Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, năm 2011 lượng kiều hối đổ vào Việt Nam có thể lên đến gần 9 tỷ USD. Trong đó, có tới 52% kiều hối được đầu tư vào bất động sản, số còn lại dùng để gửi tiết kiệm và tiêu dùng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, năm 2011 lượng kiều hối đổ vào Việt Nam có thể lên đến gần 9 tỷ USD. Trong đó, có tới 52% kiều hối được đầu tư vào bất động sản, số còn lại dùng để gửi tiết kiệm và tiêu dùng.
Bất động sản vẫn là kênh đầu tư dài hạn
Theo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn nhưng lượng tiền được kiều bào chuyển về nước trong năm nay tiếp tục tăng mạnh. Riêng lượng kiều hối chuyển về trong 3 quý đầu năm 2011 đều đạt xấp xỉ 2,5 tỷ USD/quý. Dự kiến cả năm nay, lượng kiều hối chuyển về có thể đạt trên 8,5 tỷ USD, cao hơn khoảng 500 triệu USD so với năm 2010.
Với khoảng 4 triệu kiều bào đang sinh sống, học tập và lao động tại 101 quốc gia, trong đó khoảng 400.000 là lao động xuất khẩu, Việt Nam đã lọt top 10 các nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Ngân hàng thế giới cũng nhận định, năm nay là năm Việt Nam sẽ đón nhận lượng kiều hối gửi về cao ở mức kỷ lục và cũng là năm chứng kiến sự gia tăng liên tục của dòng kiều hối trong 10 năm trở lại đây.
Cụ thể, nếu như năm 2000 Việt Nam chỉ nhận được 1,34 tỷ USD, thì con số này đã tăng lên thành 8,26 tỷ vào năm 2010 và có thể sẽ lên đến 9 tỷ USD trong năm nay. Với lượng kiều hối này, Việt Nam nằm trong Top 10 các nước nhận được nhiều kiều hối nhất theo con đường chính thức gồm: Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico, Philippines, Pakistan, Bangladesh, Nigeria, Ai Cập và Liban.
Đáng chú ý, theo điều tra riêng của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia có tới 52% kiều hối được đầu tư vào bất động sản, số còn lại được dùng để gửi tiết kiệm và tiêu dùng.
Theo DĐDN online