Nhiều ý kiến quan tâm đến cuộc sống của thanh niên đã được đưa ra tại hội nghị lấy ý kiến của các nguyên Bí thư T.Ư Đoàn qua các thời kỳ góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X tổ chức ở Hà Nội ngày 16.10.
Nhiều ý kiến quan tâm đến cuộc sống của thanh niên đã được đưa ra tại hội nghị lấy ý kiến của các nguyên Bí thư T.Ư Đoàn qua các thời kỳ góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X tổ chức ở Hà Nội ngày 16.10.
Các đại biểu thống nhất cho rằng, thanh niên (TN) Việt Nam dù ở thời kỳ nào đều có ý chí lập thân, lập nghiệp; đi đầu trong việc mới việc khó. Do vậy, văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X cần có tính hiệu triệu, tập hợp TN tham gia các phong trào do Đoàn khởi xướng.
Nhiều sinh viên có nhu cầu việc làm và thu nhập để trang trải cuộc sống
- Ảnh: Nguyễn Thanh Nam
Còn ít tiếng nói bênh vực
Ông Hà Quang Dự, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn khóa V, cho rằng sự phát triển đa dạng của TN đặt công tác Đoàn hiện nay trước nhiều thách thức. Với đại bộ phận TN thì nhu cầu việc làm và thu nhập trang trải cuộc sống là bức thiết nhất. Đơn cử như nhiều sinh viên tại Hà Nội, dù được gia đình chu cấp nhưng cuộc sống khá chật vật. Khi không đủ sống, họ có thể làm bất cứ việc gì để kiếm tiền. Đồng hành với TN trong tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập và lập nghiệp là mục tiêu mà Đoàn phải đưa lên hàng đầu.
Ông Hà Quang Dự nhận xét, dù có vai trò là tổ chức tập hợp, giáo dục thanh thiếu niên nhưng hiện tại Đoàn còn ít tiếng nói bênh vực, bảo vệ họ. “Đoàn cần lên tiếng và có hành động tuyên chiến với cái xấu, cái ác; thẳng thắn phê phán hiện tượng suy đồi đạo đức xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội tác động tiêu cực đến công tác giáo dục TN”, ông Dự nói.
Cùng quan điểm, theo nguyên Bí thư T.Ư Đoàn khóa IV, ông Vũ Quốc Hùng, trên thực tế có nhiều câu chuyện thương tâm, oan sai mà TN là nạn nhân nhưng họ không biết hỏi ai, trông cậy vào ai. Vấn đề bảo vệ quyền lợi TN nếu quan tâm một cách triệt để sẽ giúp các bạn trẻ nhận thức Đoàn thực sự là tổ chức của chính họ.
Phải lên tiếng khi thanh thiếu nhi bị xâm hại
Nguyên Bí thư T.Ư Đoàn khóa VIII, ông Đoàn Văn Thái, cho rằng dù có trong tay nhiều công cụ thể chế như Nghị quyết về TN, luật Thanh niên… nhưng Đoàn còn thiếu cơ chế theo dõi, giám sát đảm bảo việc thực thi chính sách pháp luật dành cho TN. Nếu có cơ chế giám sát rõ ràng, Đoàn sẽ thuận lợi hơn trong thể hiện quan điểm, lên tiếng khi đứng ra bảo vệ quyền lợi cho thanh thiếu nhi bị xâm hại. “Nếu không bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng cho TN, tôi nghĩ rất khó thu hút TN đến với tổ chức Đoàn”, ông Thái nói.
Phản ánh hạn chế của công tác Đoàn ở khu dân cư nơi đang cư trú, nguyên Bí thư T.Ư Đoàn khóa IV, ông Lưu Minh Trị thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân do thiếu cán bộ Đoàn thực sự là thủ lĩnh TN. Bày tỏ mong muốn Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X sẽ có giải pháp đột phá vực dậy công tác Đoàn ở cơ sở, ông Trị cho rằng, thủ lĩnh thực sự của TN đa phần nằm trong các trường học. Ngoài trình độ học vấn, cán bộ Đoàn ở đây có nhiều kỹ năng, được đào tạo cơ bản. Theo ông Trị, nên chọn nhân tố nòng cốt trong trường học để đào tạo, bồi dưỡng rồi có cơ chế đưa về làm cán bộ Đoàn ở khu dân cư. Đây có thể xem là giải pháp, cơ hội vực dậy công tác Đoàn trong khu vực này.
Ghi nhận góp ý tâm huyết của nguyên Bí thư T.Ư Đoàn các thời kỳ, anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất T,Ư Đoàn chia sẻ, trên thực tế khó xác định tính chân thực, hiệu quả công tác Đoàn ở cơ sở nếu chỉ nhìn vào kết quả từ báo cáo cơ sở gửi lên. Nhìn nhận được vấn đề này, nên văn kiện của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X được đầu tư, chuẩn bị công phu và sẽ có tính hành động, giải pháp cụ thể để từng bước cải thiện, nâng cao hiệu quả và vai trò của tổ chức Đoàn ở cơ sở. Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn nhấn mạnh, ngoài đánh giá công tác tình hình TN, văn kiện đại hội còn thể hiện khát vọng vươn lên của người trẻ và mục tiêu của tổ chức Đoàn trong đồng hành, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích, nhu cầu chính đáng của TN.
Phan Hậu
Theo Thanhnien