Sự kiện hot
2 năm trước

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Bất chấp thị trường có tuần giảm khá mạnh và các nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, chứng khoán, thép đều điều chỉnh, thì ở nhóm cổ phiếu được đưa khuyến nghị trong tuần qua vẫn có nhiều mã tăng mạnh trên dưới 20%.

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* BSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu TNG

Chỉ tiêu ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) hiện tại là 3,84% ROA trung bình 3 năm của công ty là 6,57%. Chỉ tiêu ROE (lợi nhuận trên vốn chủ) hiện tại là 12,89%. ROE trung bình 3 năm của công ty là 20,85%. Chỉ tiêu biên lợi nhuận gộp hiện tại là 13,8%. Biên lợi nhuận gộp trung bình 3 năm của công ty là 17,41%. Do đó, chúng tôi khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu TNG với giá mục tiêu là 39.000 đồng/CP.

Mới đây, tổ chức ngoại KOREA INVESTMENT SECURITIES CO.,LTD đã rót hàng trăm tỷ đồng mua 6,8 triệu cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn của TNG. Cùng với đó, Công ty đã công bố kết quả kinh doanh 11 tháng với doanh thu đạt 4.977,6 tỷ đồng, tăng trưởng 18% và hoàn thành 104% kế hoạch năm. Tuy nhiên, những thông tin này không giúp cổ phiếu TNG có tuần giao dịch khởi sắc.

Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng, 3 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TNG giảm nhẹ 100 đồng (-0,32%) từ mức giá 31.000 đồng/CP xuống 30.900 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PET

Chỉ tiêu ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) hiện tại là 2,85% ROA trung bình 3 năm của công ty là 2,41%. Chỉ tiêu ROE (lợi nhuận trên vốn chủ) hiện tại là 10,12%. ROE trung bình 3 năm của công ty là 8,15%. Chỉ tiêu biên lợi nhuận gộp hiện tại là 4,86%. Biên lợi nhuận gộp trung bình 3 năm của công ty là 6,36%. Do đó, chúng tôi khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PET với giá mục tiêu là 38.000 đồng/CP.

Cổ phiếu PET tiếp tục có thêm tuần giao dịch rung lắc khi đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PET nhích nhẹ 50 đồng (-0,16%) từ mức giá 29.950 đồng/CP lên 30.000 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu HDC tại ngưỡng 120.0

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng tăng giá này. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên đường MA50 và tiến về MA20, cho thấy tín hiệu khởi đầu của xu hướng tích cực.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 98.0, chốt lãi tại ngưỡng 120.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 95.0.

Trái với xu hướng chung của toàn thị trường, cổ phiếu HDC đã hồi phục khá mạnh về vùng giá 100.000 đồng và có tuần giao dịch khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng, trong đó có 1 phiên tăng trần ngày 2/12 và 1 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HDC tăng 12.000 đồng (+13,11%) từ mức giá 91.500 đồng/CP lên 103.500 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị tích cực dành cho nhóm cổ phiếu ngân hàng

Trong danh mục các ngân hàng theo dõi và phân tích, chúng tôi đưa ra khuyến nghị tích cực hơn cả đối với 4 cổ phiếu: VCB, ACB, TCB và MBB nhờ vào hiệu quả hoạt ổn định cùng chất lượng tài sản được giữ vững.

Trái với khuyến nghị của PHS, sau tuần giao dịch khởi sắc cuối tháng 11, nhóm cổ phiếu ngân hàng nhìn chung hầu hết đều quay đầu điều chỉnh. Trong đó, VCB đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên nhích nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VCB giảm 7.000 đồng (-6,67%) từ mức giá 105.000 đồng/CP xuống 98.000 đồng/CP.

Trong khi đó, ACB đón nhận 4 phiên giảm và chỉ 1 phiên tăng nhẹ vào ngày 1/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu này giảm 2.050 đồng (-5,92%) từ mức giá 34.600 đồng/CP xuống 32.550 đồng/CP.

Tương tự, TCB cũng chỉ hồi phục nhẹ trong phiên 1/12 và có tới 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TCB giảm 3.800 đồng (-7,04%) từ mức giá 54.000 đồng/CP xuống 50.200 đồng/CP.

Cổ phiếu MBB cũng đã đón nhận duy nhất 1 phiên tăng vào ngày 1/12 và 4 phiên giảm còn lại, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MBB giảm 2.000 đồng (-6,6%) từ mức giá 30.300 đồng/CP xuống 28.300 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HPG

Bằng các phương pháp định giá giống với báo cáo lần trước, chúng tôi hạ giá hợp lý của cổ phiếu xuống 59.100 đồng/ cổ phiếu, giảm 9% so với giá trong báo cáo lần trước. Dù kết quả của phương pháp DCF không có nhiều thay đổi, định giá của PE và EV/EBITDA đã giảm do phản ánh mức tăng trưởng âm của công ty trong năm 2022. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị mua cho cổ phiếu vì mức upside lớn.

Tuần qua, thị trường đã chứng kiến đà giảm của bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép và thành viên lớn của nhóm thép là HPG cũng không nằm ngoài xu hướng chung. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HPG giảm 1.350 đồng (-2,75%) từ mức giá 49.050 đồng/CP xuống 47.700 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu SBT

Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, ước tính mức giá hợp lý cho cổ phiếu SBT khoảng 34.400 đồng/cổ phiếu (+44% so với giá hiện tại) trong 12 tháng tiếp theo. Từ đó đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.

Trái với nhận định của PHS, cổ phiếu SBT tiếp tục có tuần điều chỉnh thứ 2 liên tiếp sau khi xác lập vùng đỉnh của năm tại mức giá 26.450 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 18/11). Theo đó, với việc đón nhận 2 phiên tăng,2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 2/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SBT giảm 650 đồng (-2,67%) từ mức giá 24.300 đồng/CP xuống 23.650 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu ITC với giá mục tiêu 27.400 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua mã cổ phiếu ITC với giá mục tiêu 27.400 đồng/CP, upside +26,8% so với giá ngày 26/11/2021 theo phương pháp P/B và mức chiết khấu vào giá 20%.

Mặc dù đã có những phiên tăng tốc đầu tuần khá tích cực nhưng với diễn biến giảm sâu vào ngày cuối tuần do ảnh hưởng của xu hướng chung toàn thị trường, đã khiến nhà đầu tư ITC “bớt vui”. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, trong đó phiên 30/11 tăng trần và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ITC tăng 900 đồng (+4,02%) từ mức giá 22.400 đồng/CP lên 23.300 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu CTD tại ngưỡng 87.7

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng tăng giá này. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên đường MA20 và MA50, cho thấy tín hiệu vận động tích cực.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 80.0, chốt lãi tại ngưỡng 87.7 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 73.0.

Thông tin Chủ tịch HĐQT đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu đã tiếp thêm niềm tin cho nhà đầu tư, giúp cổ phiếu CTD có những phiên giao dịch khởi sắc cùng thanh khoản tăng mạnh. Với việc đón nhận 2 phiên tăng, trong đó phiên 30/11 tăng trần, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 1/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CTD tăng 3.000 đồng (+4,05%) từ mức giá 74.000 đồng/CP lên 77.000 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan DRC với giá mục tiêu 37.700 đồng/CP

Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 0,8% lên 37.700 đồng/CP và duy trì đánh giá khả quan đối với CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC).

Mặc dù đà tăng được duy trì khá tốt trong những phiên đầu tuần bởi thông tin doanh nghiệp chuẩn bị chốt quyền tạm ứng cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt, nhưng việc không thoát khỏi áp lực bán mạnh trong phiên cuối tuần ngày 3/12, một phần do ảnh hưởng chung của thị trường, đã lấy đi gần hết thành quả có được của DRC trong tuần qua. Cụ thể, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DRC chỉ tăng nhẹ 150 đồng (+0,44%) từ mức giá 34.050 đồng/CP lên 34.200 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu TCD với mức giá mục tiêu 40.000 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu TCD với mức giá mục tiêu là 40.000 đồng/CP được xác định bởi phương pháp định giá P/E với P/E mục tiêu 2022 = 8.1x nhằm phản ánh (1) sự tăng trưởng ở các mảng kinh doanh và (2) tiềm năng tăng trưởng từ cơ hội đầu tư hạ tầng PPP cùng mở rộng trữ lượng mỏ đá trong tương lai nhờ vào việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Tuần qua, cổ phiếu TCD đã có những phiên tăng mạnh và liên tục khoe sắc tím sau khi thực hiện điều chỉnh giá để chốt quyền mua cổ phiếu phát hành thêm. Cụ thể, với việc ghi nhận 4 phiên tăng, trong đó có 3 phiên tăng trần và 1 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TCD đã tăng 20,56% và đóng cửa phiên cuối tuần ngày 3/12 tại mức giá 25.100 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị mua cổ phiếu DHG với giá mục tiêu 115.500 đồng/CP

Chúng tôi ước tính doanh thu năm 2022 của DHG đạt 4.300 tỷ đồng (tăng 8,2% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 834 tỷ đồng (tăng trưởng 7,7%). Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, chúng tôi nâng mức giá hợp lý cho cổ phiếu DHG lên 115.500 đồng/cổ phiếu (+16% so với giá hiện tại). Do đó đưa ra khuyến nghị đồng cổ phiếu này.

Bất chấp áp lực bán trên diện rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, cổ phiếu thị giá cao – DHG vẫn lội ngược dòng ngoạn mục và có những phiên tăng trần cùng thanh khoản cải thiện vào những ngày cuối tuần. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng, trong đó có 2 phiên tăng trần và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DHG tăng 17.200 đồng (+17,29%) từ mức giá 99.500 đồng/CP lên 116.700 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu FCN tại ngưỡng 21.3

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng tăng giá này. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên đường MA20 và MA50, cho thấy tín hiệu vận động tích cực.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 18.5, chốt lãi tại ngưỡng 21.3 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 17.3.

Cũng là một trong những điểm sáng của thị trường, diễn biến cổ phiếu FCN tuần qua đã vượt qua kỳ vọng của BSC. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng trần và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FCN tăng 2.900 đồng (+15,59%) từ mức giá 18.600 đồng/CP lên 21.500 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VNM

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho CTCP Sữa Việt Nam (VNM) do chúng tôi cho rằng định giá của VNM hiện tại là hấp dẫn với P/E 2022/2023 là 18,2 lần/17,3 lần so với mức trung bình 5 năm là 21,3 lần và trung bình 5 năm 27,5 lần của các công ty cùng ngành trong khu vực.

Trái với khuyến nghị của VCSC, sau tuần giao dịch khởi sắc cuối tháng 11, cổ phiếu VNM đã đảo chiều điều chỉnh. Cụ thể, với việc đón nhận 1 phiên tăng nhẹ ngày 30/11 và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VNM giảm 2.500 đồng (-2,83%) từ mức giá 88.300 đồng/CP xuống 85.800 đồng/CP.

N.T

Theo Đầu tư Chứng khoán

Từ khóa: