Không vay được vốn để đầu tư, hàng loạt dự án xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp (KCN) buộc phải đình hoãn, trong khi chỗ ở nhóm đối tượng này ngày càng bức xúc.
Không vay được vốn để đầu tư, hàng loạt dự án xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp (KCN) buộc phải đình hoãn, trong khi chỗ ở nhóm đối tượng này ngày càng bức xúc.
Dự án nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Long Hậu (Long An). Ảnh: Lê Toàn
Công nhân vẫn “khát” chỗ ở
TP. Hà Nội hiện có 8/18 KCN tập trung đang hoạt động, với 200.000 công nhân (chưa kể người lao động tại các cụm công nghiệp). Dự kiến đến năm 2015, sẽ có tới 700.000 lao động, trong đó khoảng 550.000 người có nhu cầu nhà ở tại chỗ. Nhưng đến nay, mới có hơn 10.000 công nhân được đáp ứng chỗ ở.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nhu cầu về nhà ở công nhân trên địa bàn Hà Nội rất lớn và bức xúc, việc xây dựng nhà ở công nhân KCN của TP. Hà Nội đang ở giai đoạn thí điểm, mới đáp ứng được gần 5% nhu cầu.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay, theo ông Tuấn, là dù tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20/4/2009, Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định một số chính sách ưu đãi về đất đai, ưu đãi tín dụng, cho phép doanh nghiệp xây dựng nhà cho công nhân thuê được tính chi phí nhà ở là chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng theo quyết định mới đây của Chính phủ thì không còn ưu đãi về thuế đối với những dự án sau năm 2009, trong khi vốn vay ngân hàng gần như không thể tiếp cận. Vì vậy, đến thời điểm hiện nay, Hà Nội mới chỉ có duy nhất một dự án nhà ở cho công nhân đi vào hoạt động.
Còn tại TP.HCM, với 13 KCN, khu chế xuất đang hoạt động, địa phương này có tới 1,9 triệu công nhân, trong đó có 1,33 triệu công nhân đến từ các tỉnh, thành phố khác và 50% trong số họ có nhu cầu về nhà ở. Số liệu này cho thấy, nhu cầu nhà ở công nhân trên địa bàn TP.HCM rất lớn, nhưng hiện tại, phần lớn công nhân ở các KCN, khu chế xuất phải thuê nhà ở trong điều kiện tạm bợ, không đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu.
Ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trên thực tế, khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp thường gặp nhiều khó khăn, thậm chí không vay được vốn, do các tổ chức tín dụng không muốn cho vay do phương án đầu tư kém hiệu quả, thời gian thu hồi vốn quá dài.
“Thông vốn” cho chủ đầu tư
Trong tình hình kinh tế hiện nay, Nhà nước đang thực hiện các giải pháp tài chính - tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Chính sách thắt chặt tiền tệ đã ảnh hưởng đến dòng vốn vận hành trong thị trường bất động sản, trong đó việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở công nhân. Hiện tại, rất nhiều dự án nhà ở cho công nhân phải đình hoãn do thiếu vốn.
Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, các địa phương trong cả nước đã đăng ký 110 dự án xây dựng nhà ở cho công nhân, nhưng đến nay, mới có 27 dự án được khởi công, với tổng vốn đầu tư 3.015 tỷ đồng. Hiện mới có 9/27 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Theo ông Bùi Đức Hưng, Phó viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), để giải quyết vấn đề này, cần sớm có chính sách quy định về việc hình thành nguồn vốn/quỹ phát triển nhà ở, quỹ hỗ trợ thuê nhà ở của doanh nghiệp để xây dựng nhà ở cho công nhân đối với các doanh nghiệp tại các KCN. Trước mắt, cần xem xét để giao trách nhiệm cho ngân hàng chính sách xã hội nhiệm vụ cho vay để xây dựng nhà ở cho công nhân các KCN, do việc vay vốn để phát triển loại nhà ở này rất khó khăn. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu thực hiện các ưu đãi về đất đai, tín dụng đầu tư, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp… đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại các KCN để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Các địa phương cũng cho rằng, để giải quyết vấn đề “đói vốn” xây dựng nhà ở cho công nhân KCN, ngoài việc Ngân hàng Phát triển Việt Nam sớm thực hiện cho vay đối với các dự án nhà ở cho công nhân, thì Nhà nước cũng cần thành lập một tổ chức tín dụng riêng để thực hiện cho vay đối với các dự án an sinh xã hội, như dự án nhà lưu trú công nhân, nhà ở xã hội, ký túc xá sinh viên theo chính sách và ưu đãi đặc biệt như giảm lãi suất, giảm thủ tục hành chính, tăng thời gian vay vốn...
Ông Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Bộ này đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Phát triển Việt Nam để thí điểm cho vay ưu đãi đối với các dự án phát triển nhà ở công nhân, đề xuất giải quyết cho vay vốn ưu đãi đối với 11 dự án nhà ở công nhân KCN có quy mô chiếm đất 50 ha, diện tích sàn xây dựng là 726.710 m2, số người được đáp ứng là 60.000 công nhân (tổng mức đầu tư của 11 dự án này là 2.303 tỷ đồng và số vốn các chủ đầu tư cần vay khoảng 1.600 tỷ đồng).
Rõ ràng, việc sớm giải quyết vấn đề về vốn không những giúp các dự án tiếp tục triển khai, giải quyết các vấn đề bức xúc về chỗ ở cho công nhân KCN, mà còn là việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ. Bởi tại Chỉ thị 2196/CT-TTg về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đẩy mạnh các chương trình xây dựng nhà ở công nhân KCN.
Hữu Tuấn
Theo Dau tu