Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục xác định việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP là nhiệm vụ trọng tâm, cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.
Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có hiệu lực từ ngày 20/5/2022. Vốn hỗ trợ lãi suất lên tới 40.000 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ là nguồn hỗ trợ không nhỏ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.
Hiện các ngân hàng đang tiếp tục rà soát danh mục khách hàng đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất để đẩy mạnh công tác hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục hỗ trợ lãi suất.
Lãnh đạo các ngân hàng thương mại cho biết, mặc dù tiến độ triển khai gói hỗ trợ chưa như kỳ vọng, nhưng các ngân hàng cũng đã đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất bằng cách đơn giản hoá thủ tục cho vay; chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ…
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận gói vay hỗ trợ lãi suất 2% do không đủ điều kiện đáp ứng. Cụ thể như, không được giải ngân vì thiếu tài sản thế chấp, không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, địa phương chưa có quy định về thu nhập thấp nên không biết căn cứ vào đâu để xác định… Nhưng bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp cho biết họ không muốn đáp ứng và vay gói hỗ trợ do quy trình, thủ tục rắc rối, phức tạp từ đăng ký, phê duyệt, giải ngân, quyết toán… Thậm chí, có doanh nghiệp còn lo ngại về việc bị các cơ quan quản lý kiểm tra, thanh tra trước, trong và sau khi nhận khoản vay hỗ trợ lãi suất.
Theo đó, Ngày 29/3/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ (gói hỗ trợ lãi suất 2% với nguồn ngân sách 40.000 tỷ đồng).
Với các TCTD: NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục xác định việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP là nhiệm vụ trọng tâm, cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.
Bên cạnh đó, các TCTD chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng, nhất là các khách hàng thuộc đối tượng và đang có dư nợ thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất để khách hàng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ lãi suất (qua các kênh báo đài, chính quyền địa phương, hiệp hội ngành nghề...), giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiểu rõ về cách thức để tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất tại ngân hàng thương mại. Kịp thời nắm bắt các thông tin, phản ánh, khó khăn, vướng mắc (từ khách hàng, các hiệp hội, các cơ quan…) trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất để kịp thời xử lý, tháo gỡ; báo cáo NHNN, các Bộ, ngành về các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền và đề xuất, kiến nghị (nếu có).
Đồng thời, TCTD tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 16/8/2022 về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng, Công văn số 6221/NHNN-TD ngày 06/9/2022 về đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.
NHNN cũng yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi nhánh của TCTD trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục phối hợp các sở, ngành, hiệp hội địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, truyền thông về chính sách; đẩy mạnh kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tăng cường đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, đặc biệt là khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận chính sách. Tiếp tục theo dõi tình hình, kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất của chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn; chủ động phối hợp các cơ quan liên quan giải đáp, xử lý khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền tại địa bàn; kịp thời báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền…
Tiến Hoàng
Theo Kinh tế & Đồ uống