Sự kiện hot
13 năm trước

“Đỏ mắt” săn vốn rẻ

Khoảng nửa tháng trở lại đây, nhiều NH đã công bố giảm lãi suất và mức thấp nhất là 14,5% dành cho lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều DN cho biết họ vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn rẻ này và nếu có thì điều kiện cho vay cũng rất khắt khe.

Khoảng nửa tháng trở lại đây, nhiều NH đã công bố giảm lãi suất và mức thấp nhất là 14,5% dành cho lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều DN cho biết họ vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn rẻ này và nếu có thì điều kiện cho vay cũng rất khắt khe.

Vốn rẻ ở đâu?

Ông Mai Hồng Bàng - Tổng GĐ CTCP Khoáng sản và công nghiệp (Vinavico) cho biết Cty của ông đang tham khảo lãi vay từ nhiều NH và được báo với mức khác nhau. Tuy nhiên, mức lãi suất thấp nhất mà Cty ông nhận được là từ một NHCP lớn với mức 17 - 18%/năm. Nhưng để được vay với mức lãi suất này, Cty phải đáp ứng được điều kiện thế chấp rất ngặt nghèo của NH với điều kiện thế chấp 6/10. Có nghĩa, với giá trị tài sản thế chấp 10 tỉ đồng, DN chỉ được vay 6 tỉ đồng. Nhưng nếu muốn được giải ngân nhanh, DN phải vay với mức lãi suất 20%/năm.

CTCP Trường Sơn cũng trong tình cảnh vẫn phải “còng lưng” gánh lãi khi mà thông tin sẽ giảm lãi suất cho DN chưa được NH gửi đến. Ông Lê Thanh Dương - Tổng GĐ Cty này cho biết: Hiện Cty vẫn phải vay với mức lãi suất 19%/năm và chưa nhận được thông báo giảm lãi suất của NH. Nếu như vẫn phải vay với mức lãi suất này trong khi điều kiện kinh doanh còn khó khăn hơn năm ngoái thì DN khó duy trì được sản xuất.

Không khó khăn như thế, CTCP xốp nhựa Hanel vừa được Vietcombank hạ lãi suất cho vay từ 17,5%/năm xuống 16,5%/năm và tăng hạn mức tín dụng từ 50 tỉ đồng lên 80 tỉ đồng trong năm 2012. Ông Nguyễn Quốc Cường - GĐ CTCP xốp nhựa Hanel cho biết: Để được vay với lãi suất này Cty đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay này. Điều đáng nói, doanh thu và lợi nhuận của Cty là 100% đến từ sản xuất nên đáp ứng điều kiện thuộc đối tượng được giảm lãi suất của NH.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính độc lập cho rằng hiện tượng DN này tiếp cận được nguồn vốn rẻ, DN kia thì không cũng là điều dễ hiểu. Bởi mặc dù NH giảm lãi suất nhưng chỉ ưu tiên cho một vài đối tượng DN như XK, sản xuất, nông nghiệp và DN có quan hệ tốt với NH chứ chưa phố biến cho mọi đối tượng. Vì hiện tại, vốn đầu vào của ngân hàng vẫn đang cao. “Mặc dù, trong một tháng trở lại đây, vốn khả dụng của hệ thống NH đã tốt lên, nhưng để có được điều đó thì NH phải trả chi phí cao cho thanh khoản dồi dào đó” - ông Hiếu cho biết.

Ảnh minh hoạ. Ảnh: Giang Huy.

Bài tính lợi nhuận

Đồng quan điểm trên, ông Đặng Bảo Khánh - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) - cho biết, với lãi suất huy động 14%/năm cộng với chi phí vốn (như quảng cáo, khuyến mãi...) thì giá vốn đầu vào của ngân hàng khoảng 16%/năm. “Với doanh nghiệp A lãi suất cho vay 17% có thể vẫn là cao, nhưng với doanh nghiệp B có khi lãi vay lên đến 21% vẫn được coi là thấp. Vấn đề lãi vay không thể đồng nhất bởi tùy từng khách hàng với mức rủi ro khác nhau mà định giá vốn cũng khác nhau. Nhưng nếu doanh nghiệp rủi ro thấp thì lãi suất sẽ thấp và ngược lại” - ông Khánh phân tích.

Tuy nhiên, theo ông Khánh, mấu chốt của vấn đề chính là tổng lợi nhuận mà ngân hàng thu được từ mỗi khách hàng để định giá vốn cho vay. Với những doanh nghiệp sử dụng gói dịch vụ của ngân hàng như dòng tiền ra vào ngân hàng, thanh toán xuất nhập khẩu... thì sẽ được vay lãi suất thấp.

Bởi những doanh nghiệp này sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngân hàng: Thứ nhất là dòng tiền được gửi với lãi suất không kỳ hạn (hiện nay khoảng 3 – 6%/năm) tại ngân hàng. Nếu khoản dư của khách hàng sau khi thanh toán trong ngày còn lại trong ngân hàng khoảng vài trăm triệu thì ngân hàng đó có thể “đem” lên liên ngân hàng để cho vay qua đêm với lãi suất khoảng 10%/năm (có thời điểm lãi suất trên thị trường này lên đến 21%). Như vậy, ngân hàng có thể kiếm được khoản lợi nhuận từ 3 – 6% từ nguồn tiền dư này. Thứ nữa là phí dịch vụ mà doanh nghiệp đó phải trả cho ngân hàng khi thanh toán xuất nhập khẩu, chuyển tiền... Vì vậy, tổng lợi nhuận mà khách hàng doanh nghiệp đem lại cho ngân hàng càng lớn thì lãi suất được vay càng thấp.

Còn với doanh nghiệp chỉ vay một cục rồi trả lãi hằng tháng, không sử dụng dịch vụ ngân hàng thì lãi vay sẽ cao là đương nhiên. Bởi ngân hàng lo ngại rủi ro của khách hàng vì không nắm được tình hình tài chính của doanh nghiệp đó.

Ngoài ra, các ngân hàng còn có xu hướng thắt chặt cho vay do nợ xấu trong quá khứ cao. Vậy nên, điều kiện cho vay cũng ngặt nghèo hơn. Với điều kiện kinh tế vĩ mô hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang khó khăn nên rủi ro lớn, buộc các ngân hàng phải hạ tỉ lệ thế chấp xuống mức thấp hơn. Hơn nữa, với kế hoạch cung tiền M2 thấp như năm nay, khoảng 14 – 16%, thì số lượng doanh nghiệp không vay được hoặc vay với lãi suất cao là bình thường, bởi không ngân hàng nào cam kết sẽ đáp ứng đủ nhu cầu vốn của nền kinh tế.

 Minh Nguyên
Theo Lao dong

Từ khóa: