Là vùng đất cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội - tỉnh Hòa Bình được coi là cái nôi của người Mường cổ, với nền nét văn hóa Hòa Bình đặc sắc, nơi quy tụ gần 200 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, trong đó có 64 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia.
Là vùng đất cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội - tỉnh Hòa Bình được coi là cái nôi của người Mường cổ, với nền nét văn hóa Hòa Bình đặc sắc, nơi quy tụ gần 200 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, trong đó có 64 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia.
Cùng với đó là trên 50 bản, làng du lịch-văn hóa, đều là những nơi được đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Ông Bùi Ngọc Lâm, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho rằng: Đây là lợi thế để du lịch Hòa Bình hấp dẫn du khách thập phương.
Dệt thổ cẩm của người Mường ở Hòa Bình. Ảnh: TTXVN
Đến với Hòa Bình, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị về nếp sinh hoạt, tính thân thiện và cuộc sống mộc mạc của người dân bản địa. Hòa Bình hấp dẫn du khách bởi nét nguyên sơ của nếp nhà sàn, đức tính giản dị và hiền hòa của con người nơi đây.
Đặc biệt, mới đây tạp chí Business Insider đã bình chọn Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) là một trong mười địa danh hấp dẫn trên thế giới dành cho tour du lịch văn hóa địa phương: “Chỉ mất khoảng 3 giờ đi ôtô từ Hà Nội, Mai Châu là một điểm du lịch miền núi với những ngôi nhà sàn truyền thống nằm rải rác. Dân cư nơi đây chủ yếu là người Thái trắng sinh sống. Cách tốt nhất để bạn trải nghiệm văn hóa địa phương ở đây là tham gia loại hình du lịch 'homestay,' nghĩa là sống và tham gia sinh hoạt cùng với những gia đình địa phương.”
Cùng với người Mường, người Thái, Tày, Dao, Mông… trong tỉnh sống xen kẽ, hòa hợp với nhau đã tạo nên sự phong phú và đặc sắc của các giá trị văn hóa. Cách trung tâm thành phố Hòa Bình 12km, bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách nước ngoài.
Điểm nổi bật tạo nên sức hút đặc biệt cho bản Giang Mỗ là những nếp nhà sàn dân tộc Mường, sau bao nhiêu năm tháng vẫn giữ được vẹn nguyên nét mộc mạc với gần 100 ngôi nhà sàn còn giữ nguyên bản từ nhà cửa đến nếp sinh hoạt, hệ thống dẫn nước, cối giã gạo, cung, nỏ săn bắn, ruộng bậc thang cùng phương thức làm ruộng truyền thống, các lễ hội, phong tục tập quán Mường được người dân tái hiện từ thực tế cuộc sống.
Xa hơn, du khách có thể về với bản Cú, xã Tử Nê (Tân Lạc), bản Thấu, xã Lạc Sỹ (Yên Thủy)… Du lịch cộng đồng được đưa vào khai thác hơn 10 năm nay, đã đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Từ phát triển kinh tế, người dân đã ý thức được giữ gìn nếp sống hàng ngày, bản sắc văn hóa và đó là một yếu tố tạo nên thành công cho du lịch cộng đồng.
Đó là nét riêng của ngành du lịch Hòa Bình đang hướng đến khai thác, đầu tư cũng là định hướng xác đáng đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 11/NQ-TU về phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2007-2010, định hướng đến năm 2015: cần gắn phát triển du lịch với việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và đặc thù văn hóa địa phương.
Ngoài ra, giá trị văn hóa được ẩn chứa trong các phong tục, tập quán, lễ hội. Các lễ hội văn hóa đậm đà bản sắc như: lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), lễ hội chùa Tiên (Lạc Thủy), lễ hội chùa Hang (Yên Thủy), lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Mường, lễ hội Cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao... được tổ chức đều đặn hàng năm để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, hướng về nguồn cội đã làm thỏa mãn những du khách đam mê khám phá các giá trị cổ truyền. Cùng với các lễ hội, nhiều di tích văn hóa tín ngưỡng được các cấp bảo tồn và phát huy với nhiều hình thức: sưu tầm các di vật, cổ vật trên địa bàn; khơi dậy các sản phẩm du lịch độc đáo nhạc cụ cồng chiêng của người Mường.
Đặc biệt, cái nôi văn hóa của người Việt cổ giờ đây được in đậm trong các quần thể di tích có giá trị khảo cổ như hang Ma (Tân Lạc), hang Giỗ, hang xóm Trại (Lạc Sơn), hang Chổ (Lương Sơn)… Nhờ phát huy được các giá trị văn hóa đó, Hòa Bình ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Riêng 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã đón khoảng 885.000 lượt khách du lịch, trong đó có 150.000 lượt khách quốc tế, 735.000 lượt khách nội địa tăng 20% so với cùng kỳ của năm 2012.
Hòa Bình được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng lớn về du lịch, tuy nhiên tỉnh vẫn chưa khai thác được thế mạnh đó. Hiện nay, hồ Hòa Bình ví như một vịnh Hạ Long trên cạn tuy đã đưa vào tuyến du lịch trọng điểm Quốc gia nhưng chưa thu hút được đầu tư. Khách du lịch lòng hồ Hòa Bình phần lớn là du lịch tâm linh đền Bờ, thăm một vài hang động, đảo dừa, đảo cối xay gió, tỉnh chưa có đầu tư tương xứng tạo điểm nhấn ở vùng đất sơn thủy hữu tình này. Để tạo ra một sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn du khách cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương. Thực tế này đòi hỏi tỉnh Hòa Bình phải xây dựng chương trình hành động về du lịch thiết thực hơn, đẩy mạnh quảng bá rộng rãi những giá trị độc đáo của nền văn hóa cổ truyền.
Nhan Sinh
theo TTXVN