Trước thông tin Tập đoàn Điện lực VN (EVN) Đà Nẵng năm nay không thưởng tết ngày 27-12 ông Trần Văn Ngọc, chủ tịch công đoàn EVN, cho biết chưa có thông tin cụ thể về việc này.
Trước thông tin Tập đoàn Điện lực VN (EVN) Đà Nẵng năm nay không thưởng tết ngày 27-12 ông Trần Văn Ngọc, chủ tịch công đoàn EVN, cho biết chưa có thông tin cụ thể về việc này.
Theo ông Ngọc, dù phải giữ giá bán để ổn định vĩ mô nhưng do sản xuất kinh doanh không có lãi, mấy năm nay EVN đã không có khoản thưởng tết cho nhân viên.
Tuy nhiên, ông Ngọc cho biết đơn giá tiền lương của EVN căn cứ vào năng suất lao động, tức tổng số kWh sản xuất được bao nhiêu thì sẽ căn cứ vào đó tính quỹ lương. Sau khi có kết quả sản xuất kinh doanh cả năm, căn cứ vào đơn giá tiền lương của Bộ LĐ-TBXH mà tính ra tổng quỹ lương.
Theo ông Ngọc, hằng tháng EVN cho cán bộ, công nhân viên hưởng khoảng 70-80% tiền lương, cuối năm trả nốt 20-30% còn lại. Theo một lãnh đạo EVN, đến nay chưa hết năm 2011, EVN chưa thể tính được tổng sản lượng bán bao nhiêu triệu kWh điện nên chưa biết tổng quỹ lương sẽ được bao nhiêu. Quan chức này khẳng định tiền thưởng của EVN đúng là không có và cán bộ công nhân viên ngành điện sẽ chỉ được hưởng phần lương chưa lĩnh để lo tết.
Theo ông Phạm Lê Thanh - tổng giám đốc EVN, năm 2010 lương trung bình của cán bộ, công nhân viên tập đoàn là 7,3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, báo cáo kiểm toán của Nhà nước cho biết lương trung bình của EVN là 13,7 triệu đồng/tháng (kể cả thưởng an toàn điện).
* Sở LĐ-TBXH tỉnh Bình Dương cho biết đã có gần 300 doanh nghiệp công bố mức thưởng tết. Trong đó mức thưởng cao nhất là 130 triệu đồng thuộc về doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, kế đến là doanh nghiệp dân doanh có mức thưởng 111 triệu đồng và doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có mức thưởng là 67,2 triệu đồng. Mức thưởng bình quân của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là 3,2 triệu đồng, doanh nghiệp dân doanh có mức thưởng 2,2 triệu đồng và doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có mức thưởng 8 triệu đồng.
Ngoài tiền thưởng tết, nhiều doanh nghiệp còn hỗ trợ tiền tàu xe, tặng quà và tổ chức các chương trình văn nghệ, rút thăm trúng thưởng cho người lao động. Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương tổ chức xe miễn phí đưa 700 công nhân về quê ăn tết. Mức hỗ trợ tết của UBND cho một số đối tượng cũng cao hơn năm trước từ 500.000-1 triệu đồng.
UBND tỉnh Bình Dương còn chỉ đạo tăng suất hỗ trợ cho các đối tượng bị tai nạn lao động, cán bộ mất sức lao động, nâng số lượng công nhân lao động nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn lên 6.000 suất. Dự kiến tổng mức hỗ trợ chế độ cho các đối tượng là hơn 119 tỉ đồng.
* Sở LĐ-TBXH tỉnh Đồng Nai cho biết hiện đã có 782 doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh báo cáo mức thưởng Tết Nhâm Thìn 2012. Theo đó, mức thưởng tết cao nhất năm nay là 100 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp dân doanh, kế đến là mức 80 triệu đồng thuộc về doanh nghiệp cổ phần có vốn góp nhà nước.
Cũng theo Sở LĐ-TBXH tỉnh Đồng Nai, doanh nghiệp dân doanh là khối có mức thưởng tết thấp nhất (1,8 triệu đồng/người). Trong khi đó, một số doanh nghiệp nhà nước có mức thưởng khá cao (70 triệu đồng/người).
* Ngày 27-12, ông Mai Xuân Trí - phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Khánh Hòa - cho biết mức thưởng tết thấp nhất tại Khánh Hòa là 50.000 đồng (Công ty TNHH Sambo Ise, khối FDI). Năm ngoái, công ty này cũng “đội sổ” thưởng tết tại Khánh Hòa với mức 30.000 đồng.
Theo ông Trí, trong số 130 doanh nghiệp công bố mức thưởng tết năm nay, mức cao nhất là 60 triệu đồng (Công ty TNHH Long Sinh). Riêng Công ty TNHH MTV Thương mại và đầu tư Khánh Hòa - doanh nghiệp từng gây “sốc” năm trước về thưởng tết quá chênh lệch (người cao nhất gần 874 triệu đồng còn người thấp nhất chỉ 2,1 triệu đồng), năm nay thưởng mức cao nhất là 44 triệu đồng, thấp nhất là 1,9 triệu đồng.
Ông Trí còn nói năm nay Điện lực Khánh Hòa gây bất ngờ lớn khi báo cáo tiền thưởng tết cao nhất là 1 triệu đồng và thấp nhất cũng... 1 triệu đồng.
C.V.Kình - Anh Thoa - Ngô Thiên Phúc - Văn Kỳ
Theo Tuoi tre