Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Điện Gia Lai (GEG): Tăng tốc hướng tới năng lượng xanh

Theo PHS, trong 9 tháng kết thúc ngày 30/09/2022, doanh thu thuần của CTCP Điện Gia Lai (mã GEG) đạt 1.597 tỷ đồng (tăng 70% so với cùng kỳ năm trước), hoàn thành gần 74% dự báo của PHS cho năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 349 tỷ đồng (tăng trưởng 65%). Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh nhờ vào việc vận hành 3 nhà máy điện gió mới kể từ cuối năm 2021 và thoái vốn khỏi NRE mang lại khoản thu nhập tài chính 165 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong báo cáo phân tích mới được cập nhật đối với CTCP Điện Gia Lai (GEG), Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, PHS kỳ vọng doanh thu thuần năm 2023 có thể đạt 2.686 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 426 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng lần lượt là 27,1% và giảm 8,65% so với kế hoạch năm 2022. Kể từ quý I/2022, biên lợi nhuận gộp đã giảm sút do chi phí khấu hao tăng lên sau khi hoàn thành các nhà máy điện mới vào cuối năm 2021.

Ngoài ra, biên lợi nhuận ròng cũng bị hao mòn do chi phí lãi vay tăng đột biến (tăng 72%), là kết quả của việc tăng đáng kể các khoản vay (tăng 20%) để tài trợ cho các dự án điện đang triển khai.

PHS cho rằng tác động sẽ kéo dài đến năm 2023F, khi đó biên lợi nhuận gộp và biên suất lợi nhuận ròng sẽ giảm xuống lần lượt là 53% và 16% trong năm này.

Điểm nhấn đầu tư được PHS đưa ra trong báo cáo phân tích: (1) Sản lượng và doanh thu sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2023, nhờ nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 sắp đi vào hoạt động, dự kiến sẽ có giá bán thấp hơn khoảng 15% so với FIT trước đây và mang lại doanh thu tăng thêm 520 tỷ đồng trong năm 2023.

(2) Công ty đang đẩy nhanh phát triển dự án điện gió mới VPL2 có tổng công suất 30MW vào năm 2023, cùng với Tân Phú Đông 1, cả hai sẽ tăng gấp đôi công suất điện gió lắp đặt hiện tại sau khi hoàn thành và sẽ đóng góp hơn 670 tỷ đồng vào tổng Doanh thu thuần vào năm 2024 theo dự phóng của PHS.

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý là 23.000 đồng/CP. Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 48%. Định giá của PHS đã bao gồm 2 nhà máy điện gió sắp tới với tổng công suất 130 MW nhưng chưa tính đến dự án điện mặt trời Đức Huệ 2 với công suất 49 MWp do sự không chắc chắn liên quan đến chính sách khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời, do giá đề xuất của EVN cho các dự án điện mặt trời chuyển tiếp thấp hơn nhiều so với giá FIT trước đây (1.188 đồng/kWh đối với ĐMT mặt đất và 1.570 đồng/kWh đối với ĐMT nổi).

PHS cũng đưa ra rủi ro: (1) Rủi ro về khả năng thanh toán phát sinh do đòn bẩy tài chính lớn; (2) Sự thay đổi bất lợi trong chính sách điều hành của chính phủ; (3) Rủi ro suy thoái kinh tế ngày càng rõ nét.

Như Nguyệt

Theo KTĐU

Từ khóa: