Với khí cầu trang bị công nghệ hiện đại, các nhà thám hiểm người Mỹ tự tin có thể tìm được chứng cứ cho thấy huyền thoại người tuyết là có thật.
Với khí cầu trang bị công nghệ hiện đại, các nhà thám hiểm người Mỹ tự tin có thể tìm được chứng cứ cho thấy huyền thoại người tuyết là có thật.
Dù ở đâu, những sứ mệnh tìm kiếm người tuyết luôn có ít nhất 2 điểm chung: thứ nhất là không thành công, và thứ hai luôn diễn ra trên mặt đất. Nay, dự án Chim ưng sẽ đi vào lịch sử hành trình vô vọng lâu nay, với mong muốn tìm được chứng cứ về sự tồn tại của người tuyết.
Khí cầu Aurora Mk II phục vụ cho dự án đầy tham vọng - Ảnh: Project Falcon
Với mục tiêu quay được “hình ảnh của một loài có nhân dạng giống người ở tổ của nó”, dự án Chim ưng do một người tên William Barnes làm trưởng nhóm sẽ sử dụng khí cầu dài 14 m, được trang bị máy quay và có khả năng điều khiển từ xa để dò thám tại những điểm từng được cho là đã xuất hiện người tuyết trên đất Mỹ (gọi là Bigfoot). Barnes, chuyên nghề đào vàng và từng tuyên bố đã chạm trán với sinh vật này vào năm 1997, cho rằng một khí cầu chứa đầy khí helium sẽ cho phép nhóm của ông làm được điều mà những chuyên gia trước đó từng thất bại, nhờ vào 2 đặc điểm quyết định: khả năng tàng hình và cơ động.
Máy quay gắn trên con tàu có thể ghi lại những thước phim trong điều kiện hồng ngoại, chụp ảnh nhiệt và có độ phân giải cao. Do máy quay được lắp thiết bị con quay hồi chuyển, nó sẽ tránh được tình trạng chung của những máy quay trước đó vốn chỉ cho ra những hình ảnh mờ nhoẹt và đầy sạn. Bên cạnh đó, khí cầu tên Aurora Mk II đã được hãng Remote Aerial Tripods Inc. ở Canada lắp ráp theo thiết kế riêng cho dự án Chim ưng, và sẽ hoàn tất vào mùa xuân năm sau, theo trang Gizmag. Tàu có vận tốc tối đa từ 56 - 72 km/giờ, đủ để theo dõi “một sinh vật đang di chuyển nhanh trên mặt đất” nhưng hạn chế tối thiểu tình trạng tiếp xúc với nó.
Mẫu vật được cho là bàn chân của người tuyết
Trong khi chưa từng có chứng cứ xác thực về sự có mặt của sinh vật trên, dự án Chim ưng vẫn tuyển mộ một nhà khoa học thực thụ làm người điều tra chính cho cả đoàn. Đó là Jeff Meldrum, Giáo sư Khoa Giải phẫu và nhân loại học ở Đại học bang Idaho (Mỹ), học giả hiếm hoi luôn thích thú lùng sục thông tin về sinh vật lông lá huyền thoại. “Ngay cả khi dữ liệu về ADN cho thấy có sự tồn tại của một sinh vật bí ẩn, các cuộc nghiên cứu thực địa vẫn không hề dễ dàng”, báo Daily Mail dẫn lời Giáo sư Meldrum cho hay. Vào năm 2011, ông Meldrum đã được mời tham gia sứ mệnh tìm kiếm người tuyết ở Siberia, gọi là Yeti. Hành trình này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của quốc tế khi các nhà nghiên cứu tuyên bố đã tìm thấy “chứng cứ không chối cãi” về Yeti, nhưng Meldrum kết luận rằng toàn bộ sứ mệnh trên chỉ là một màn kịch đã được dựng sẵn, theo trang AOL.com.
Cho đến thời điểm này, đoạn băng duy nhất từng ghi được hình ảnh Bigfoot thuộc về ông Roger Patterson quá cố ở California vào năm 1967. Đoạn phim bị chỉ trích dữ dội do người xem nghi ngờ về tính chân thực của nó, nhưng Patterson kiên quyết giữ vững lập trường, cho đến khi qua đời vào năm 1972. Theo nhiều nguồn tin, người tuyết được mô tả như là một sinh vật giống vượn cao từ 1,8 - 3 m, nặng hơn 200 kg, bao phủ bằng lớp lông dày màu nâu hoặc vàng đậm. Những người từng tuyên bố đã đối mặt người tuyết cũng miêu tả rằng sinh vật này cực kỳ nặng mùi. Huyền thoại về sinh vật này phổ biến đến nỗi có đến 1/3 số dân Mỹ cho rằng nó có thật, theo một cuộc khảo sát vào năm 2012.
Hạo Nhiên
Theo Thanhnien