Những đứa trẻ sinh ra sẽ hạnh phúc hay bất hạnh? Những bà mẹ đau đớn xót xa khi giao “máu thịt” cho người khác hay hoan hỷ trước cọc tiền mình nhận được? Xung quanh câu chuyện đẻ thuê thật lắm bi hài.
Những đứa trẻ sinh ra sẽ hạnh phúc hay bất hạnh? Những bà mẹ đau đớn xót xa khi giao “máu thịt” cho người khác hay hoan hỷ trước cọc tiền mình nhận được? Xung quanh câu chuyện đẻ thuê thật lắm bi hài.
Đẻ thuê là chuyện vô cùng tế nhị. Không người phụ nữ nào muốn làm việc đó cả. Nhưng vì đường cùng, vì muốn kiếm được chút tiền giải quyết việc hệ trọng, mà họ phải nhắm mắt dấn bước. Anh bạn tôi, giám đốc một doanh nghiệp, khá giàu, nhưng lấy vợ đã 10 năm, mà chưa có mụn con. Lý do: vợ vô sinh do u nang buồng trứng. Anh là con trưởng. Không còn cách nào khác, vợ anh chấp nhận phương án tìm người đẻ thuê. Mọi chuyện diễn ra bí mật tuyệt đối.
Bên ly cafê, anh than thở: “Bà cò dẫn đi chục cô rồi, nhưng chưa chọn được cô nào ưng ý”. Cô nào xấu anh không có cảm xúc, không thể ngủ cùng được. Cô nào mắt la mày lét, nói chuyện miệng lệch một bên, anh cũng lắc đầu, vì anh tin rằng cô đó có tính giả dối. Những cô gái có quá khứ làm tiền anh không chấp nhận, sợ con mang gene của mẹ. Anh không cần một cô gái học nhiều, nhưng khuôn mặt phải toát lên vẻ sáng láng.
Kiếm một cô gái đẻ thuê, có hình thức, lại tướng đẹp, quả là chả khác gì mò kim đáy bể. Nhưng anh vẫn mang niềm tin là sẽ tìm được người ưng ý. Chuyện con cái là sự nghiệp lớn nhất trong đời, nên không thể vội vàng. Rồi anh rủ tôi đi gặp người đàn bà, là trùm môi giới, dẫn dắt các cuộc đẻ thuê.
“Cò” đẻ thuê
Người đàn bà đó tên Minh, sống góa cùng với cô con gái, ở ngõ Thổ Quan (Đống Đa, Hà Nội). Tôi đi cùng anh bạn, là khách quen của bà, nên bà không nghi ngại gì cả. Bà bảo, bà làm nghề này đã ngót chục năm. Bà đến với nghề là cơ duyên. Ấy là lần 10 năm trước, một cô công nhân trọ cạnh nhà bà trót mang bầu, bị tên người yêu họ Sở trốn biệt. Thai quá ngày, không phá được. Thương cô, bà chu cấp cho cô ăn ở, rồi đẻ đái. Đẻ xong, bà gọi người nhà giàu bồng đứa bé về nuôi. Họ đặt lễ 50 triệu đồng. Bà chia cho cô gái 30 triệu. 20 triệu bà đã chi phí cho quá trình mang thai, sinh đẻ của cô.
Bà Minh - "cò" đẻ thuê.
Thế rồi, người đàn ông kia lại liên lạc với bà, rằng nếu bà thuyết phục được cô gái kia đẻ thuê cho anh ta một đứa con, anh sẽ mua cho cô một ngôi nhà để ổn định cuộc sống. Làm công nhân, vạ vật ở thủ đô, cả đời cũng chả mơ có một mái nhà, nên cô gật đầu đồng ý. Xong vụ đó, cô kia được anh ta tặng ngôi nhà ở ngoại ô, còn bà Minh được tặng 50 triệu. Tất cả cùng có lợi.
Bà bảo, công việc của bà, nghe cứ như là buôn người, nhưng làm lâu năm rồi, bà thấy nó mang lại rất nhiều ý nghĩa. Việc này giải quyết được khó khăn tài chính rất lớn cho những phụ nữ ở quê lên thành phố làm công nhân, gồng gánh thuê mướn, thậm chí là ôsin, gặp hoàn cảnh quá éo le.
Quan trọng hơn là nó mang đến niềm vui được làm cha, làm mẹ cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Với các cặp vợ chồng hiếm muộn, có được đứa con cùng dòng máu của chồng, thì tiền bạc không so được. Vụ cô gái kia kiếm được ngôi nhà nhờ đẻ thuê, đã khiến nhiều cô gái khác biết chuyện cũng nảy sinh ý định đẻ thuê và bà Minh bỗng nhiên trở thành người môi giới cho dịch vụ kỳ quái này.
Nhiều chị em vô sinh, phải chấp nhận phương án tìm người đẻ thuê cho chồng. Ảnh chụp tại một phòng khám hiếm muộn.
Xem mặt người đẻ thuê
Chiều tối, bà Minh hẹn ở phố Xã Đàn. Tôi và anh bạn đến đúng hẹn. Anh bạn dặn đi dặn lại rằng, phải giấu tuyệt đối tên tuổi, địa chỉ những nhân vật liên quan. Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thực (trừ tên thật của nhân vật), tôi ghi chép lại một cách trung thực, để độc giả có sự nhìn nhận khách quan về hiện tượng khá tế nhị đang tồn tại trong đời sống xã hội.
Bà Minh lên xe, rồi chúng tôi ra khỏi nội thành, ra đường 5, về thị trấn Như Quỳnh để xem mặt một cô gái. Theo thủ tục, thì anh bạn tôi đặt cọc cho bà Minh 10 triệu đồng. Bà sẽ tìm đến khi nào được người anh đồng ý thì thôi. Không được ai thì bà hoàn lại tiền đầy đủ. Gặp mặt rồi, khách ưng ý, thì sẽ làm hợp đồng, thống nhất tiền công, cùng rất nhiều điều khoản, chi phí lặt vặt phát sinh khác. Khi nào ký vào hợp đồng, thì đặt cọc một khoản, chừng 30%. Đẻ xong thì trao tiếp 30% nữa. Khi bế con về thì trả hết tiền, rồi thưởng cho bà Minh bao nhiêu là tùy lòng thành.
Tất nhiên, hợp đồng này không được pháp luật công nhận, nhưng cứ phải thảo cho chắc ăn. Theo bà Minh, điều quan trọng nhất là sự tự nguyện và tin tưởng nhau. Bà ta phân tích thêm: Hầu hết người hiếm muộn đều khát khao có một đứa con và tiền nong bao giờ cũng không thành vấn đề. Có được đứa con kháu khỉnh, xinh đẹp thì kể cả khuynh gia bại sản cũng chấp nhận, nên không lo ngại chuyện họ “bùng”.
Cô gái mà bà Minh dẫn chúng tôi đến gặp tên là Hiền, hiện đang làm công nhân ở một công ty may. Dẫn vào cửa phòng trọ, bà Minh bỏ ra ngoài để Hiền tiếp tôi và anh bạn, tự bàn bạc thoải mái. Hiền quê ở mãi Ninh Bình, năm nay mới 20 tuổi mà trông đã quá già dặn. Sự vất vả, lam lũ hiện rõ trên khuôn mặt cô. Hiền sống cùng 3 người bạn trong một căn nhà trọ độ 10m2 ở ven thị trấn Như Quỳnh.
Hiền ngồi nép sát góc giường, thỉnh thoảng lại nhìn chúng tôi như dò xét. Tôi hỏi: "Sao em ở nhà có một mình?", Hiền nói: "Mấy chị ở cùng phòng đi làm thêm ca, em về sớm vì có hẹn với cô Minh”.
Dãy nhà trọ Hiền ở.
Nhìn vẻ hiền lành, chân chất của cô gái vừa tròn 20, tôi không tài nào hình dung nổi cô đang chuẩn bị làm một chuyện vừa quái gở, vừa động trời: làm vợ tạm kẻ hoàn toàn xa lạ để mang thai, đẻ con rồi bán. Hiền kể cho tôi nghe rất nhiều về hoàn cảnh éo le của mình. Bố cô đã mất 5 năm trước vì tai nạn giao thông, mẹ suy nghĩ nhiều mà hóa điên. Thời gian bà ở bệnh viện tâm thần nhiều hơn ở nhà.
Hai đứa em nhỏ chẳng biết bấu víu vào đâu ngoài người mẹ lúc tỉnh táo lúc u mê. Phận làm chị, Hiền phải bỏ học lên Hà Nội, rồi dạt về Hưng Yên làm may. Lương công nhân may thì rẻ mạt, phải làm tăng giờ, tăng ca cũng chỉ được 3 triệu đồng. Dù em đã tằn tiện hết cỡ để cuối tháng có tiền gửi về quê, song cũng không đủ để mẹ chữa bệnh chứ chưa nói đến chuyện nuôi hai em nhỏ ăn học.
Tôi hỏi: “Em đã đẻ thuê cho ai bao giờ chưa?”, Hiền bẽn lẽn trả lời: “Ở công ty em cũng có 2 chị đã đẻ thuê mấy lần nhờ cô Minh dẫn mối. Thấy kiếm tiền dễ nên em cũng thử một lần. Cũng có mấy người đến gặp nhưng họ bảo em còn ít tuổi, chưa có kinh nghiệm chăm sóc thai nhi nên đến rồi không quay lại nữa. Em tính làm một lần lấy vốn rồi về quê nghĩ cách khác làm ăn lâu dài để kiếm tiền nuôi em, chăm mẹ. Ở đây xa nhà, công việc lại không ổn định nên chán lắm”.
Anh bạn tôi hỏi: “Vậy em tính lấy bao nhiêu?”. Hiền bảo: “Chắc cô Minh cũng đã nói với anh còn gì. Anh đưa em trước 100 triệu, khi nào em đẻ anh đưa 100 triệu nữa. Anh bế con đi thì đưa nốt 100 triệu. Tổng cộng là 300 triệu. Mấy chị đẻ thuê mà em tìm hiểu đều tính thế cả. Nếu đẻ con trai thì các chị ấy được bồi dưỡng thêm vài chục triệu nữa. Ngoài ra, các chi phí khác anh phải chịu giúp em vì lúc mang thai em không thể đi làm được”.
Những chi phí khác ở đây là tiền thuê nhà trọ, khám thai, thuốc bổ, dưỡng thai, chi phí sinh đẻ, hậu sản… Số tiền này phụ thuộc nhiều vào sức khỏe của người đẻ thuê. Người đẻ thuê có thể chất tốt thì tốn kém không đáng kể, còn mang bầu khó, thì có thể tốn tiền trăm. Nếu sảy thai, thì làm lại từ đầu.
Theo VTCNews