nhờ thoái vốn công ty con PV Machino chỉ giúp POW tăng mạnh trong phiên đầu tuần ngày 12/4, rồi sau đó bị chốt lời mạnh. Cụ thể, với việc đón nhận 1 phiên tăng và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu POW giảm 600 đồng (-4,35%) từ mức giá 13.800 đồng/CP xuống 13.200 đồng/CP.
* VCSC và PHS cùng khuyến nghị mua cổ phiếu VHC
VCSC nhận thấy khả năng điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận hiện tại của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết. Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho VHC với giá mục tiêu 47.300 đồng/CP.
Bên cạnh đó, bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, PHS đã khuyến nghị mua cổ phiếu VHC với mức giá hợp lý khoảng 48.900 đồng/cổ phiếu.
Mặc dù chưa thông qua nhưng với nội dung tờ trình ĐHCĐ thường niên tới đây về kế hoạch đi lùi là lợi nhuận sau thuế đặt mục tiêu đạt 700 tỷ đồng, giảm 3% so với năm ngoái, đã khiến cổ phiếu VHC có tuần giao dịch không mấy khả quan. Thống kê với việc đón nhận 5 phiên giảm liên tiếp, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VHC giảm 3.050 đồng (-7,79%) từ mức giá 39.150 đồng/CP xuống 36.100 đồng/CP.
* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu FPT nằm tại mức 96
Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu đồng thời chỉ báo động lượng RSI vẫn chưa đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có tiềm năng duy trì đà tăng trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của FPT nằm tại khu vực xung quanh 81.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 96, cắt lỗ nếu ngưỡng 72.5 bị xuyên thủng.
Diễn biến cổ phiếu FPT tuần qua không mấy tích cực khi đón nhận 1 phiên tăng, 3 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày đầu tuần 12/4, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT giảm 2.400 đồng (-2,92%) từ mức giá 82.100 đồng/CP xuống 79.700 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua cho PNJ với giá mục tiêu 99.300 đồng/CP
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho PNJ với giá mục tiêu 99.300 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 12,0%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,0%, theo giá đóng cửa hôm nay.
Tuần qua, cổ phiếu PNJ tiếp tục gặp khó quanh vùng đỉnh 90. với những phiên rung lắc trong biên độ hẹp. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PNJ tăng nhẹ 600 đồng (+0,66%) từ mức giá 90.300 đồng/CP lên 90.900 đồng/CP.
N.T
Theo Đầu tư Chứng khoán