Năm 2018 là một năm khá đặc biệt với TTCK ở nhiều góc độ, trong đó cái được nhiều hơn cái mất. Việc không giữ được mức điểm số và vốn hóa kỷ lục là điều để lại nhiều tiếc nuối cho nhà đầu tư. Nhưng nhìn rộng ra, đó là sự tất yếu khi kinh tế toàn cầu có dấu hiệu đi vào chu kỳ giảm tốc và sự thắt chặt tiền tệ từ Fed gây tác động lan tỏa mạnh, cũng như việc Mỹ khơi mào chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Trên bình diện chung, Việt Nam là một điểm sáng của năm 2018 cho dòng vốn ngoại, trong khi các nước láng giềng bị rút vốn mạnh như Thái Lan, Malaysia, Philippines.
Ở góc độ tương lai, việc FTSE đưa TTCK Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng tạo nên kỳ vọng mang tính đột phá cho thị trường khi thu hút thêm các dòng vốn ngoại và chất lượng hơn ở quy mô toàn cầu.
Năm 2019, yếu tố khiến nhà đầu tư nội và ngoại cùng quan tâm đó là Fed tuyên bố sẽ giảm cường độ tăng lãi suất xuống còn 1 - 2 lần, điều này có thể giúp các dòng vốn quay trở lại các thị trường mới nổi và cận biên.
Ngoài ra, một hiệp định “đình chiến” giữa Mỹ - Trung cũng sẽ mang tới sự an tâm cho hoạt động đầu tư toàn cầu.
Khả năng dịch chuyển các dòng vốn tư bản toàn cầu định hướng vào các khu vực sản xuất chủ lực của thế giới, trong đó có Việt Nam, sẽ mang lại nhiều cơ hội đầu tư cho các ngành về bất động sản khu công nghiệp, vận tải, hàng không…
Chính sách của Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động tới nhiều ngành trọng yếu của nền kinh tế như ngân hàng, bất động sản. Bên cạnh đó là chính sách từ Chính phủ như chọn phương án thoái vốn, thúc đẩy cổ phần hóa, vì vẫn còn nhiều doanh nghiệp chất lượng cần phải lên sàn để làm phong phú hàng hóa cho thị trường vốn và thu hút vốn.
Ông Dương Thế Quang,Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ðông Á (DAS)
Năm 2018 được xem là năm biến động khó lường không chỉ với TTCK Việt Nam, mà còn đối với hầu hết các TTCK trên thế giới. Thị trường chịu nhiều tác động từ yếu tố bên trong và bên ngoài, trong đó nổi bật là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, sự đảo chiều của dòng vốn quốc tế, những lo ngại về tình trạng tăng trưởng chậm toàn cầu.
Trong khi đó, kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều điểm sáng, tăng trưởng duy trì ở mức cao, ước đạt 7%, cao nhất trong những năm gần đây. Tỷ giá ổn định, hạn chế dòng tiền đầu cơ vào USD và tăng thêm niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài khi rót vốn vào Việt Nam.
Thu hút vốn FDI tiếp tục đạt mức cao và là một trong các quốc gia nổi bật nhất được kỳ vọng là điểm đến của dòng vốn FDI khi dịch chuyển khỏi thị trường Trung Quốc do cuộc chiến thương mại. Với dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, nhà đầu tư vẫn mua ròng trong năm 2018, khoảng hơn 40.000 tỷ đồng, cho thấy có rất nhiều doanh nghiệp đang hấp dẫn khối ngoại.
Nhưng nền kinh tế có những thách thức như cơ cấu tăng trưởng vẫn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI, tăng trưởng tín dụng dụng ở mức cao và có dấu hiệu bong bóng bất động sản, ảnh hưởng tới tính bền vững của nền kinh tế.
Những thách thức nội tại đó cùng với diễn biến khó lường từ các yếu tố bên ngoài được dự báo sẽ tác động đến TTCK trong năm 2019. Chẳng hạn, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc không chỉ diễn ra trên mặt trận thương mại mà còn dịch chuyển qua lĩnh vực công nghệ và vốn.
Diễn biến này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của hai cường quốc này và gây áp lực đến tăng trưởng toàn cầu, cuối cùng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Mặc dù vậy, trong năm 2019, dòng vốn đầu tư trên thế giới nhiều khả năng có xu hướng quay trở lại từ thị trường phát triển sang thị trường đang phát triển sau một năm rút về. Đầu tư cổ phiếu giá trị rất có thể sẽ “lên ngôi”.
Đáng chú ý, nhà đầu tư đang kỳ vọng rất lớn vào Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ được thông qua và áp dụng trong quý IV/2019, trong đó cho phép nới “room” nhiều hơn cho nhà đầu tư nước ngoài ở các ngành như ngân hàng, viễn thông, phân phối dược.
Nếu kỳ vọng nới room có khả năng trở thành hiện thực, rất có thể sẽ tạo ra cú huých cho cổ phiếu các nhóm ngành này từ cuối quý II/2019. Một nhóm ngành khác dự kiến tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới đầu tư là hạ tầng giao thông, bởi Việt Nam có kế hoạch triển khai lượng lớn dự án hạ tầng trong giai đoạn 2019 - 2021. Tuy nhiên, để nhóm này “bùng nổ”, Chính phủ cần điều chỉnh chính sách để thu hút lĩnh vực tư nhân tham gia đầu tư trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn chế.
Trong năm 2019, DAS đề ra chiến lược đầu tư giá trị và sẽ dịch chuyển dần hướng tư vấn vào chiến lược này, trong bối cảnh nhiều cổ phiếu bị bán dưới giá trị.
Vẫn có nhiều thử thách
Năm 2018, VN-Index đã có một khởi đầu tốt đẹp khi liên tiếp tăng mạnh trong quý I và đạt đỉnh 1.211 điểm vào ngày 10/4/2018. Sau đó, thị trường bước vào chu kỳ biến động mạnh với xu hướng giảm, hiện chỉ số lùi về dưới ngưỡng 900 điểm.
Mặc dù vậy, đây là diễn biến chung của TTCK thế giới, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc gia tăng. Thực tế, TTCK Việt Nam giảm ít hơn một số thị trường lân cận. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng hơn 1,7 tỷ USD, trái ngược với xu hướng rút ròng tại nhiều thị trường mới nổi khác.
Với VCBF, chúng tôi luôn giữ quan điểm đầu tư dài hạn và xem sự sụt giảm của thị trường là cơ hội để tiếp tục mua vào, khi nhiều cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng cao trong tương lai đã lùi về mức định giá hấp dẫn.
Chúng tôi đánh giá tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục có nhiều biến động trong năm 2019, do các bất ổn từ chiến tranh thương mại và kỷ nguyên nới lỏng tiền tệ đang chấm dứt. Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, năm 2019 nhiều khả năng tiếp tục là một năm đầy thử thách cho TTCK Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế và TTCK nhờ cơ cấu dân số vàng, chi phí sản xuất thấp, vị trí địa lý thuận lợi và cam kết cải cách mạnh mẽ của Chính phủ.
Triển vọng nâng hạng thị trường trong một vài năm tới cũng giúp Việt Nam có thể thu hút lượng vốn lớn từ các quỹ đầu tư nước ngoài và tạo tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư trong nước. Áp lực đáp ứng các tiêu chí để được nâng hạng sẽ tạo động lực cho các cơ quan quản lý đẩy mạnh cải cách và ban hành các chính sách hỗ trợ thị trường phát triển.
Triển vọng trung và dài hạn vẫn tích cực
Năm 2018, thanh khoản TTCK tăng mạnh, trung bình mỗi phiên giao dịch đạt 9.310 tỷ đồng. Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khoảng 1,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, sau đó bán ròng, nhưng mua ròng trở lại từ tháng 9 đến nay, trong khi nhiều thị trường khác trong khu vực gồm Thái Lan, Indonesia, Philippines… bị bán ròng. Đáng chú ý, cơ hội nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi ngày càng rõ nét.
Tuy nhiên, chỉ số thị trường biến động mạnh, phụ thuộc nhiều vào yếu tố tâm lý và bị chi phối không nhỏ bởi biến động của TTCK thế giới. Mặt khác, quý I/2018, thị trường tăng nóng và sự xuất hiện cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến không it nhà đầu tư nhìn nhận lại mức rủi ro của thị trường và thực hiện chốt lời, hoặc e dè trong việc giải ngân, khiến điểm số và thanh khoản suy giảm.
Năm 2019, TTCK Việt Nam nhiều khả năng tiếp tục chịu tác động bởi diễn biến của TTCK thế giới, nhất là thị trường Mỹ. Đặc biệt, Fed vẫn giữ quan điểm tăng lãi suất, điều này sẽ tác động đến tỷ giá, lãi suất ở các thị trường khác và theo TTCK thường phản ứng tiêu cực khi lãi suất tăng.
Hiện nay, quy mô nhà đầu tư đã lớn hơn trước rất nhiều, không chỉ có nhà đầu tư trong nước mà còn nhiều nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư…, nên nhà đầu tư càng chịu áp lực từ diễn biến tiêu cực của TTCK thế giới. Các nhà đầu tư quan ngại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tuy mang đến một số cơ hội cho Việt Nam, nhưng kèm theo đó là cả rủi ro, thách thức về xuất nhập khẩu. Nhưng hơn hết, tâm trạng lo lắng đang ảnh hưởng đến động thái giao dịch của các nhà đầu tư trên thị trường.
Mặc dù vậy, triển vọng thị trường trong trung và dài hạn sẽ tích cực hơn nhờ diễn biến khả quan của nền kinh tế, giúp hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết khởi sắc. Hơn nữa, dòng vốn nước ngoài vẫn chuyển biến tích cực và cơ hội nâng hạng thị trường đang đến gần. Đặc biệt, các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp nhìn chung cải thiện, với kết quả kinh doanh năm 2018 tăng trưởng khá nhanh so với năm 2017.
Việt Nam nằm trong TTCK khu vực châu Á, vốn đang phục hồi dần sau nhiều xáo trộn, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại và chính sách tiền tệ thắt chặt tại các quốc gia lớn, nên trong giai đoạn này, nhà đầu tư có thể tập trung vào những ngành có mức độ phòng thủ cao như thực phẩm, bán lẻ, điện…, do những ngành vẫn đang được hưởng lợi và duy trì tăng trưởng ổn định theo nhu cầu nội tại của nền kinh tế. Một số ngành nghề khác có thể được hưởng lợi như các ngành xuất khẩu (dệt may, thủy sản…), phục vụ xuất khẩu (logistic, cảng biển, hàng không, khu công nghiệp…).
Với mục tiêu đồng hành và đem lại hiệu quả đầu tư tối ưu nhất cho khách hàng, trong năm 2019, EVS sẽ tiếp tục theo đuổi các định hướng bao gồm kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng vào năm 2020 nhằm nâng cao tiềm lực tài chính để triển khai các dịch vụ mới, đặc biệt là phái sinh và chứng quyền.
Nhà đầu tư sẽ giải ngân thận trọng
Có khả năng, thị trường sẽ chứng kiến hoạt động chốt giá trị tài sản ròng (NAV) và thông tin dự báo về kết quả hoạt động năm 2018 của các doanh nghiệp đang dần dần được hé lộ. Về cơ bản, những thông tin này sẽ góp phần giúp thị trường được “kích” lên, tâm lý nhà đầu tư tốt hơn.
Tuy nhiên, có một yếu tố kiềm chế thị trường là Fed đang để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2019, kéo theo lo ngại về dòng tiền có thể tiếp tục rút ra ở các thị trường mới nổi.
Các nhà đầu tư tài chính luôn cân nhắc việc giảm thiểu rủi ro và biên lợi nhuận nằm ở một mức thích hợp theo tiêu chí của họ. Trong mô hình hoạt động ổn định thì việc Fed tăng lãi suất sẽ thu hút không nhiều tiền về, đặc biệt số tần suất thưa thì tác động không đáng kể. Cần lưu ý là phải “đính kèm” với thông tin cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thực sự. Đây là ẩn số khó dự đoán và khả năng càng khiến dòng tiền chảy ngược về Mỹ.
Chính vì vậy, dù có thông tin tích cực, nhưng với ẩn số khó lường trên thì nhà đầu tư sẽ giải ngân thận trọng. Thị trường nếu có diễn biến tích cực thì nhiều khả năng chỉ mang tính ngắn hạn.
P/E trên TTCK Việt Nam hiện khoảng 16 lần, đây là cơ hội để giải ngân, nhưng tùy vào góc nhìn của đối tượng giải ngân, mức này hợp lý cho các nhà đầu tư dài hạn, quỹ đầu tư chuyên nghiệp thực hiện mua vào.
Nhiều cơ hội đầu tư trung và dài hạn
Ông Dương Kỳ Hiệp, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Năm 2018, TTCK đạt đỉnh cao mới, mở ra một vị thế rất khác so với 11 năm trước. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia thu hút mạnh dòng vốn FDI, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, môi trường kinh doanh được cải thiện, nền kinh tế thị trường được thúc đẩy, đầu tư khoa học - công nghệ được chú trọng… Vì thế, năm qua được gọi là năm bản lề của đổi mới. TTCK Việt Nam hiện nay được ví như một đứa bé đang tuổi dậy thì, vì vậy sẽ còn tăng tốc nhanh, với các chính sách phù hợp trong thời gian tới.
Trên thế giới, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung một lần nữa được đẩy lên cao trào, các cường quốc đứng trước thách thức nợ và tăng trưởng chậm, làn sóng phá sản các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng, kinh tế châu Âu trong giai đoạn thoái trào…
Trong bối cảnh đó, Việt Nam được nhận định tiếp tục thu hút mạnh dòng vốn ngoại, TTCK sẽ thể hiện tốt vai trò huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế, hoạt động M&A đóng vai trò thiết yếu, mở rộng, tạo chiều sâu cho sự phát triển.
Tôi cảm nhận, năm 2019 có những thách thức đối với nền kinh tế, nhưng có nhiều cơ hội đầu tư trung và dài hạn. Nguồn vốn đầu tư vào thị trường sẽ được chọn lọc vào các ngành có triển vọng như bất động sản khu công nghiệp, dệt may, logistic, cảng biển và sản xuất, nông nghiệp công nghệ cao, trong khi ngành ngân hàng được dự báo còn dư địa tăng trưởng, dù lãi suất đang gặp những áp lực nhất định.
Chính phủ tiếp tục tập trung định hướng các ngân hàng phát triển sản phẩm dịch vụ, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn đảm bảo hệ thống được lành mạnh, đảm nhận tốt vai trò khơi thông dòng chảy vốn. Các sản phẩm TTCK dạng hợp đồng tương lai được tập trung cải tiến, đặc biệt hợp đồng tương lai trái phiếu sẽ là kênh huy động nguồn vốn lớn.