ĐS&TD - Là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ nhân viên từ 14 năm trước nhưng đến nay chưa khởi công, Đại học quốc gia (ĐHQG) TP.HCM vừa có buổi tiếp xúc với Báo Đời sống & Tiêu dùng để giải đáp những vấn để liên quan của dự án.
Ông Lâm Tường Thoại, Trưởng Ban pháp chế Đại học Quốc gia (bên trái)
Theo đó, sau khi Báo Đời sống & Tiêu dùng có loạt bài về những bức xúc của người tham gia góp vốn mua nhà dự án nhà ở cán bộ nhân viên ĐHQG TP.HCM, chiều 14/5, ông Lâm Tường Thoại, Trưởng ban thanh tra pháp chế của ĐHQG; ông Trịnh Tấn Hoài – Uỷ viên thường trực dự án 245 cùng các chuyên viên về các mảng kế toán, văn thư hành chính, kỹ thuật đã có buổi làm việc với Cơ quan đại diện Báo Đời Sống và Tiêu dùng phía Nam.
Tháo gỡ nút thắt
Để làm rõ hơn các thông tin, cũng như khúc mắc của dự án, ông Lâm Tường Thoại nêu ra 4 tiêu chí để tiếp tục thực hiện dự án là “nhanh chóng, đúng thời điểm và đúng quy định của pháp luật, giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo chất lượng”. Không những thế, xuyên suốt buổi làm việc, phía đại diện của ĐHQG luôn nhấn mạnh, trường có thiện chí để giải đáp những vướng mắc và cung cấp thông tin cho người góp vốn chứ không hề có ý ém nhẹm hay che giấu thông tin.
Ông Thoại đã nêu lên được “nút thắt mấu chốt” khiến nhiều người tham gia góp vốn đã bức xúc trước đó: “Dự án này xuất hiện đầu 2001, đến khoảng năm 2006 thì bắt đầu xuất hiện tranh chấp của công ty EDICO. Vấn đề ở chỗ, theo hợp đồng ban đầu, dự án hơn 80 ha đất này có khoảng 15ha đất của công ty Edico góp vào. Sau khi Công đoàn ĐHQG kêu gọi góp vốn thì có nhiều người đã đăng ký tham gia. Thời điểm ấy, do sự thiếu sót kinh nghiệm và không để ý kỹ nên Công đoàn đã ký nhiều hợp đồng và làm mất đi 15ha đất của công ty Edico. Thấy vậy, công ty này tiến hành kiện, Thanh tra Chính phủ vào cuộc và nhắc nhở. Trường ĐHQG mới bắt đầu thay đổi và chỉnh lại cho đúng”.
Ông Thoại giải thích thêm, mâu thuẫn xảy ra giữa công ty Edico với Ban quản lý dự án đến nay đã được giải quyết xong và “đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được bất kì đơn khiếu nại nào của bà con về đất đai. Những mâu thuẫn về 15ha đất giữa công ty Edico với ĐHQG đã được hòa giải và giải quyết bằng cách thương lượng. Tại sao chỉ có khoảng 15ha đất mà nó kéo dài dữ vậy? Thực ra, bên mình rất lúng túng ở chỗ là muốn giữ lại 15ha đất cho bà con. Vì xét về tình, nhiều người nói là mua 2 - 3 nền để đứng tên cho người nhà là nghe rất hợp lý. Thế nhưng, cũng chính vì điều nghe hợp lý đó nên bên Ban quản lý đòi điều kiện những người này phải chứng minh được nền đất đó dành cho người nhà chứ không phải để mua bán lại nên sự tranh chấp mới kéo dài”.
“Ngoài ra, không hề có việc mua bán đất giữa ĐHQG với công ty Edico. Thực chất, công ty này đang lấy lại số đất ban đầu của họ góp vào. Số tiền hơn 600.000 đồng/m2 đất mà họ phải nộp là số tiền bù lại cho những khâu kỹ thuật như san lấp, kéo cao độ...”- ông Thoại giải thích thêm.
Nhận sai và nêu ra những khó khăn
Phía trường ĐHQG nhận đã sai từ lúc đầu, khi cho quá nhiều người đăng kí tham gia góp vốn và làm "mất" đi đất của công ty Edico.
Cũng chính vì thế, về sau này, trường luôn thực hiện, bám sát, nghiên cứu kỹ vào các luật ban hành để không phạm phải sai lầm một lần nữa và xây dựng cho mình 4 tiêu chí để hoàn thành dự án.
Ông Thoại giải thích: “Ban quản lý dự án cùng trường ĐHQG sẽ nhanh chóng xúc tiến các khâu tiếp theo của dự án, hoàn thành đúng theo quy định và các luật đã được ban hành. Chúng tôi đã sai một lần rồi nên lần này, khi làm gì cũng đều có sự nghiên cứu kỹ, không thể nào để sai thêm lần thứ 2. Ngoài ra, bên phía ĐHQG cũng sẽ tìm cách giảm tối đa các thiệt hại cho người góp vốn và mang đến một sản phẩm chất lượng”.
Trường cũng cho biết, điều khó khăn trong việc cung cấp thông tin là có quá nhiều người đã tham gia góp vốn. Ông Thoại nói: “Vì có quá nhiều người tham gia góp vốn là những người ở bên ngoài nên vấn đề ở chỗ là trường không thể nào thông báo hết. Tuy nhiên, mọi thông tin đều được đăng tải lên website và trong mỗi cuộc họp với Công đoàn đều thông báo rõ những tiến triển mới. Không hề có chuyện ĐHQG ém nhẹm thông tin vì bên phía ĐHQG không được bất kì khoản lợi nào trong việc này”.
Trường ĐHQG cũng đang tính đến các biện pháp bù đắp lại số đất bị mất đi của những người góp vốn 2- 3 nền. Qua đó, trường đã nhờ đến Ban Thẩm định giá của UBND TPHCM và sẽ sớm có phương pháp đúng đắn nhất. Đến thời điểm hiện tại, dự án đang được xúc tiến hoàn thành những khâu tiếp theo về mặt kỹ thuật và chủ yếu là về cơ sở hạ tầng. Và ĐHQG dự định trong khoản cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, sẽ có cuộc họp để gặp mặt bà con và thông báo tiến độ cũng như gặp gỡ để thông tin mọi việc rõ ràng hơn.
Hy vọng với những giải thích và cam kết trên, ĐHQG TP.HCM sẽ sớm làm việc và đối thoại với những người tham gia góp vốn để giải thích những khúc mắc. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ để dự án có thể hoàn thành sớm và đáp lại những mong mỏi, đợi chờ trong suốt 14 năm qua của bà con.
Thanh Huyền