Khi mẹ không đủ lý lẽ và cũng không đủ tự tin để tự quyết những việc liên quan đến chăm sóc con, chắc chắn không chỉ mẹ stress, con phát triển không toàn diện và ngôi nhà ấy hẳn là không hạnh phúc khi chưa tìm được tiếng nói chung.
Khi kết hôn, nhiều bà mẹ trẻ không thể hình dung được cuộc sống sau hôn nhân sẽ như thế nào. Điều đó đủ để gây sốc cho những người chưa chuẩn bị kiến thức làm mẹ, chuẩn bị tâm lý và tâm thế khi sống trong một gia đình có nếp sinh hoạt gần như hoàn toàn khác. Hơn nữa, với những mẹ chưa đủ trưởng thành, chưa có công việc ổn định, chưa tự lo được cho mình, luôn được bao bọc từ bố mẹ đẻ thì chắc rằng, cuộc sống sau hôn nhân sẽ không ít lo lắng và thậm chí là cả nước mắt.
Không được đặt tên cho con
Nhiều bà mẹ trẻ than phiền rằng, khi lấy chồng và sinh con, có nhiều vấn đề khiến các mẹ dễ bị ức chế và căng thằng, bởi đơn giản là con của mình nhưng quyền được quyết định không phải ở mình. Từ khi mang thai đến khi sinh con, khi siêu âm đã biết giới tính, thường thì các mẹ rất tủi thân khi chỉ được đặt tên ở nhà cho con. Tên đi học của bé sẽ được quyết định bởi cả gia đình chồng. Đặc biệt là bố mẹ chồng.
Tên của bé thường được quyết định bởi bố mẹ chồng.
Chị Lan Anh (Đồng Nai) buồn phiền cho biết: “Khi định đặt tên cho con, bố mẹ chồng có gửi danh sách tên của 8 đời ở quê để vợ chồng mình suy nghĩ. Sau khi tìm được tên thì báo lại để ông bà… xét duyệt. Tuy nhiên, vợ chồng mình chọn những tên mà cả hai đều thích nhưng lại không được ông bà đồng ý vì ông bà cho rằng không có ý nghĩa gì. Lời qua tiếng lại cuối cùng mình cũng phải nhường ông bà để gia đình êm ấm khi tên của con mình do ông bà đặt nhưng tên ấy mình lại không thích”.
Không được chọn sữa mẹ là… duy nhất
Không chỉ chuyện cái tên của con mà ngay đến cả những điều tưởng chừng là lẽ tự nhiên vẫn không được thực hiện theo cách thuận tự nhiên. Chuyện bé sinh ra bú sữa mẹ là điều hoàn toàn là lẽ thường tình. Nhưng nhiều bà mẹ trẻ nếu không đủ kiến thức và vững tin vào chính mình, chắc chắn cũng dễ bị lay chuyển niềm tin bởi sự tác động của ông bà và hàng xóm.
Bé sinh ra khỏe mạnh, vui vẻ, ăn ngủ đều nhưng việc tăng cân có vẻ hơi chậm so với bé a, b, c khi được dặm thêm sữa công thức. Bài ca về sữa công thức lại đằng đẵng suốt ngày nọ đến tháng kia. Nhiều mẹ sẽ cảm thấy tự ti về sữa của mình, rằng sữa hôi, sữa nhạt, sữa kém… nên con còi. Và quyền tự quyết cho con được bú sữa mẹ hoàn toàn cũng trở thành điều… viển vông.
Chị Dương Ngọc (Hà Nội) tâm sự: “Mình quyết tâm cho con bú sữa mẹ nhưng ngày nào mẹ chồng mình cũng than rằng, sao không cho nó bú thêm vài cữ sữa ngoài để con nhanh lớn. Con còi quá tội nghiệp. Sữa không tốt thì cho bú thêm sữa ngoài để con khỏe mạnh giống con nhà chị nọ chị kia. Lúc đó mình tủi thân và đau đầu lắm nhưng vẫn quyết tâm nuôi con bằng sữa mẹ”.
Mẹ phải là người tự tin vào chính mình để việc nuôi con trở nên dễ dàng hơn.
Không được quyết định thời điểm ăn dặm cho con
Bé lớn hơn một chút, các bà mẹ vẫn cảm thấy “đau đầu nhức óc” vì ông bà quy tất cả những biểu hiện của con như thích nhìn mọi người ăn, thích nếm đồ ăn, đêm lại hay quấy khóc là vì bé bú sữa mẹ không đủ nên bị đói. Dù con mới 3 tháng, 4 tháng hay 5 tháng, các mẹ vẫn liên tục nghe những bài ca: “Cho con ăn thêm bột đi. Tao thấy con nhà nọ nhà kia nó mới 3 tháng mà ăn cả bát bột to. Ăn no nó sẽ ngủ ngon và lớn nhanh thôi. Ngày xưa người ta nuôi thế cả mà giờ ai cũng lớn cũng thông minh có sao đâu…”
Có mẹ sẽ vững vàng khi có kiến thức đầy đủ, nhưng có những mẹ lần đầu nuôi con nhỏ nên bị quy kết là không có kinh nghiệm, mọi sự quyết định lại một lần nữa do thế hệ trước. Chị Lê Quỳnh (HCM) buồn bã cho biết: “Điều hối tiếc nhất của mình là không tự tin vào bản năng làm mẹ, không đọc kiến thức cần thiết nên đã mềm lòng trước sự thuyết phục của ông bà. Con mình ăn dặm từ khi bé được 3 tháng tuổi. Hiện tại bé được 2 tuổi và đang rất sợ khi đến giờ ăn. Con không có niềm vui khi ăn uống là điều khiến mình buồn nhất khi nuôi con và đang cố gắng khắc phục từng ngày”.
Chị Hương Thu (Nghệ An) cũng cho biết: “Khi bé nhà mình mới được 2 tháng tuổi, dù mình có dặn đi dặn lại ông bà không nên chấm mồm chấm miệng cho bé khi ăn nhưng mọi món ăn của gia đình, ông bà vẫn “mời” cháu bằng việc chấm vào miệng cháu. Những lúc mình bận nhờ ông bà chăm, bà lại lén múc cháo cho cháu ăn khi cháu mới hơn 3 tháng làm mình cảm thấy rất khó chịu nhưng không biết phải làm thế nào cho bà hiểu”.
Hãy tự quyết những điều liên quan đến sức khỏe của con.
Những sai lầm trong cách chăm con của thế hệ trước vẫn áp dụng vào thế hệ này
Rất nhiều người nước ngoài khi sang Việt Nam đều khá bất ngờ khi cách chăm con, chăm cho cả thế hệ tương lai bằng kinh nghiệm… truyền miệng của thế hệ trước. Có những kinh nghiệm không hiểu sao lại thế, chỉ biết rằng đó là kinh nghiệm từ người đi trước nhưng vẫn được áp dụng như một lẽ hiển nhiên.
Ví dụ như nêm mắm, muối, đường vào đồ ăn dặm của bé khi con chưa tròn 1 tuổi; hay vẫn thấy các bà các mẹ coi công viên, nhà bóng hay đường phố, vỉa hè là nơi ăn uống của các con; đâu đó ở nhiều vùng quê vẫn thấy các bà các mẹ nhai cơm, nhai thức ăn rồi đút vào mồm con trẻ, các bà cũng thường dỗ dành cháu bằng bim bim, bằng khoai tây chiên hay ti vi, ipad…
Và vô vàn những bất cập không thể nói hết được lại là điều khiến các mẹ trẻ băn khoăn, lo lắng cho sức khỏe và tương lai của con mình.
Những sai lầm trong việc chăm con thiếu khoa học mẹ cũng cần giải thích và kiên quyết với người xung quanh.
Giải pháp được đưa ra là gì?
Có nhiều mẹ cảm thấy buồn phiền khi những năm tháng đầu đời, mẹ không thể bên con khi con ăn dặm, rèn cho con thói quen ăn uống khoa học khi mẹ bận đi làm, bận trăm công nghìn việc để đảm bảo kinh tế cho gia đình. Nhiều mẹ dù đã làm công tác tư tưởng cho ông bà trước nhưng vẫn không nhận được sự hợp tác khiến cả hai bên đều căng thẳng.
Chia sẻ về vấn đề chăm con, nuôi con, hầu hết các mẹ trẻ đều đưa ra những câu trả lời hết sức buồn bã như: “Nản”, “Bất lực”, “Chán đời”, “Đau đầu”, “Điên lắm”… Những từ gói gọn sự căng thẳng và bất lực từ những mẹ trẻ cho thấy sự xung đột giữa hai thế hệ chưa bao giờ là điều nhỏ nhặt trong gia đình.
Hãy cùng chồng đồng lòng khi chăm con.
Giải pháp được đưa ra ở đây là mọi người đều yêu thương thành viên bé nhỏ trong gia đình, đều muốn dành những gì tốt nhất cho con, nhưng từ tình yêu đến hành động lại là cả một vấn đề.
Khi bé chưa đủ quyền quyết định, mẹ hãy là người đứng ra bảo vệ con, từ những điều nhỏ nhất. Mẹ đừng tự đẩy mình vào thế một mình một chiến tuyến, hãy tìm sự đồng hành và ủng hộ của bố. Hai vợ chồng cùng đồng lòng trong việc chăm sóc con, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn. Đừng ngần ngại thể hiện quan điểm của mình trong việc nuôi con dựa trên các tài liệu và căn cứ khoa học, từ từ tác động đến ông bà qua chồng, qua người thân, sách báo, internet… để việc nuôi con không còn là cuộc chiến.
Mỹ Anh - (Ảnh Pinterest)
Theo ĐSPL, Vietnammoi