Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết cơ quan này đang hoàn thiện và sẽ có văn bản chính thức về việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân trong vài ngày tới.
Theo đó, Cơ chế cho vay sẽ rất thông thoáng, các ngân hàng sẽ không đặt ra các điều kiện gì khác nhưng với điều kiện phải thuộc các đối tượng mua nhà ở các phân khúc nói trên. Phía ngân hàng sẽ có biện pháp để tránh tình trạng trục lợi và mỗi người chỉ được vay một lần cho một căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, NHNN đã tổ chức nhiều cuộc họp để xây dựng chương trình. Theo đó, đối tượng là chủ đầu tư (doanh nghiệp) và người mua nhà. Các dự án sẽ do Bộ xây dựng công bố theo quy định. Gói này sẽ được triển khai đến khi giải ngân hết số tiền 120.000 tỷ nhưng không quá ngày 31/12/2030.
Dự kiến kể từ ngày 30/6/2023, lãi suất cho vay hỗ trợ chủ đầu tư ở mức 8,7%/năm (áp dụng trong 3 năm) và cho người mua nhà là 8,2%/năm (áp dụng trong 5 năm). Kể từ ngày 1/7/2023, cứ 6 tháng một lần Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo mức lãi suất cho vay.
Gói tín dụng này được thực hiện bằng nguồn huy động của các ngân hàng, điều này thể hiện tinh thần chia sẻ của ngành ngân hàng đối với các đối tượng có nhu cầu mua nhà ở thực, cũng như góp phần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ.
Theo Nghị quyết 33, Chính phủ giao NHNN chủ trì triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án NƠXH, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay. Đặc biệt, gói tín dụng này có lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5%-2% so với lãi suất bình quân trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường. Chủ lực cho chương trình này sẽ là bốn ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank.
Trong thời gian chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ sẽ xây dựng, đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển NƠXH.
Tiến Hoàng
Theo Kinh tế & Đồ uống