VN đang có gần 150.000 người giúp việc gia đình nhưng họ chỉ làm việc bằng hợp đồng miệng, không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và giúp việc nhà chưa được coi là một nghề mặc dù xã hội có nhu cầu.
VN đang có gần 150.000 người giúp việc gia đình nhưng họ chỉ làm việc bằng hợp đồng miệng, không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và giúp việc nhà chưa được coi là một nghề mặc dù xã hội có nhu cầu.
Chăm sóc người bệnh, người già là kỹ năng cần có ở nghề giúp việc nhà.
Trong ảnh: khóa học “Chăm sóc sức khỏe tại gia” ở TP.HCM
- Ảnh: Ngọc Trường
Công việc này đang được đề nghị đưa vào danh mục nghề quốc gia.
Hợp đồng miệng
Tại cuộc họp báo ngày 19-10 công bố nghiên cứu về nghề giúp việc gia đình ở Hà Nội và TP.HCM (do Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng, Heath Bridge Canada thực hiện trong hai tháng 8 và 9 vừa qua), bà Ngô Thị Ngọc Anh, nguyên phó vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch - thành viên nhóm nghiên cứu, cho hay theo ước tính mới nhất, cả nước có gần 150.000 người giúp việc gia đình. Qua khảo sát tại Hà Nội và TP.HCM, 85% người giúp việc gia đình có học vấn THCS trở xuống, 14,8% ở độ tuổi trên 55, mức lương trung bình 2,7 triệu đồng/tháng. Cán bộ viên chức nhà nước, người kinh doanh buôn bán và hưu trí là ba nhóm chính sử dụng người giúp việc gia đình.
Theo nghiên cứu này, có đến gần 90% người giúp việc gia đình chỉ có hợp đồng miệng với chủ nhà. Tỉ lệ người có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế rất thấp và có trước khi làm giúp việc gia đình. Do không có hợp đồng chặt chẽ, nghiên cứu cũng cho thấy rất khó xử lý khi xảy ra tranh chấp giữa chủ nhà và người lao động do không có hợp đồng làm bằng cớ.
“Văn hóa, khẩu vị, lối sống của từng vùng miền là vấn đề gây bức xúc nhiều nhất giữa chủ nhà và người giúp việc. Ở thành thị nấu canh cua với mồng tơi, rau đay và mướp hương, nhưng có nơi lại cho tía tô, kinh giới vào canh cua và cho là để giải cảm. Khi chủ nhà về, canh đã nấu rồi, chủ nhà không thể đổ đi. Khi dặn dò sử dụng thiết bị gia dụng, người giúp việc nhiều khi trả lời là đã biết rồi, nhưng thực tế họ vẫn làm chưa đúng”- thạc sĩ Trần Thị Hồng, người từng tham gia nghiên cứu về nghề giúp việc gia đình, chia sẻ tại cuộc họp báo.
Chính vì lý do này, có đến gần 90% gia đình sẵn sàng trả lương cho người giúp việc gia đình qua đào tạo cao hơn những người chưa được đào tạo. Tuy nhiên theo bà Ngọc Anh, hiện mới chỉ có người giúp việc gia đình cho người nước ngoài, người có thu nhập cao được đào tạo theo đơn đặt hàng, với các khóa học từ 3-7 ngày về cách giặt quần áo, nấu một số món ăn theo khẩu vị địa phương, sử dụng thiết bị trong gia đình. “Người giúp việc luôn nghĩ nấu ăn, giặt quần áo ai mà không biết nên họ không đi học. Hơn nữa vì không có hợp đồng lao động và các ràng buộc nên họ cũng chưa coi đây là một nghề”- bà Ngọc Anh chia sẻ.
Nên đưa vào danh mục nghề
Theo bà Ngọc Anh, Bộ luật lao động sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua lần đầu tiên đã có định nghĩa khá đầy đủ về người giúp việc gia đình. Trong các nghị định hướng dẫn, đề nghị đưa nghề giúp việc gia đình vào danh mục nghề nghiệp quốc gia, người giúp việc gia đình được ký hợp đồng lao động như người làm các nghề nghiệp khác, có quyền được chăm sóc y tế, được đào tạo, cung cấp kỹ năng sống...
Trong quá trình hai tháng triển khai nghiên cứu, nhóm nghiên cứu cho hay rất nhiều chủ nhà không muốn người giúp việc nhà mình tham gia đi họp và trả lời các câu hỏi. Họ cho rằng như vậy là “vẽ đường cho hươu chạy”, trong khi người giúp việc rất thích thú vì lần đầu tiên họ được danh chính ngôn thuận tham gia một cuộc trả lời về mình và tương lai của nghề nghiệp mình.
Thạc sĩ Lê Thị Thu, thành viên nhóm nghiên cứu này, cho biết dự kiến đến năm 2013, một dự án do Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng thực hiện nhằm hỗ trợ người giúp việc cả ở đầu đi và đầu đến, theo hướng thành lập các CLB, hỗ trợ các ông bố ở lại quê nhà cách thức chăm sóc nuôi dạy con cái, giữ gìn và phát triển khoản tiền mà người vợ đi làm giúp việc gửi về. Ở đầu đến, đó là các CLB họp mỗi quý/lần nhằm cung cấp cho người giúp việc các kỹ năng sống và kỹ năng làm công việc nhà, tự bảo vệ trong tình huống gặp khó khăn...
“Phụ nữ ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... đang được hỗ trợ việc nhà để có thể thăng tiến hơn trong công tác xã hội, nhưng vai trò của nghề giúp việc vẫn chưa rõ ràng, mặc dù đúng là xã hội có nhu cầu ngày càng nhiều hơn và những vấn đề liên quan đến người giúp việc đang ngày càng gắn bó với đời sống gia đình ở thành thị”- thạc sĩ Thu nhấn mạnh.
Theo Tuoitre