Sự kiện hot
khoảng 1 tháng trước

Doanh số của Sao Ta trong tháng 2/2024 đạt 11,3 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ

Trong tháng 2/2024, Công ty Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh số đạt 11,3 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 982 tấn, giảm 9% so với cùng kỳ; sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm đạt 87 tấn, giảm 21% so với cùng kỳ.

Thực phẩm Sao Ta (FMC) trở thành nhà xuất khẩu tôm Việt lớn nhất vào Nhật  Bản
Doanh số của Sao Ta trong tháng 2/2024 đạt 11,3 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ.

Theo đó, về tình hình tiêu thụ, tôm thành phẩm đạt 982 tấn và nông sản thành phẩm đạt 87 tấn, lần lượt giảm 9% và 21% so với cùng kỳ.

Về sản xuất, sản lượng tôm thành phẩm trong tháng 2/2024 đạt 931 tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Còn sản xuất nông sản thành phẩm đạt 63 tấn, giảm 69%.

Lý giải về kết quả kinh doanh giảm trở lại sau khi tăng mạnh trong tháng 1/2024, Công ty Thực phẩm Sao Ta cho biết do lịch nghỉ Tết Nguyên đán rơi vào tháng 2 nên Công ty chỉ hoạt động 21 ngày trong tháng 2/2024, đồng thời nguyên liệu tôm ít do cuối vụ và đơn hàng ít.

Tháng trước, doanh số của FMC đạt 19.2 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm 1,614 tấn (tăng 45%), tiêu thụ nông sản thành phẩm đạt 189 tấn (tăng 16%).

Theo Báo cáo phân tích về Công ty Thực phẩm Sao Ta của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố. Ước tính trong quý I/2024, Công ty Thực phẩm Sao Ta có thể ghi nhận doanh thu khoảng 1.008 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ. Ngoài ra, giá bán trung bình giảm 10% khi giá bán trung bình toàn thị trường chưa có xu hướng tăng rõ ràng.

Thêm nữa, về lợi nhuận, trong quý I/2024, Chứng khoán Rồng Việt ước tính Công ty Thực phẩm Sao Ta sẽ ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ khoảng 56 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giả định của đơn vị phân tích là biên lợi nhuận gộp tốt hơn, ước tăng 2% lên 10%, nhờ Công ty Thực phẩm Sao Ta thu hoạch sản lượng tôm tự nuôi trong tháng 1/2024.

Liên quan tới căng thẳng biển Đỏ, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng chi phí vận chuyển của Công ty Thực phẩm Sao Ta sẽ không tăng mạnh so với cùng kỳ do doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật. Đối với thị trường EU, chủ yếu là nước Anh, doanh nghiệp xuất theo giá FOB.

Ước tính trong năm 2024, Chứng khoán Rồng Việt dự phóng Công ty Thực phẩm Sao Ta sẽ ghi nhận doanh thu 5.598 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế khoảng 346 tỷ đồng, tăng 25,5% so với thực hiện trong năm 2023. Trong đó, giả định của ước tính là sản lượng tăng 9,8% và giá bán tăng 0,6%. Biên lợi nhuận gộp năm 2024 dự báo đạt 11% do sản lượng tôm tự nuôi tăng 29%.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý IV/2023, Công ty Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh thu đạt 1.252,78 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 88,76 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 12,6%, về 11,2%.

Luỹ kế trong năm 2023, Công ty Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh thu đạt 5.087,39 tỷ đồng, giảm 10,8% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 302,25 tỷ đồng, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước.

Thực phẩm Sao Ta (FMC) đạt doanh số gần 100 triệu USD sau 5 tháng, tăng 31%  so với cùng kỳ
Xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn có cơ hội phục hồi và tăng trưởng nhẹ trong năm 2024.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam tháng 1/2024 đạt 242 triệu USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất 275%, đạt 42 triệu USD. Đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2024, chiếm 17.5%.

Bên cạnh đó, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 1 (đạt 41 triệu USD) tiếp nối đà tăng trưởng từ những tháng cuối năm 2023, tăng 77%. “Diễn biến xuất khẩu tôm sang Mỹ năm 2024 sẽ phần nào bị ảnh hưởng bởi vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ với tôm 4 nước, trong đó có Việt Nam”, VASEP lưu ý.

Xuất khẩu sang các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu cũng có sự tăng trưởng trong tháng 1; lần lượt đạt 37 triệu USD, 23 triệu USD và 30 triệu USD; tương ứng tăng 30%, 21% và 22% so với cùng kỳ.

Mặc dù con số trong tháng đầu năm tăng trưởng tích cực, nhưng theo VASEP, đa số các doanh nghiệp cho rằng vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn làm chậm khả năng phục hồi sản xuất, xuất khẩu.

Một số doanh nghiệp tôm cho biết đơn hàng đầu năm vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện vì sức mua của thị trường vẫn yếu. Song song đó vẫn còn loạt vấn đề như lượng tồn kho nhiều, giá mua thấp, khó cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Ecuador…Trong khi đó, một số doanh nhìn thấy tín hiệu khả quan hơn về đơn hàng, nhưng lo lắng về nguồn nguyên liệu vì đang mùa nghịch, lại dịch bệnh nên sản lượng tôm thấp.

Ngoài ra, nguy cơ bị áp thuế chống trợ cấp cũng là một rào cản đối với nhà nhập khẩu ở Mỹ và các công ty xuất khẩu Việt Nam. “Giá chào bán tôm Việt Nam vẫn khá cao so với các nước khác, gây tâm lý e ngại cho nhà nhập khẩu”, VASEP cho biết.

Theo dự báo của bà Trần Thụy Quế Phương - Chánh văn phòng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành tôm sẽ tiếp tục đối mặt với sự tăng trưởng kém trong năm 2024 do ảnh hưởng từ những yếu tố tiêu cực năm 2023.

Tuy nhiên, xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn có cơ hội phục hồi và tăng trưởng nhẹ trong năm 2024, với mức từ 10% đến 15% bởi kinh tế của các nước có nhu cầu tiêu thụ tôm dần hồi phục; các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu.

Đồng thời, nhu cầu sản phẩm có nguồn protein từ thủy sản đang dần thay thế nguồn protein từ động vật, nên trong thời gian tới thủy sản, đặc biệt là tôm, có cơ hội phát triển.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: