Thông tin hàng loạt DN BĐS nợ thuế đất hàng trăm tỷ đồng khiến giới kinh doanh BĐS không khỏi lo lắng về tính pháp lý và quyền sở hữu sản phẩm được mua tại dự án nợ thuế.
Thông tin hàng loạt DN BĐS nợ thuế đất hàng trăm tỷ đồng khiến giới kinh doanh BĐS không khỏi lo lắng về tính pháp lý và quyền sở hữu sản phẩm được mua tại dự án nợ thuế.
Theo quy định pháp luật hiện hành, chủ dự án chưa hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính thì sản phẩm tại dự án chưa thể cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Vì thế, thông tin hàng loạt DN BĐS nợ thuế đất hàng trăm tỷ đồng khiến giới kinh doanh BĐS không khỏi lo lắng về tính pháp lý và quyền sở hữu sản phẩm được mua tại dự án nợ thuế.
Quyền lợi khách hàng vẫn được đảm bảo
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán về việc Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) đang nợ hàng trăm tỷ đồng tiền thuế, ông Nguyễn Thắng, Chánh văn phòng Tập đoàn HUD cho biết, việc HUD có trong danh sách DN BĐS nợ thuế là có thực. Nhưng việc nợ thuế không ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng đã mua nhà tại dự án Vân Canh. Bởi, phần diện tích HUD đã triển khai và bán cho khách hàng, HUD đã hoàn thành nghĩa vụ thuế từ năm 2009. Trong khi phần diện tích nợ thuế nằm trong kế hoạch giai đoạn 2, HUD chưa triển khai và chưa bán hàng ra thị trường.
Nhiều DN BĐS hiện đang nợ tiền thuế hàng trăm tỷ đồng
Cũng có tên trong danh sách nợ thuế, với số tiền nợ và phạt trả chậm lên đến hơn 99 tỷ đồng, nhưng mới đây, CTCP Thương mại Hưng Việt, chủ dự án Trung tâm Thương mại dịch vụ nhà ở Golden Land khẳng định, khách hàng mua nhà tại đây sẽ không gặp phải những rủi ro nào từ việc Dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế đất. Bởi phần nợ thuế thuộc giai đoạn 2 của dự án xây dựng khối nhà trung tâm thương mại, chứ không thuộc khối nhà chung cư.
Hay dự án Văn phòng trung tâm thương mại và nhà ở 52 Lĩnh Nam với chủ dự án là CTCP Lilama Hà Nội cũng có tên trong danh sách nợ thuế đất, với số nợ thuế và phạt trả chậm trên 30 tỷ đồng. Hiện, khối nhà căn hộ tại dự án này đã bán gần hết cho khách hàng. Nhưng mới đây, Lilama Hà Nội cũng khẳng định việc khách hàng mua nhà tại dự án này sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc nộp thuế cho Nhà nước, DN sớm muộn cũng phải hoàn thành.
Thuế cao gây khó cho DN
Những trường hợp DN BĐS nợ thuế đất bị cơ quan thuế công khai trên các phương tiện truyền thông không chỉ khiến các DN mà các nhà đầu tư hết sức lo lắng. Tuy nhiên, theo một chuyên gia, đây là tình trạng khá phổ biến trong khối DN BĐS, nhiều DN quy mô lớn cũng khó tránh được việc nằm trong danh sách này. Bởi theo chuyên gia này, cách tính thuế đất của Nhà nước hiện quá cao, trong khi cơ quan thuế lại bắt DN nộp “một cục” nên việc nợ thuế là điều dễ hiểu.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc CTCP Địa ốc Đất Lành cho rằng, thị trường BĐS khó khăn kéo dài nên việc nhiều DN BĐS phá sản chỉ là vấn đề thời gian. Việc giãn nợ và hoãn nợ thuế đất cho các DN BĐS hiện là vấn đề hết sức bức thiết. Bởi việc bắt DN bất động sản đóng thuế trong tình hình hiện nay là không khả thi, chắc chắn, nhiều DN sẽ chây ỳ.
Cũng theo ông Đực, do thiếu vốn, DN BĐS thường phải “chẻ nhỏ” dự án ra để làm. Việc bán hàng hiện cũng rất khó khăn nên việc thu hồi vốn bị kéo dài. Vì thế, cơ quan thuế nên có cơ chế thu thuế theo đợt để giảm tải cho DN. Có như thế, DN mới không bị phá sản, mà Nhà nước cũng thu được thuế.
Tại Hội nghị Chống thất thu và nợ đọng thuế được tổ chức tại Hà Nội mới đây, nhiều chuyên gia thuế đã phải thừa nhận, do thị trường BĐS đóng băng nên việc nộp thuế của DN bị ảnh hưởng. Ngoài ra, do việc giao đất và giải phóng mặt bằng chậm, với diện tích thuê lớn khiến nhiều DN không có khả năng nộp được thuế.
Trước thực trạng DN BĐS nợ thuế ngày càng nhiều, ông Trịnh Hoàng Cơ, Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Tổng cục Thuế đã kiến nghị bổ sung quy định cho phép cơ quan quản lý thuế được quyết định việc cho người nộp thuế được nộp dần tiền nợ thuế và chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ đối với những trường hợp này.
Nhiều biện pháp chống thất thu thuế và nợ đọng thuế khác cũng được đưa ra nhằm gỡ khó cho cơ quan thuế trong việc thu thuế và giảm tải cho các chủ dự án BĐS đang nợ thuế. Tuy nhiên, không có đề xuất giảm thuế nào được đưa ra, dù nhiều DN BĐS kêu mức thuế đất hiện quá cao.
Phương Anh
Theo DTCK