Tốt nghiệp Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, không chút vốn liếng trong tay nhưng Nguyễn Văn Thành (30 tuổi) ở thôn An Lãng, xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng đã tạo công ăn việc làm cho 100 công nhân.
Tốt nghiệp Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, không chút vốn liếng trong tay nhưng Nguyễn Văn Thành (30 tuổi) ở thôn An Lãng, xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng đã tạo công ăn việc làm cho 100 công nhân.
Thành kể, tháng 6.2006, sau khi có trong tay tấm bằng ĐH, Thành nộp hồ sơ đi xin việc nhưng không được công ty nào nhận. Khi đó, bạn bè đã giới thiệu anh đi làm nhân viên bán hàng, nhân viên lắp đặt điện nước, nhân viên lắp đặt đồ điện tử. Thành nhớ lại: "Lúc đó mình nghĩ cứ đi làm thuê thế này thì biết bao giờ mới thoát nghèo. Sau một thời gian đi lắp đặt điện nước cho xưởng may, thấy nghề này rất hợp với vùng quê nên mình quyết định về mở xưởng may".
Xưởng may của Nguyễn Văn Thành đã tạo việc làm cho 100 lao động
- Ảnh: Nguyễn Đức
Nghĩ là làm, anh mang sổ đỏ của gia đình thế chấp ở ngân hàng vay 30 triệu đồng, đủ tiền mua lại được 7 chiếc máy khâu cũ về đặt tại phòng khách của gia đình, duy trì 5 công nhân hoạt động.
Thời gian đầu xưởng may đi vào hoạt động là giai đoạn hết sức khó khăn, xưởng nhỏ, máy ít nên các cơ sở không yên tâm khi đặt Thành làm gia công đặt đơn hàng có giá trị kinh tế cao. Không khuất phục trước khó khăn, ông chủ trẻ tìm mối hàng ở các chợ trong vùng, nhận cả đơn đặt hàng may quần áo với số lượng nhỏ để có việc cho công nhân. Với đơn hàng ít, khoảng 200 áo/ngày, Thành phải trả sản phẩm ngay trong ngày nên anh thường xuyên phải giao hàng trong đêm. “Có những hôm 22 giờ, tôi phải mang hàng lên thành phố để trả và nhận hàng mới về. Đến khi về tới nhà, kim đồng hồ đã chỉ 2 giờ sáng”, Thành nhớ lại.
Với phương châm đi từ nhỏ đến lớn, anh cần mẫn phục vụ mọi yêu cầu của khách, kể cả nhận vài chục áo, giao hàng sớm... anh đã có được uy tín của khách hàng, xưởng may phát triển lên được vài chục máy với hơn 40 công nhân. Nhưng đến tháng 12.2010, một số công ty may của Hàn Quốc mở ra đã hút nhiều công nhân của anh. Lúc này, Thành đã phải tìm cách giữ người: “Mình chưa tăng được lương cao cho công nhân nên đành phải cạnh tranh với các công ty khác bằng cách giảm giờ làm, tăng chế độ phúc lợi, ưu tiên cho công nhân có con nhỏ về sớm mới có thể giữ được các công nhân ruột”, Thành cho biết.
Từ những thành công bước đầu, chàng trai đầy nghị lực vùng quê Vĩnh Bảo đã dần mở rộng được mối quan hệ, các đơn đặt hàng của Thành dần có nhiều đối tác đến từ các công ty trong nước, các nước châu Âu...
Vượt qua hàng loạt khó khăn thử thách, từ việc khởi đầu bằng 7 máy may, thời kỳ cao điểm, anh đã trang bị 60 máy may, tạo công ăn việc làm cho 100 công nhân với mức thu nhập từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Đầu năm 2011, thương hiệu “Công ty may Hòa Hưng” được thành lập, Thành đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng thêm xưởng sản xuất giày da và bắt đầu đi vào hoạt động. Năm 2011, tổng doanh thu của xưởng may đạt 3 tỉ đồng. Trong thời kỳ khó khăn của năm 2012, anh vẫn tạo được uy tín với bạn hàng, duy trì việc làm cho hơn 40 công nhân có thu nhập ổn định.
Thành phối hợp với Trường trung cấp nghề khuyết tật Kiến An mở lớp dạy nghề ngay tại xưởng, với thời gian học trong 3 tháng cho nông dân và những người khuyết tật. Qua khóa đào tạo, các công nhân sẽ được tạo điều kiện làm việc tại xưởng với mức lương ổn định.
Chị Lê Thị Mến (28 tuổi) ở thôn An Lãng, xã An Hòa, H.Vĩnh Bảo, công nhân gắn bó với xưởng may 4 năm nay nhận xét: “Có những lúc khách chưa trả tiền hàng nhưng anh Thành vẫn cố gắng lo đầy đủ lương cho công nhân. Khi biết công nhân trong xưởng có người nhà bị ốm, anh Thành đều đến, ân cần thăm hỏi động viên. Chính vì sự đối xử nhiệt tình như vậy mà chúng tôi gắn bó với xưởng may này”.
|
Nguyễn Đức
Theo Thanhnien