Sự kiện hot
3 năm trước

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Bên cạnh hầu hết các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị trong tuần qua không tránh khỏi xu hướng điều chỉnh chung do ảnh hưởng của thị trường, vẫn có những điểm sáng khi ghi nhận mức tăng hơn 10%, thậm chí vượt 20% như SCI.

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu VNM với giá mục tiêu 105.570 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua mã cổ phiếu VNM với giá 105.570 đồng/CP, upside 17% so với giá ngày 18/08/2021 với phương pháp DCF và P/E, với tỷ trọng là 50% - 50%.

Trái với khuyến nghị của BSC, dù tuần qua Vinamilk có thêm thông tin hỗ trợ tích cực về việc chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 2/2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%, nhưng với diễn biến chung của thị trường, cổ phiếu VNM cũng không thoát khỏi xu hướng điều chỉnh. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VNM giảm 2.100 đồng (-2,34%) từ mức giá 89.900 đồng/CP xuống 87.800 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị khả quan cổ phiếu FPT, MBS khuyến nghị mua

BSC tiếp tục duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu FPT với giá mục tiêu giữa năm 2022 107.000 đồng/CP với tiềm năng tăng giá là 14% so với mức giá ngày 17/08/2021 dựa trên hai phương pháp định giá là FCFE và PE với tỷ trọng là 60%/40%.

Trong khi đó, MBS duy trì khuyến nghị mua cho cổ phiếu FPT của CTCP FPT với giá mục tiêu là 109.000 đồng/cổ phần trên cơ sở: (1) Doanh thu và lợi nhuận sau thuế duy trì tăng trưởng 2 chữ số; (2) Trúng thầu nhiều hợp đồng công nghệ thông tin mới cả trong và ngoài nước; (3) Chi tiêu cho lợi nhuận trước thuế toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ trong 2021-2022.

Mới đây, FPT đã công bố kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm với doanh thu và lợi nhuận cùng tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên diễn biến cổ phiếu này cũng không đạt kỳ vọng của BSC và MBS. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT giảm 1.200 đồng (-1,28%) từ mức giá 94.000 đồng/CP xuống 92.800 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu SCI tại ngưỡng 45

Đường giá cổ phiếu đã vượt lên MA20 và gần vượt lên MA50, báo hiệu xu hướng tăng giá tích cực. Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá này.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh ngưỡng giá 34.5, chốt lãi tại ngưỡng 45.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 30.0.

Trong khi xu thế chung của thị trường là điều chỉnh thì SCI là một trong những mã lội ngược dòng thành công, đặc biệt trong phiên lao dốc cuối tuần ngày 20/8 cổ phiếu này vẫn duy trì sắc tím. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng, trong đó 2 phiên tăng trần và 1 phiên đứng giá ngày 18/8, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SCI tăng 7.400 đồng (+24,34%) từ mức giá 30.400 đồng/CP lên 37.800 đồng/CP. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu mà BSC đưa ra là 45.000 đồng/CP, thị giá hiện tại của SCI còn thấp hơn 16%.

* PHS khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 64.800 đồng/CP

Sử dụng EV/EBITDA, PE và DCF như những báo cáo lần trước, chúng tôi duy trì giá hợp lý của cổ phiếu HPG lên 64.800 đồng/cổ phiếu. Vì mức tăng của cổ phiếu còn rất lớn, do đó chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho cổ phiếu.

Cũng chịu tác động chung của thị trường, diễn biến cổ phiếu HPG không được như kỳ vọng. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HPG tăng nhẹ 350 đồng (+0,72%) từ mức giá 48.650 đồng/CP lên 49.000 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu BMP

Dựa trên những thông tin mới cập nhật, chúng tôi hạ khuyến nghị đối với BMP xuống NEUTRAL và giảm giá mục tiêu theo Phương pháp Chiết khấu dòng tiền xuống 61.412 đồng/CP (Upside: 7,2%), định giá BMP ở mức EV/ EBITDA năm 2022 là 5,32x.

Cổ phiếu BMP đã có tuần giao dịch không mấy thành công khi liên tục đón nhận những điều chỉnh nhẹ. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu ngày 19/8, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BMP giảm 2.300 đồng (-4%) từ mức giá 57.600 đồng/CP xuống 55.300 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu HAX tại ngưỡng 27

Đường giá cổ phiếu đã vượt lên MA20 và MA50, và sắp vượt lên dải mây Ichimoku. Điều này báo hiệu xu hướng tăng giá tích cực. Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá này.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh ngưỡng giá 23.0, chốt lãi tại ngưỡng 27.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 21.0.

Mặc dù không thoát khỏi phiên điều chỉnh ngày cuối tuần 20/8, nhưng HAX cũng là một trong những mã tích cực của thị trường với những phiên tăng mạnh trước đó. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng, trong đó có 2 phiên tăng trần và 1 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HAX tăng 2.600 đồng (+12,26%) từ mức giá 21.200 đồng/CP lên 23.800 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu VRE

Chúng tôi sử dụng kết hợp phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF so sánh EV/EBITDA để định giá cổ phiếu Vincom Retail (tỷ trọng mỗi phương pháp là 50%). Giá mục tiêu cho 1 năm tới của chúng tôi với cổ phiếu VRE là 34.100 đồng/CP (+21.3 % so với giá đóng cửa ngày 16/8/2021). Mức EV/EBITDA mục tiêu 15 lần, tương đương mức bình quân ngành, đồng thời khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu này.

Cổ phiếu VRE tiếp tục duy trì trạng thái lình xình và diễn biến trong tuần qua bởi những phiên biến động tăng giảm trong biên độ hẹp. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VRE giảm 9 đồng (-3,39%) từ mức giá 28.000 đồng/CP xuống 27.050 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu POM tại ngưỡng 20.0

Đường giá cổ phiếu đã vượt lên MA20 và MA50, báo hiệu xu hướng tăng giá tích cực. Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá này.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh ngưỡng giá 15.9, chốt lãi tại ngưỡng 20.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ 14.0.

Cũng là một trong những điểm sáng của thị trường, nhưng niềm vui đối với nhà đầu tư cổ phiếu POM không được trọn vẹn bởi phiên đảo chiều giảm sàn trong ngày cuối tuần 20/8. Như vậy, với 4 phiên tăng, trong đó có 1 phiên tăng trần ngày 17/8 và 1 phiên giảm sàn, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu POM tăng 1.450 đồng (+9,97%) từ mức giá 14.550 đồng/CP lên 16.000 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua cổ phiếu CTG với giá mục tiêu là 40.600 đồng/CP

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CTG. Giá mục tiêu là 40.600 đồng/CP, cao hơn 17,3% so với giá tại ngày 17/08/2021.

Trái với khuyến nghị của KBSV, nhóm cổ phiếu nói chung và CTG nói riêng vẫn chưa thể tìm lại thời “thịnh vượng”. Diễn biến cổ phiếu CTG tuần qua tiếp tục chủ yếu với xu hướng điều chỉnh. Cụ thể, với việc đón nhận 1 phiên tăng duy nhất ngày 16/8 và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CTG giảm 1.600 đồng (-4,66%) từ mức giá 34.300 đồng/CP xuống 32.700 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu VPB với giá mục tiêu 86.900 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng với giá mục tiêu 86.900 đồng/CP dựa trên (i) tăng trưởng tín dụng hưởng lợi từ nguồn vốn bán FE Credit và kỳ vọng chào bán cho cổ đông chiến lược; (ii) chủ động cải thiện chất lượng tài sản nhờ động lực đến từ việc mở rộng sang mảng cho vay bán lẻ; (iii) tăng cường đóng góp của thu nhập ngoài lãi từ kỳ vọng tái thỏa thuận thương vụ banca với AIA.

Tương tự, cổ phiếu VPB cũng đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VPB giảm 1.100 đồng (-1,738%) từ mức giá 63.600 đồng/CP xuống 62.500 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu STK, BVSC khuyến nghị trung lập

KBSV khuyến nghị nắm giữ với STK, giá mục tiêu 54.100 đồng/CP. Chúng tôi đánh giá cao triển vọng kinh doanh STK trong dài hạn khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Năm 2021, chúng tôi dự phóng kết quả kinh doanh với lợi nhuận 279,7 tỷ đồng (tăng 93,8% so với năm trước) và doanh thu đạt 2.250,6 tỷ đồng (tăng trưởng 27,5%).

BVSC xác định giá mục tiêu cho STK ở mức 46.100 đồng/CP dựa trên phương pháp kết hợp DCF và so sánh P/E, tương đương mức P/E dự phóng 2021 và 2022 là 16,1 và 11,3. Do đó, chúng tôi khuyến nghị NEUTRAL cho cổ phiếu STK và tiếp tục theo dõi cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn nếu cổ phiếu xuất hiện nhịp điều chỉnh để tích lũy cho mục tiêu đầu tư trung và dài hạn.

Tuần qua, diễn biến cổ phiếu STK vẫn duy trì trạng thái lình xình quanh mốc tham chiếu. Thống kê với việc đón nhận 21 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu STK giảm nhẹ 400 đồng (-0,84%) từ mức giá 48.000 đồng/CP xuống 47.600 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị nhà đầu tư chốt lãi cổ phiếu FRT tại ngưỡng 54

Đường giá cổ phiếu giữ vững trên MA20 và MA50, báo hiệu xu hướng tăng giá kéo dài. Chỉ báo MACD đang ủng hộ xu hướng tăng giá tích cực này, dù chỉ báo RSI đã tiến vào vùng mua quá.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh vùng giá 42, chốt lãi tại ngưỡng 54, và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ 38.5.

Việc leo đỉnh khiến cổ phiếu FRT không tránh khỏi những phiên rung lắc và điều chỉnh, đáng chú ý là phiên lao dốc mạnh ngày cuối tuần 20/8 do ảnh hưởng của xu hướng chung thị trường. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng, 1 phiên đứng giá và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FRT giảm 2.650 đồng (-6,3%) từ mức giá 42.000 đồng/CP xuống 39.350 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu DBC tại ngưỡng 65.5

Đường giá cổ phiếu đã vượt lên MA20 và MA50, báo hiệu xu hướng tăng giá tích cực. Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá tích cực này.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh vùng giá 58.0, chốt lãi tại ngưỡng 65.5 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ 56.5.

Mặc dù đã có những tín hiệu khá tích cực nhưng phiên giảm điểm khá mạnh ngày 20/8 do xu hướng chung của thị trường đã khiến cổ phiếu DBC không được như kỳ vọng. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DBC tăng nhẹ 500 đồng (+0,86%) từ mức giá 58.000 đồng/CP lên 58.500 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu PC1 với giá mục tiêu 35.900 đồng/CP

BSC khuyến nghị mua cổ phiếu PC1 của CTCP Xây lắp điện 1 trong năm 2021 với giá mục tiêu 35.900 đồng/CP (tăng 18,4% so với giá đóng cửa ngày 12/8/2021) dựa trên phương pháp định giá từng phần (SOTP) đối với từng mảng hoạt động của doanh nghiệp.

Cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường, cổ phiếu PC1 đã lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần ngày 20/8, đã lấy đi toàn bộ thành quả có được trong những nhịp hồi trước đó. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, trong đó phiên 20/8 giảm sàn, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PC1 giảm 1.300 đồng (-4,09%) từ mức giá 31.750 đồng/CP xuống 30.450 đồng/CP.

N.T

Theo Đầu tư Chứng khoán

Từ khóa: