Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy và hành động nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, giảm thủ tục hành chính, thời gian, giảm chi phí cho DN.

Digital HR in 2020: Five Trends to Watch Out For

Phát biểu tại Diễn đàn “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Tư duy và hạnh động mới” ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt doanh nghiêp vừa và nhỏ đã quan tâm đến chuyển đổi số và đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, thực tế một số lượng lớn doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến chiều sâu trong chuyển đổi số. Chiều sâu của chuyển đổi số là đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp chi tiết theo tiêu chí khoa học, rõ ràng từ đó có những thay đổi, chiến lược, kế hoạch phát triển phù hợp…

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Chuyên gia Chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết công tác chuyển đổi số đã có những bước tiến rõ ràng qua 3 năm thực hiện, đồng thời tạo ra làn sóng về chuyển đổi số trong các doanh nghiệp.

Chỉ tính riêng trên Cổng chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa SMEdx của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có trên 600.000 doanh nghiệp tiếp cận, tham khảo thông tin về các nền tảng được đăng tải trên đó; và khoảng 70.000 doanh nghiệp sử dụng một trong số các nền tảng của Chương trình để chuyển đổi số, chiếm 1/10 số lượng doanh nghiệp.

Do đó, ông Đường cho biết, trên thực tế việc tiến hành chuyển đổi số mới chỉ ở phần nhận thức, thực chất đi vào sử dụng vẫn chưa nhiều.

Để chuyển đổi số đi vào thực chất, cuối 2021 Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ chỉ số đo lường mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau 1 năm, chỉ có 500 doanh nghiệp tham gia và đăng ký tài khoản trên trang Cổng www.dbi.gov.vn. Trong số những doanh nghiệp đăng ký tài khoản, chỉ có khoảng 400 doanh nghiệp tự đánh giá mức độ chuyển đổi số của mình và có một số nhỏ, khoảng vài chục doanh nghiệp thực hiện tư vấn đánh giá.

Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (VINASA) cho rằng, chuyển đổi số tại các doanh nghiệp cần trải qua 3 giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên là số hoá cơ sở dữ liệu, hoạt động của doanh nghiệp và đưa dữ liệu của doanh nghiệp lên môi trường số. Giai đoạn thứ hai, từ dữ liệu đã được số hoá sẽ ứng dụng giải pháp về phần mềm để chuyển đổi một số lĩnh vực, hoạt động của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp thực hiện giai đoạn thứ ba là chuyển đổi số toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của vị chuyên gia này , thách thức trong chuyển đổi số với doanh nghiệp liên quan một số vấn đề như doanh nghiệp phải đưa ra bài toán của mình trước khi quyết định chuyển đổi số; doanh nghiệp cung cấp giải pháp, phần mềm, dịch vụ phù hợp với loại hình hoạt động; hoạt động bảo mật trên môi trường số…

Trong khi đó, ông Bùi Hải Hà, Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin Công ty Cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT cho hay, FPT Long Châu là doanh nghiệp đầu tiên có hơn 1.000 nhà thuốc tại 63 tỉnh, thành trong cả nước. Vì thế, Công ty đã xây dựng công cụ bán hàng tốt nhất cho dược sĩ, giúp tiếp cận được yêu cầu của khách hàng nhanh nhất.

Tương tự, ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Cổ phần MISA nhận định, kinh nghiệm chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chú ý đến 3 tiêu chí: dễ tiếp cận, rẻ và nhanh nhìn thấy kết quả. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận thang điểm về chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, dựa vào các khung chuyển đổi số để chọn xem doanh nghiệp muốn làm gì, đồng thời lựa chọn các nhà cung cấp uy tín.

Cùng với thay đổi tư duy của doanh nghiệp, cơ chế chính sách cũng cần tạo điều kiện hơn. Theo ông Nguyễn Trọng Đường, chuyên gia chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong việc triển khai hỗ trợ ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc phân định rõ nguồn vốn doanh nghiệp phải đóng góp và nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ trong thủ tục lập và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ. Các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện rất nhiều thủ tục, chứng từ rườm rà, phức tạp để nhận được phần kinh phí hỗ trợ của nhà nước, trong khi số kinh phí hỗ trợ này cũng không nhiều.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: